|
Ảnh minh họa |
Thị trường hàng dệt may ở tỉnh ta hiện nay thật phong phú, đa dạng. Người tiêu dùng có thể mua sắm các loại sản phẩm dệt may Việt Nam cho mọi giới tính, lứa tuổi. Hầu hết các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm dệt may đều treo băng zôn, quảng cáo là "Hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao", nhưng qua thực tế nhiều người tiêu dùng, không khỏi băn khoăn: Liệu các sản phẩm dệt may ấy đã thật sự đạt "chất lượng cao" như quảng cáo?
Chị Vũ Lệ Hải ở số nhà 95 Hùng Vương (TP Nam Định) cho biết: Nếu có điều kiện đi mua sắm ở các địa phương khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hoặc vào mạng Internet tìm hiểu đều dễ dàng nhận thấy trong cùng một thương hiệu dệt may, các cửa hàng, đại lý luôn cung cấp nhiều nhãn hiệu sản phẩm với chất lượng cao hơn so với sản phẩm tại thị trường Nam Định. Cụ thể như sản phẩm của Việt Tiến, tại hầu hết các cửa hàng, đại lý cung cấp ở các phố Quang Trung, Hàng Tiện, Bà Triệu, Hàn Thuyên... mới chỉ cung cấp các nhãn hàng Viettien, Vietlong với mức giá giao động từ 80 đến 450 nghìn đồng/áo sơ mi nam; chưa cung cấp phổ biến các nhãn hàng Manhattan, Smart Casual, San Sciaro - sản phẩm sang trọng và lịch lãm. Đáng chú ý, tại Nam Định nhiều người quan niệm Việt Tiến là thương hiệu chỉ dành riêng cho phái nam, ít người biết đến việc Việt Tiến còn cung cấp nhiều sản phẩm nữ giới với nhãn hàng T-up... Bà Bùi Thị Hạnh, số nhà 154 phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết: Mấy năm gần đây bà thường mua quần áo cho các con tại cửa hàng cung cấp sản phẩm của các hãng Bluc Exchange, Po-ci, PT2000... Đây là dòng sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ nên kiểu dáng và màu sắc rất phong phú, sống động, nhưng thời gian sử dụng tốt nhất cũng chỉ được một vụ, chưa thực sự đạt chuẩn "chất lượng cao" như người tiêu dùng mong muốn... Vì sao người tiêu dùng tại Nam Định chưa được tiếp cận, sử dụng những sản phẩm dệt may đúng theo tiêu chuẩn "chất lượng cao"?
Nhìn lại thị trường của ngành dệt may Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy trước đây các doanh nghiệp đều chưa gắn bó với thị trường nội địa. Chỉ mấy năm gần đây, khi gặp những sự cố bất lợi lớn trên thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới "hồi tâm" hướng về thị trường nội địa đầy tiềm năng đang còn bỏ ngỏ. Theo đó, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp để cạnh tranh với dòng sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và các cửa hiệu, nhà may nhỏ lẻ nằm rải rác ở các địa phương. Một số doanh nghiệp đã thông qua các cửa hàng, đại lý nhỏ cung cấp những sản phẩm xuất khẩu lỗi mốt, tồn kho dưới mác hàng "Made in Việt Nam" mà không cần quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về thương hiệu, năng lực sản xuất của mình. Cách thức bán hàng này đã nhanh chóng bị người tiêu dùng phát hiện, tẩy chay. Một số doanh nghiệp chuyên làm hàng dệt may xuất khẩu cho các thị trường thấp cấp cũng tận dụng kinh nghiệm về nhu cầu, giá cả, đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp, thu hút được sức mua của những khách hàng có thu nhập thấp trong thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp lớn, đã không chỉ tận dụng được các lợi thế về danh tiếng, uy tín và hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại có được từ việc sản xuất hàng xuất khẩu mà còn chủ động đầu tư nghiên cứu nhu cầu, thói quen ăn mặc, văn hoá vùng miền và kích cỡ của các khách hàng nội địa nhằm phục vụ tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi đã mở hướng khai thác về thị trường nội địa đều tập trung nguồn lực, nhân lực, phát huy lợi thế của mình nhằm phục vụ đông đảo số lượng khách hàng theo tiêu chí riêng biệt, độc lập. Tổng Cty cổ phần may Việt Tiến, ngoài việc tập trung nguồn nhân lực, hạ tầng thiết bị, máy móc, còn thực hiện phương thức phân chia khách hàng thành nhiều phân khúc, với các nhóm: người lao động, bình dân, công chức, người có thu nhập cao. Cty còn chủ động liên kết mua bản quyền thương hiệu sản xuất, kinh doanh của 2 thương hiệu thời trang cao cấp là San Sciaro của Italia và Manhattan của Mỹ. Doanh nghiệp Thái Tuấn, là đơn vị chú trọng phát triển thị trường nội địa từ rất sớm. Để tạo nét riêng biệt, doanh nghiệp đã chú trọng vào nhóm khách hàng nữ giới từ 22-45 tuổi với các dòng sản phẩm chủ lực như: gấm, lụa tơ tằm, Silk thun, Jacquard... Chủng loại sản phẩm đa dạng từ bình dân đến cao cấp, với các mẫu trang phục: thể thao, công sở, trang phục gia đình, đồng phục học sinh, áo dài... Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng những nỗ lực của mình, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhanh chóng nâng chỉ số về thị phần từ mức gần như không đáng kể lên trên 50%. Kết quả này phần nào khẳng định những nỗ lực tích cực từ phía các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Và ngay tại tỉnh ta, người tiêu dùng cũng đã thường xuyên sử dụng sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp: Việt Tiến, An Phước Thái Tuấn, Ninomaxx, Bluc change, PT 2000, Foci..., đã khẳng định đây là những dòng sản phẩm đạt chất lượng.
Tuy nhiên, từ cách thức quảng cáo, tiếp thị của các cửa hàng, đại lý cung cấp sản phẩm dệt may Việt Nam đến nhận định, đánh giá của khách hàng về tiêu chuẩn "chất lượng cao" thực sự đã tồn tại một số kẽ hở. Về phía người tiêu dùng, luôn mong muốn tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dệt may Việt Nam, một phần do tinh thần tự hào dân tộc, một phần do nhận định về quyền lợi như: được mua với giá rẻ vì không chịu thuế nhập khẩu, được dễ dàng bảo đảm về quyền lợi sau mua hàng... Hơn nữa phần lớn người tiêu dùng đều nhận định hàng "chất lượng cao" phải là các sản phẩm đạt nhiều yếu tố như: giá "mềm" bền, đẹp, sang trọng, lịch sự. Trong khi đó, để có thể bảo đảm lợi nhuận, duy trì hoạt động, các doanh nghiệp đều chỉ có thể cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm đạt "chất lượng cao" trong khuôn khổ giá trị của từng sản phẩm. Trên thực tế, người tiêu dùng tại Nam Định hoặc bất kỳ địa phương nào trên toàn quốc cũng đã được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cân xứng với giá thành xuất bán. Về lý do còn hạn chế trong cung cấp các sản phẩm thực sự đạt chất lượng cao (cao cấp) là do bản thân các cửa hàng, đại lý cung cấp sản phẩm phải căn cứ vào nhu cầu, điều kiện kinh tế của đa số người dân địa phương để chọn bán những sản phẩm phục vụ số đông khách hàng, bảo đảm tăng doanh số đạt hiệu quả kinh tế cao.Vì vậy, khẩu hiệu hàng Việt Nam "chất lượng cao" cần được linh động xác định như một phương thức quảng cáo, thu hút khách hàng./.
Nguyễn Thanh Thuý