Hai vị tướng quân đội lên tiếng vụ cưỡng chế ở Hải Phòng

 

Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lên tiếng, nhiều vị tướng lĩnh khác cũng bày tỏ chính kiến. Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu I) và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này...
 

[links()] Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lên tiếng, nhiều vị tướng lĩnh khác cũng bày tỏ chính kiến. Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu I) và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Nói về “phản ứng tiêu cực” bắn súng hoa cải làm bị thương 6 chiến sĩ công an, bộ đội của ông Đoàn Văn Vương trong buổi cưỡng chế, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho  rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này. 

Trung tướng Phạm Xuân Thệ.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ.
Cùng nội dung này, tướng Huỳnh Đắc Hương đưa ra một ví dụ điển hình, câu chuyện chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng không phải bây giờ mới có. Trước đây, ở Thái Bình, chính quyền đã từng bán đất của nhân dân để mua ô tô, làm sân tennis, khiến cho nhân dân uất ức mà chống đối.  Điều này cho thấy, sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền địa phương mà ra.

Ông nói thêm, vào năm 1999, nhân một chuyến du lịch, tôi cùng gia đình và một số đồng đội của mình đã ghé thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Khi đó, ông Vươn và gia đình họ Đoàn nổi lên là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi. 

Khi chính sách khuyến khích lấn biển làm kinh tế của nhà nước ta ban hành, không phải ai cũng dám bỏ công, bỏ của ra để làm. Nhưng ông Vươn cùng người nhà đã thực hiện rất thành công. Nhìn vào khu đầm phá này, người ta sẽ phần nào hiểu được công sức, tiền của mà chủ đầm phải đầu tư. 

Theo ông Hương, những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.

Nói về chuyện hòa giải của Thẩm phán Ngô Văn Anh đối với phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Lãng với các hộ thuộc diện cưỡng chế, tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, cơ quan tham mưu, cơ quan chức năng địa phương quá non kém về mặt chính trị. Bởi vì, hành động ấy chằng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân.

Ông nói thêm, việc đưa lực lượng liên ngành tạo nên một cuộc cưỡng chế rầm rộ như đã làm ở Tiên Lãng chẳng khác gì đẩy người nông dân vào đường cùng.  Trong trường hợp ấy, lẽ ra ông Vươn trở thành một người dân tốt, người làm kinh tế giỏi bỗng chốc bị dồn vào đường cùng và biến thành tội phạm. Như vậy là thất bại. Và những yếu kém trong cách quản lý của chính quyền địa phương đôi khi vô tình sẽ tạo nên kẽ hở cho những thế lực thù địch lợi dụng.

Đối với câu chuyện san bằng ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn, tướng Huỳnh Đắc Hương nói thêm, nếu chính quyền địa  phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác. 

Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình.

Qua sự việc này, Thiếu Tướng Huỳnh Đắc Hương mong rằng, các Bộ tham gia điều tra, làm rõ việc quản lý đất đai ở Tiên Lãng trong thời gian tới đây sẽ trung thực, nghiêm túc và giải quyết triệt để vấn đề nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước ngày càng vững bền hơn. Và có thể lấy câu chuyện ở Tiên Lãng làm điển hình cho những địa phương khác trên toàn quốc.

Theo GDVN

Đọc thêm