Tổng thống là người mới, nhưng bầu cử Tổng thống có đồng nghĩa với việc một thời kỳ chính trị mới được mở ra hay không còn tuỳ thuộc vào Tổng thống đắc cử thuộc phe phái chính trị đang cầm quyền hay ở phe đối lập.
Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ sẽ mãn nhiệm sau 5 năm cầm quyền vào ngày 10/5 tới. Người sẽ kế nhiệm ông Moon Jae-in nhờ đắc cử trong cuộc bầu cử vừa rồi ở Hàn Quốc là ông Yoon Suk Yeol, ứng cử viên của phe đối lập.
Ông Yoon Suk Yeol mới tham gia hoạt động chính trịở Hàn Quốc chỉ từ hơn 1 năm nay và đắc cử nhờ chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu chỉ có 0,8% so với ứng cử viên Tổng thống Lee Jae Myung thuộc phe Đảng Dân chủ. Kết quả bầu cử này, cả triển vọng thắng cử của ông Yoon Suk Yeol lẫn mức độ sít sao của chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu, đã được dự đoán trước trên cơ sở kết quả các cuộc thăm dò dư luận.
Cử tri ở Hàn Quốc đánh giá khá tích cực về thành quả cầm quyền của ông Moon Jae-in và biết rằng quan điểm chính sách cầm quyền của vị Tổng thống mãn nhiệm sẽ được ông Lee Jae Myung tiếp tục nếu đắc cử. Nhưng cử tri ở xứ này rất không hài lòng về bê bối tai tiếng ở một vài cộng sự thân cận của ông Moon Jae-in và ở một số chức sắc trong phe Đảng Dân chủ.
Ông Yoon Suk Yeol được tiếng là người kiên định chống tham nhũng và lạm dụng chức quyền khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Kết quả bầu cử Tổng thống như thế buộc người đắc cử không thể không nhận thức rằng nội bộ chính trường và xã hội hiện tại ở Hàn Quốc phân chia thành hai phe phái rõ rệt và Tổng thống mới không thể không tiếp tục một số quan điểm chính sách của người tiền nhiệm nếu như muốn khắc phục sự phân rẽ nói trên. Ông Yoon Suk Yeol phải tìm cách khắc phục sự phân rẽ ấy nếu như muốn cầm quyền thành công.
Hàn Quốc bầu cử Tổng thống và thay đổi chính quyền ở thời buổi khó khăn trên nhiều phương diện, về đối nội cũng như đối ngoại. Dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội ở đất nước này bất chấp mọi kết quảứng phó tích cực đã đạt được, ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống của người dân. Quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc với Mỹ ở thời Tổng thống Mỹ Joe Biden lại rất tốt đẹp và gắn bó, nhưng với Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản vẫn trắc trở, phức tạp và nhạy cảm.
Cho dù ở trong cùng liên minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ, vẫn được cam kết bảo hộ an ninh và vẫn có lực lượng lớn quân đội Mỹ đồn trú thường xuyên trên lãnh thổ, Hàn Quốc vẫn cảm nhận bị thách thức thật sự về an ninh bởi Triều Tiên và Trung Quốc. Mỹ cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc trên rất nhiều phương diện, trong khi giữa Mỹ và Nhật Bản với Triều Tiên trên thực tế vẫn thù địch.
Cả mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc cũng đầy căng thẳng. Khu vực Đông Bắc Á nói chung không được yên bình về chính trị an ninh và hài hoà về quan hệ quốc tế.
Người mới lên cầm quyền ở Hàn Quốc trong bối cảnh tình hình chung như thế không dễ phất cờ thành công cho dù đã giành được cờ về tay. Về đối nội, ưu tiên chính sách cầm quyền của ông Yoon Suk Yeol không thểkhác ngoài đẩy lùi dịch bệnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bình ổn giá cả để trấn an tâm lý chung của người dân và giới kinh tế cũng như chống tham nhũng.
Về đối ngoại, ngay từ khi còn vận động tranh cử, ông Yoon Suk Yeol cho biết sẽ có khác biệt với ông Moon Jae-in. Người mới đã từng tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệvới Mỹ và sẽ xử lý những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Nhật Bản.
Các mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống này xem ra được ông Yoon Suk Yeol đặc biệt coi trọng và dùng chúng để làm chỗ dựa cho thực thi quan điểm, chính sách cứng rắn hơn đối với cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc, không tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc như ông Moon Jae-in và tiếp cận quan hệ với Triều Tiên từ thế mạnh và thông qua sức mạnh chứ không ôn hoà như ông Moon Jae-in.