Hàng ngoại tràn ngập thị trường

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần, đây cũng là thời điểm các siêu thị và các shop hàng trong các chợ tung hàng ra thị trường để bán Tết. Bắt mắt và nhiều người vào ra mua hàng nhất là các cửa hàng bánh kẹo, mứt... với hàng trăm chủng loại, đa dạng về kiểu dáng và nguồn gốc của sản phẩm, với rất nhiều nhãn mác nội, ngoại được giới thiệu trên bao bì. Xem ra, những sản phẩm ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường trong những ngày giáp Tết.

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần, đây cũng là thời điểm các siêu thị và các shop hàng trong các chợ tung hàng ra thị trường để bán Tết. Bắt mắt và nhiều người vào ra mua hàng nhất là các cửa hàng bánh kẹo, mứt... với hàng trăm chủng loại, đa dạng về kiểu dáng và nguồn gốc của sản phẩm, với rất nhiều nhãn mác nội, ngoại được giới thiệu trên bao bì. Xem ra, những sản phẩm ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường trong những ngày giáp Tết.

70% là hàng ngoại nhập

Nhiều loại bánh, kẹo ngoại nhập trên thị trường giáp Tết. 

Chị Yến – chủ shop Thuận Yến tại chợ Hàn cho biết: Mọi năm vào thời điểm này đã bán hàng Tết lai rai, nhưng năm nay chưa thấy người mua đi sắm Tết nhiều. Nhiều mặt hàng những năm trước đây là chủ lực, nhưng năm nay người mua rất ít như: Hạt dưa, lạp xưởng, bò khô chẳng hạn... Sở dĩ như vậy vì thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về những sản phẩm phục vụ Tết có chứa chất gây ung thư hoặc được sản xuất từ nguồn nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng bắt đầu e dè trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, bên cạnh đó, giá cả của bánh  kẹo ngoại nhập so với bánh, kẹo được sản xuất trong nước không cao lắm, nên người đi sắm Tết vẫn quan tâm đến những mặt hàng ngoại nhập nhiều hơn.

Chị Loan – chủ shop chuyên kinh doanh bánh kẹo, mứt ở chợ Hàn cho biết thêm: Vào thời điểm này, các loại bánh kẹo được sản xuất ở Biên Hòa, Quảng Ngãi, Hà Nội giá chừng 50.000 đồng/thùng thì bánh đóng thùng có xuất xứ từ Malaysia, Indonesia giá cũng chỉ cao hơn không đến 10.000 đồng. Những nhãn hàng có xuất xứ từ Đan Mạch, Bỉ, Hàn Quốc thì có cao hơn chút xíu, nhưng xem ra cũng nằm trong sự chấp nhận được của người tiêu dùng Đà Nẵng.

Hàng Trung Quốc mặc dù nhiều người ngại mua, nhưng giá cả lại rẻ, hương vị và màu sắc phong phú, lại được các cơ quan chức năng cho lưu hành trên thị trường... Vì vậy, người đi sắm Tết đa số vẫn chuộng những nhãn hàng có xuất xứ từ nước ngoài hơn là từ trong nước. Mặt khác, hàng sản xuất trong nước bao nhiêu năm nay cũng chỉ có vài loại được xem như truyền thống: Bánh quy, bánh xốp, sô-cô-la... Trong khi đó, hàng ngoại nhập rất phong phú về chủng loại và hương vị.

Cẩn thận khi chọn mua hàng

Trên thực tế, không phải ai cũng có điều kiện để sắm sửa hàng Tết như mong muốn của mình. Nhiều gia đình có thu nhập thấp, đôi khi phải sắm hàng Tết rất trễ, thậm chí phải tìm những món hàng có giá cả thấp để mua. Đa số các chợ như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Tân Chính... từ thời điểm này cho đến giáp Tết, người ta bày bán rất nhiều loại mứt không có nhãn mác ghi nơi sản xuất. Loại hàng này được bán theo kiểu cân ký lô và do những cơ sở sản xuất nhỏ kiểu gia đình làm ra nên không đóng gói và ghi tên cơ sở.

Nhiều loại như mứt me, mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt, bí đao... cứ đến hẹn lại lên, mùa Tết thì người ta sản xuất để bán, hết Tết là thôi, năm nào cũng như năm nào nên trở thành quen. Ngay chính những cơ quan chức năng cũng khó xử lý khi người dân mang những mặt hàng này ra chợ bán trong dịp Tết. Vì thế, những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ biết khuyến cáo mọi người hãy hết sức cẩn thận khi mua hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết; cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc của sản phẩm, hạn sử dụng và thành phần của sản phẩm đã được kiểm định chất lượng hay chưa.

Cách tốt nhất là hãy thận trọng với các loại bánh kẹo, mứt có nhiều màu sắc, vì có thể sản phẩm bị sử dụng lượng phẩm màu quá đậm đặc, thậm chí là phẩm màu có chứa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bảo Thy

Đọc thêm