Hàng hóa theo chân tỷ giá?

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tỷ giá USD/VNĐ thêm 9,3%, nhiều nhà sản xuất gas đã công bố tăng giá. Các nhãn hàng gas quen thuộc như: Saigon Petro, Saigon Gas, Elf Gas... tăng trung bình từ 15 - 17 ngàn đồng/bình 12kg.
 
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tỷ giá USD/VNĐ thêm 9,3%, nhiều nhà sản xuất gas đã công bố tăng giá. Các nhãn hàng gas quen thuộc như: Saigon Petro, Saigon Gas, Elf Gas... tăng trung bình từ 15 - 17 ngàn đồng/bình 12kg.
Mô tả ảnh.
Tác động điều chỉnh tỷ giá, nhiều mặt hàng bắt đầu tăng giá, trong đó có giá thép.
Hiện tại, giá gas loại 12kg/bình đang ở mức từ 310 - 330 ngàn đồng/bình, cao nhất từ trước đến nay. Ngay sau Tết, các nhãn hàng sữa có thị phần lớn như Abbott, Friso, Dutch Lady, NutiFood... cũng đã áp dụng giá mới cho hầu hết các mặt hàng sữa bột, sữa nước với mức tăng thêm từ 8 - 15%. Chị Lê Thị Đại, đại lý buôn bán sữa trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, cho biết cách đây vài tuần, một số nhà phân phối sữa đã đồng loạt gửi thông báo đến các đại lý về mức tăng giá sữa thêm từ 8 - 12%, cụ thể sữa Abbott tăng 12%, sữa NutiFood tăng 9 - 10%, Nestlé tăng 9%, Enfa tăng 10%... “Nếu cứ đà này, bắt đầu từ đầu tháng 3, người tiêu dùng sẽ phải “móc thêm hầu bao” từ  25 - 45 ngàn đồng/lon sữa bột 900g”, chị Đại nói.

Ở lĩnh vực hàng điện tử, linh kiện máy tính... một số siêu thị điện máy cho biết, các lô hàng trước Tết vẫn giữ giá cũ, song những lô hàng mới nhập đã tăng thêm 5 - 10% tùy mặt hàng, phổ biến ở nhóm hàng linh kiện máy tính, thiết bị văn phòng, thiết bị kỹ thuật số... nhập khẩu. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, một số mặt hàng điện thoại di động chưa biến động nhiều do đã tăng giá thêm 8% vào đầu tháng 1 năm nay, tuy nhiên nhiều nhà phân phối và bán lẻ điện thoại di động nhận định, với việc điều chỉnh tỷ giá, chắc chắn nhóm hàng này sẽ tăng giá vào đầu tháng 3 tới.
Cùng quan điểm với các nhà phân phối điện thoại, lãnh đạo một siêu thị lớn trên địa bàn thành phố cho hay, sau Tết đơn vị đã nhận được thông báo tăng giá thêm 5 - 15% từ nhiều nhà cung cấp, trong đó chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như sữa, mì ăn liền, dầu ăn... và sắp tới, hàng loạt mặt hàng khác cũng có khả năng bị điều chỉnh giá do đầu vào tăng. “Dĩ nhiên, mức tăng hợp lý hay không sẽ được thảo luận kỹ với nhà cung cấp, nhưng dù tăng ít hay nhiều thì chúng tôi cũng rất lo lắng bởi e ngại người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu” - lãnh đạo siêu thị này cho biết.

Ngoài các sản phẩm trên tăng giá, giá thép cũng đã được điều chỉnh tăng 2 lần so với trước Tết, nguyên nhân cũng được lý giải là do tỷ giá tăng. Hiện giá thép bán lẻ tại thị trường Đà Nẵng đã trên đà tiến gần đến mức 20 ngàn đồng/kg, tăng gần bằng mức kỷ lục của cơn sốt giá thép vào năm 2008. Tương tự, xi-măng cũng tăng thêm 2 - 3 ngàn đồng/bao so với tháng 1. Một số mặt hàng khác như: tôn, thiết bị vệ sinh nhập khẩu, gạch men... cũng có hiện tượng rục rịch tăng theo.

Lý giải về thị trường hàng hóa biến động ngay từ đầu năm 2011, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, ngoài vấn đề về tỷ giá, còn một số yếu tố khác có tính quyết định đến mặt bằng giá cả đang chuẩn bị tăng, như giá xăng, giá điện... Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng do chi phí đầu vào tăng mạnh. “Các yếu tố như xăng dầu, điện... đang chực chờ tăng giá, và đúng như mức dự kiến thì tạo áp lực lên mặt bằng giá cả là rất lớn. Ngoài ra, ở nhiều ngành hàng, giá nguyên liệu thị trường thế giới cũng đang có chiều hướng tăng. Chưa kể, lãi suất vay vẫn còn ở mức rất cao. Tất cả những yếu tố này sẽ phải hạch toán vào giá đầu vào, gây sức ép lên giá thành sản phẩm và người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sẽ phải chia nhau gánh nặng đó”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép tại KCN Hòa Khánh nói.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Đọc thêm