Nhiều độc giả băn khoăn: “Làm gì có chiếc H nào giá 1.100USD?” Như vậy, “sao” này có lẽ mua nhầm hàng nhái, và biên tập của trang tạp chí này cũng quên không kiểm tra lại các thông tin khi đăng tấm hình.
Hàng hóa xa xỉ trên thế giới ngày nay không còn giới hạn trong những sản phẩm lớn nhất và đắt tiền nhất. Sự xa xỉ hiện bao gồm cả sự độc đáo của những yếu tố cá nhân, và ứng được các yếu tố đó. Khi xu hướng trên sản phẩm thể hiện rõ phong cách người sử dụng, còn gọi là “cá tính hóa” sản phẩm, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là xu hướng tiêu dùng sẽ phát triển rõ rệt trong năm 2010 trên thế giới thì ở Việt Nam, xu hướng này khi nào sẽ thực sự phát triển, trong khi vẫn còn khá nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh xung quanh việc xài hàng hiệu?
Câu chuyện thứ nhất: Bước 1 – phân biệt hàng nhái
|
Hồ Ngọc Hà và chiếc túi LV (ảnh minh họa) |
Chuyện thật, như đùa, khi một cuốn tạp chí cũng có “name” đăng hình một “sao”với các trang phục khá đắt tiền. Các ghi chú rõ rệt cho biết cô này mặc gì, khoác túi gì, đi giày gì. Thật bắt ngờ, chiếc túi cô dùng thuộc nhãn hiệu H… một nhãn hiệu mà bất kỳ tín đồ thời trang nào trên thế giới cũng ao ước sở hữu. Nhưng, nhiều độc giả băn khoăn: “Làm gì có chiếc H nào giá 1.100USD?” Như vậy, “sao” này có lẽ mua nhầm hàng nhái, và biên tập của trang tạp chí này cũng quên không kiểm tra lại các thông tin khi đăng tấm hình. Nhà nhập khẩu và phân phối túi H. chẳng biết sẽ phản ứng thế nào khi nhìn thấy bức hình trên?
Việc dùng những chiếc túi H. không hề mang logo, những chuyện khăn quàng của thương hiệu này còn mang cả một câu chuyện cổ tích trong hoa văn đang trở thành mốt ở Hà Nội, TP.HCM thay cho LV, vốn là “biểu tượng” cho những người muốn khẳng định đẳng cấp thời trang, đã không còn “hot”. Nhưng thực tế, những nhân vật dùng túi H. hầu hết kiên nhẫn chờ và hầu như là không muốn công bố danh tính.
Câu chuyện này mở ra những bàn tán xôn xao cho các tín đồ thời trang siêng đọc tạp chí và kết luận bằng những ngậm ngùi của một số nhà nhập khẩu hàng hiệu. Họ, ngoài tiền đầu tư không hề nhỏ, còn có nghĩa vụ cung cấp thêm những thông tin bao quát và mang tính đại chúng về sản phẩm để ít nhất, bước đầu tiên khi bước vào thế giới hàng hiệu, khách hàng có thể nhận ra khái niệm: “Hàng xịn cho nhãn hiệu đó thì giá tối thiểu là bao nhiêu?”.
Câu chuyện thứ hai: Giá trị văn hóa
|
NTK Trương Thanh Long trong vai trò người mẫu của 1 buổi chụp giới thiệu sản phẩm hàng hiệu |
Chủ shop gấu bông Steiff trên đường Nguyễn Huệ cho biết, cô đã choáng ngay ngày đầu khai trương khi một khách hàng ăn mặc bình thường, đi xe honda muốn mua chú gấu lớn nhất cửa hàng và giá cũng đắt nhất. Nhưng, cô chưa kịp giải thích tại sao chú gấu ấy có giá 14 triệu đồng, lông nó được làm từ chú cừu hiếm quý ở vùng nào, các chi tiết khác được làm bằng tay, hoàn toàn thủ công… ra sao, thì vị thượng đế kia đã nhét chú gấu hàng hiệu kiêu hãnh vào một chiếc túi xách, trả tiền một cách rất thờ ơ rồi đi ngay.
Cũng giống như đa số các nhà nhập khẩu các nhãn hiệu khác, cô chủ nhỏ này cho biết, yếu tố kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng bên cạnh đó, khi chọn các nhãn hiệu, sản phẩm, nhà nhập khẩu luôn có những quan tâm, đam mê nhất định với lĩnh vực hoặc sản phẩm đó. Họ luôn có cảm giác vui sướng và hạnh phúc khi khách hàng am hiểu những giá trị văn hóa ẩn sâu trong sản phẩm, trả tiền mua chúng với niềm vui được sở hữu một tặng vật được tạo ra bởi rất nhiều kỳ công.
Vậy là cao hơn một bước, các nhà nhập khẩu cần phải cung cấp những thông tin mang tính văn hóa cho khách hàng, để các thượng đế có khả năng chi những món tiền lớn hiểu thêm về giá trị thương hiệu trước khi quyết định bỏ ra một số tiền xứng đáng với các sản phẩm độc đáo, mang dấu ấn phong cách rõ rệt của thương hiệu.
Câu chuyện thứ 3: Miễn thích là được
|
Quỳnh Thy chụp hình sản phẩm hàng hiệu mới (ảnh minh họa) |
Vóc dáng của người châu Âu luôn có phần nhỉnh hơn người châu Á, nên khi mua các sản phẩm hàng hiệu làm theo tiêu chuẩn châu Âu, người châu Á sẽ phải chọn các size nhỏ. Một chuyện ngộ nghĩnh xảy ra tại một shop đồng hồ. Vị khách hàng khác lịch lãm, chọn một sản phẩm ưng ý, vừa tay, nhưng muốn đổi dây đeo từ màu hồng sang màu đen. Cô nhân viên tư vấn tế nhị, không dám nói rằng chiếc đồng hồ đó chỉ dành cho phụ nữ để nhờ vị khách chọn mẫu khác, nhưng vị khách khăng khăng, rằng chỉ thích mẫu đó.
Tương tự, nếu luôn cập nhập các thông tin thời trang trên mạng, các ấn phẩm thời trang có uy tín bạn sẽ biết rõ xu hướng thời trang nào, màu sắc nào trong năm nay được dành cho tuổi teen, cho các cô gái đã trưởng thành hay phụ nữ mặn mà, quyến rũ. Một số không hiếm các trường hợp người tiêu dùng hàng hiệu ở Việt Nam mua những sản phẩm thời trang rất đắt tiền nhưng không đúng phong cách, độ tuổi vì không biết những thông tin này. Người bán có thể tư vấn, nhưng cũng nhiều người chỉ tuân theo nguyên tắc: “Khách hàng là thượng đế, miễn họ thích là được”. Vậy nên mới có chuyện, những quý bà sành điệu thuộc U50 vẫn mặc những bộ thời trang lẽ ra dành cho con gái mình.
Khi chuyện dùng hàng hiệu sao cho xứng với giá trị văn hóa của thương hiệu, để thể hiện mình là một người sang trọng chứ không chỉ giàu vẫn còn là chuyện đáng bàn ở Việt Nam, thì việc cá tính hóa những sản phẩm hàng hiệu theo kiểu “sơn chiếc Phantom màu xanh” có lẽ cũng còn là chuyện đường dài ở Việt Nam chứ không phải chỉ trong năm 2010.
Theo Hàng Hiệu