Niềm tin mù quáng vào cái gọi là “phép thuật” lấy đi hàng ngàn mạng người tại đất nước Đông Phi Tanzania. Nạn nhân không chỉ là những người bị đem hiến tế mà còn là cả chính những người được cho là “phù thủy”.
|
Một thầy phù thủy tại Tanzania. Ảnh: CNN |
Cảm giác bí ẩn và sợ hãi luôn khiến người ta rùng mình khi nghĩ đến những người hành nghề “phù thủy”. Và sẽ không ở đâu trên thế giới cho cái nhìn rõ nét hơn về những phong tục phần lớn mang tính chất tiêu cực tại quốc gia Đông Phi Tanzania. Nếu đến thăm đất nước Tanzania, hình ảnh đọng lại trong ký ức du khách không gì khác mà chính là những chiếc vạc, những cái mũ nhọn hoắt hay những mặt nạ kỳ cục và những đồ vật được dùng làm vật hiến tế…
Diễn đàn về đời sống công cộng và tôn giáo Pew đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp 25.000 người ở 19 nước châu Phi và rút ra thực tế rằng, người Tanzania chính là những người có niềm tin vào các phép thuật phù thủy nhất.
Cụ thể, có đến 60% người Tanzania khi được phỏng vấn nói rằng, họ tin tưởng việc hy sinh cho tổ tiên hay các vị thần thánh có thể bảo vệ họ khỏi những mối nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo sư nhân chủng học Joachim Mwami tại Trường Đại học Dar Es Salaam cho biết, thứ nghệ thuật hắc ám này tồn tại nhiều nơi ở Tanzania vì trong nhiều thế kỷ nay phù phép luôn là lời giải cho mọi vấn đề không thể lý giải được tại những ngôi làng ở vùng nông thôn ở Tanzania, từ việc một đứa trẻ bỗng dưng bị bệnh hay sự xuất hiện của những căn bệnh hiếm gặp.
Tại Tanzania, những người vẫn đang duy trì niềm tin mù quáng vào các phù thủy thường xuyên ghé thăm Mama Safi – một người tự xưng là một “phù thủy tốt”, và nói rằng bà ta có được sức mạnh là nhờ các vị thần linh thường xuyên ghé thăm.
“Tôi có thể trục xuất ma quỷ, chữa bệnh đau dạ dày, đau nửa đầu, bệnh thương hàn và cả bệnh tiểu đường”, Safi tự hào nói. Safi nói rằng bà ta tiến hành các nghi lễ bằng tiếng Ả rập mặc dù thừa nhận bà chưa bao giờ học thứ tiếng này.
Mỗi lần “làm phép”, tùy theo mức độ bệnh mà Safi thu từ 20 USD đến 120 USD, một mức giá cắt cổ so với thu nhập bình quân chỉ 2 USD một ngày tại nước này.
Không chỉ vậy, tại đất nước này, niềm tin đối với hình thức đặc biệt của tôn giáo truyền thống châu Phi có thể biến thành công cụ giết người.
Một nạn nhân điển hình của các thầy phù thủy chính là những người bị bệnh bạch tạng. Về phương diện khoa học, bệnh bạch tạng là do tình trạng thiếu sắc tố trong da, mắt và tóc gây ra. Tuy nhiên, những người Tanzania lại chỉ nghĩ được rằng những người bị bệnh bạch tạng là những sinh vật kỳ quái rồi ra sức kỳ thị, xua đuổi họ.
Còn các “bác sỹ phù thủy” thì lại duy trì một niềm tin mù quáng rằng, các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể mang đến sự giàu có vô biên. Chính vì vậy, nhiều người bị bạch tạng tại Tanzania đã bị truy sát để cắt xén các bộ phận cơ thể nhằm phục vụ cho các nghi lễ hiến tế cầu mong sự giàu có hoặc thậm chí là để chữa các căn bệnh hiểm nghèo!.
Bên cạnh đó, những người được cho là phù thủy tại nước này cũng đã trở thành mục tiêu của những vụ giết chóc. Theo thống kê của Trung tâm Pháp lý và Quyền con người Tanzania, trong năm 2011, đã có khoảng 600 người già ở nước này bị giết hại vì bị tình nghi là những thầy phù thủy.
Để góp phần đẩy lùi thực tế tồi tệ này, giáo sư Mwami cho rằng giáo dục là công tác quan trọng nhất. “Phổ biến kiến thức khoa học là câu trả lời duy nhất để loại trừ các nghi thức cúng tế và các niềm tin có liên quan của người Tanzania”, giáo sư Mwami đúc rút.
Minh Ngọc (theo CNN)