Chính quyền địa phương nên tổ chức ở mấy cấp? có nên quy định cấp chính quyền nông thôn khác với chính quyền đô thị? Chức năng, nhiệm vụ, vụ trí, vai trò của Hội đồng nhân dân(HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) trong dự thảo nên Hiến định như thế nào?...là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong ngày thứ 2 thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm qua (4/6)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi với các ĐBQH lúc giải lao phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/6. Ảnh Hồng Thúy |
“Bỏ” HĐND: Ai thay mặt dân giám sát?
Quy định về chính quyền địa phương được các ĐBQH đánh giá là một nội dung rất quan trọng trong quy định về bộ máy nhà nước, vì thế cần có sự đầu tư, quy định thật rõ trong Hiến pháp về tổ chức, chức năng, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong thời gian qua.
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) thẳng thắn cho rằng: “Việc chưa tổng kết, đánh giá đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã thiếu đi một cơ sở quan trọng trong việc sửa đổi, bổ sung, quy định của Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương”. ĐB Bình không thống nhất với phương án 1 trong dự thảo, vì theo bà quy định như vậy chưa xứng đáng với vị thế của chính quyền địa phương.
Do đó, ĐB đề nghị thực hiện theo phương án 2, quy định tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc ở đâu có chính quyền địa phương thì phải có thiết chế đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lực nhân dân trong giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Thừa nhận hoạt động của HĐND 1 số nơi chưa tốt chưa đáp ứng yêu cầu , mong đợi của dân nhưng theo ĐB Bùi THị An (Hà Nội) “không vì thế mà xóa bỏ HĐND, bỏ HĐND đi ai thay mặt dân giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền?”, ĐB An đặt câu hỏi và đề nghị nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị theo hướng 2 hoặc 3 cấp.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) chưa yên tâm về cả hai phương án quy định về chính quyền địa phương theo quy định của dự thảo sửa đổi. ĐB Tâm cho rằng, “cả hai phương án chưa thể hiện tinh thần phân cấp giữa TW và địa phương, chưa giải quyết bất cập trong hoạt động của chính quyền địa phương”.
Do đó, “đô thị lớn không nhất thiết nhiều cấp chính quyền”. Riêng với việc bỏ HĐND từ kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh trong thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, ĐB Tâm đề xuất: “Trước khi thông qua Hiến pháp cần tổng kết thí điểm việc này. Nếu đã tổ chức HĐND phải hiến định HĐND phải do nhân dân bầu, đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, là cơ quan quyền lực nhà nước”.
Nhiều ĐB cũng cho rằng sự tồn tại của HĐND rất quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, nhân dân, là kênh giám sát quan trọng đối với chính quyền, do đó việc bỏ HĐND là vấn đề hệ trọng, phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Cần phân biệt chính quyền nông thôn, đô thị
Cũng như ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng cả 2 phương án về chính quyền địa phương “chưa đủ sức thuyết phục”. ĐB này cho rằng nếu theo phương án 1 của dự thảo thiết kế mô hình chính quyền địa phương thì quá chung chung vì toàn bộ việc thành lập quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đều giao cho luật định.
Quy định này sẽ tạo điều kiện cho việc kéo dài thí điểm, thiếu tính ổn định, tính pháp lý không tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Còn nếu theo phương án 2 của dự thảo cơ bản không có gì thay đổi so với Hiến pháp 1992, không đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Dẫn chứng từ sự sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư…nhiều tỉnh đã có những chính sách “xé rào” nhằm đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị “Quốc hội không nên để tiếp tục tồn tại tình trạng này”.
Theo ĐB Nga, đây là thời điểm hợp lý nhất để ghi nhận trong Hiến pháp về nguyên tắc có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; đồng thời, cần mạnh dạn giao cho Chính phủ nghiên cứu mô hình, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để cho một số địa phương có điều kiện thuận lợi, có thể bứt phá phát triển nhanh đi trước.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng nhấn mạnh “chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng và cần được hiến định. Vì vậy phải quy định cụ thể hơn về chính quyền địa phương, xác định địa vị pháp lý và nguyên tắc tổ chức theo hướng phù hợp với đặc thù vùng miền như nông thôn, thành thị, đồng bằng, miền núi, hải đảo”.
Với 86 ý kiến phát biểu trong hai ngày thảo luận, hầu hết các nội dung của dự thảo Hiến pháp đã được ĐBQH phân tích, đề xuất nhiều ý kiến với mong muốn bản Hiến pháp mới ban hành thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của hơn 80 triệu dân Việt Nam.
Hai phương án Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội về mô hình chính quyền địa phương: Phương án 1: Giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này thì Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định. Phương án 2: Giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành. |
Thu Hằng