Hận mẹ vì ấu thơ nhung lụa

(PLO) - Một bộ phận ông bố bà mẹ trẻ với điều kiện kinh tế khá đang biến con cái mình thành “cậu ấm cô chiêu”. Rất có thể, một ngày nào đó chúng sẽ nói “con hận mẹ” chỉ bởi tuổi ấu thơ nhung lụa.

Chị Hằng làm giám đốc truyền thông của một công ty bất động sản lớn.Từng có một tuổi thơ khá vất vả, nên chị quyết tâm phải bám trụ thành phố, quyết tâm vượt thoát khỏi đời sống nghèo làn của cha mẹ. 10 năm bám trụ lại đô thành, chị đã có được những thứ mình mơ ước với nhà lầu, xe hơi. Ám ảnh những tháng ngày nghèo khó ở quê, Hằng quyết tâm bù đắp cho con.Từ bỉm sữa, đến quần áo, đồ chơi, Hằng đều mua loại đắt tiền nhất, tận Mỹ, tận Pháp về cho con.

Không chỉ có vậy, cô cũng thuê hẳn mỗi đứa con một bà giúp việc. Kể cả khi các con cô đã chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, những người giúp việc vẫn tất bật từ rửa cái cốc uống sữa, chải đầu, bơm mực, gọt bút chì, chuẩn bị quần áo giày dép…. cho cô chủ nhỏ. Không để con phải động tay vào bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất, đó là phương châm sống của một bà mẹ nhiều tiền như Hằng. Hằng cho rằng, có tiền, chẳng cho con thì cho ai. Bố mẹ có tiền, tại sao con lại phải khổ?

Không nhiều tiền như chị Hằng, nhưng chị Phương Thanh (giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội) lại bao bọc con theo cách của riêng mình.

Chị cho rằng, chỉ có con đường học hành mới đưa con đến thành công, mới giúp con sau này kiếm được nhiều tiền, có cuộc sống giàu sang. Nghĩ vậy, bao nhiêu thời gian có được, chị giành hết cho con học, điều đó cũng có nghĩa là bao nhiêu công việc trong nhà, chị đều nhận hết về mình. Cô con gái lớn của chị đã học lớp 12, nhưng ngoài ăn, học, và ngủ, cô bé không phải làm bất kỳ công việc gì. Quần áo thay ra có mẹ giặt, ngày 3 bữa cơm có mẹ lo, nhà cửa, quần áo đều được bàn tay mẹ chỉn chu chăm chút. Thậm chí nếu chiếc áo có đứt cúc, cô bé cũng chỉ biết cầu cứu mẹ. Tối tối khi con học khuya, chị pha cho con cốc sữa, nấu cho con bát mì thì cũng chính lại là chị sang hôm sau thu dọn chén bát mang đi rửa cho con.

“Cháu học hành vất vả quá, tôi chẳng học đỡ được con, thì giúp con vài việc vặt, có nhiều nhặn gì.” – chị phân trần khi có người góp ý chị làm hết phần việc của con.

Không những chỉ giành hết thời gian cho con học, chị Thanh không thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng cũng tạo điều kiện tối đa cho con. Bất kỳ con nói cần thứ gì để hỗ trợ việc học, chị Thanh đều nhanh chóng đáp ứng con. Từ máy laptop, máy tính bảng,... bạn bè có gì, con bé cũng có thứ đó, không bao giờ phải kém cạnh.  “Miễn là con chịu học để có một tương lai tươi sáng thì bố mẹ không tiếc bất cứ thứ gì cho con.” Chị tuyên bố.

Chị Hằng, chị Thanh chỉ là hai trong vô số những bà mẹ đang có phương châm dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Họ nghĩ rằng đứa con bé bỏng, tình yêu to lớn nhất cuộc đời của họ phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà họ cố thể dành cho con. 

Không thể phủ nhận có những đứa trẻ biết sử dụng điều kiện sống, những cơ hội bố mẹ đa tạo sẵn làm đà bật để phát triển, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp trẻ được bao bọc quá trở thành “những con gà công nghiệp” thiếu kỹ năng sống, lơ ngơ với cuộc đời. Tệ hại hơn, có những “cậu ấm cô chiêu” vì quá được nuông chiều mà trở nên hư hỏng.

Lại thêm một ví dụ nữa về clip gây dậy sóng cộng đồng mạng một thời gian khá dài.Hai nhân vật chính của clip là mẹ con cô bé nghèo.Người mẹ bán trái cây dạo. Không có tiền để mua cho con những món quà ưa thích, thậm chí người mẹ cũng không có cả thời gian để cầm tay chỉ bảo con từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ấy vậy nhưng chỉ bằng chính cuộc sống của mình, chính nỗi thèm khát trong đói khổ của mình, cô bé đã được mẹ định hướng để đạt được những gì mình mong muốn.

Ban đầu chỉ là thèm một chiếc kem, trong khi mình chỉ có quả dứa, cô bé biết biến miếng dứa thành que kem mát lạnh. Từ sở thích của mình, cô bán những que kem dứa độc đáo kiếm tiền giúp mẹ.  Trưởng thành từ những que kem dứa, đứa con gái bé bỏng của người mẹ nghèo nhanh chóng trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.

Chính tại VN, cũng có không ít nhữngngười mẹ dù có cuộc sống vật chất đầy đủ, vẫn cho con lăn lộn với cuộc sống để trẻ tự trưởng thành. Đó có thể là việc nhận một vài món hàng thủ công gì đó về cho con làm, nhận gia sư cho một em bé nhà hàng xóm… “Gia đình không túng thiếu để bắt con phải kiếm tiền. Thậm chí tiền điện con sử dụng khi ngồi dán mấy cái túi còn đắt hơn tiền công con nhận được, nhưng tôi vẫn cho con làm, để con biết kiếm được đồng tiền phải vất vả như thế nào” – Chị Hướng Dương (Trung Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ quan điểm dạy con của mình. 

Theo quan điểm của người Do Thái, “một người đến cơm cũng không biết nấu, thì không có tư cách để nghiên cứu học vấn.”Cũng chính người Do Thái lưu truyền câu chuyện về một loại chim ở Grand Canyon nước Mỹ.

Đó là một loài đại bàng. Hằng ngày, đại bàng mẹ bay 200 dặm chỉ để tìm những cành vạn tuế có gai về làm một cái tổ kiên cố, bên trên phủ  lá cây, lông vũ, cỏ dại cho chim con khỏi bị gai đâm.Chim con lớn dần theo năm tháng,  một hôm, đại bàng mẹ sẽ cố tình phá cái tổ bình yên ấy, thấy vậy, lũ chim com ra sức vỗ cánh, sau đó, chúng đều biết bay. Cái tổ chim có gai vừa thể hiện tình yêu thương thầm lặng của đại bàng mẹ, vừa thể hiển sự hiểu biết rộng lớn của nó.

Câu chuyện của đại bàng mẹ, câu chuyện của cô bé bán kem dứa, hẳn sẽ là bài học bổ ích cho những bà mẹ đang muốn xây những chiếc kén nhung lụa, lông vũ êm ái cho cuộc sống của các cậu ấm, cô chiêu nhà mình.

Đọc thêm