Hàng vạn hộ dân “dài cổ” chờ nước sạch dự án

Dự án xây dựng nhà máy nước sạch thuộc địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2006, trải qua gần 6 năm xây dựng đến nay nhà máy vẫn chưa thể vận hành. Hàng vạn hộ dân xã Tam Hiệp vẫn đang từng ngày sống trong cảnh “khát” nước sạch. Vì sao lại như vậy?

Dự án xây dựng nhà máy nước sạch thuộc địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2006, trải qua gần 6 năm xây dựng đến nay nhà máy vẫn chưa thể vận hành. Hàng vạn hộ dân xã Tam Hiệp vẫn đang từng ngày sống trong cảnh “khát” nước sạch. Vì sao lại như vậy?

Toàn cảnh nhà máy nước sạch xã Tam Hiệp.
Toàn cảnh nhà máy nước sạch xã Tam Hiệp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước năm 2005, chất thải chưa qua xử lý của Nhà máy đường - giấy - rượu Hà Tây (có trụ sở đóng trên địa bàn xã Tam Hiệp) thải ra môi trường suốt thời gian dài hàng chục năm đã gây ô nhiễm môi trường nước xã Tam Hiệp và các vùng lân cận một cách trầm trọng. Nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Tây lúc bấy giờ là ông Hà Văn Hiền đã về kiểm tra và phải lắc đầu trước sự ô nhiễm nặng nề do Nhà máy đường - giấy - rượu Hà Tây gây nên.

Trước thực tế đó, ngày 28/12/2005 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra Quyết định số 2042-QĐ/UBND phê duyệt dự án xây dựng nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn xã Tam Hiệp với tổng vốn đầu tư ban đầu gồm 7 tỷ 716 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án được UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định điều chỉnh bổ sung với vốn đầu tư lên tới 10 tỷ 373 triệu đồng. Nhà máy được xây dựng với công suất thiết kế đạt 1.500m3/ngày đêm.

Sau khi có quyết định phê duyệt chính thức, UBND tỉnh Hà Tây đã giao cho UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư. Cũng ngay sau đó, UBND huyện Phúc Thọ đã ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án do ông Nguyễn Việt Liên - Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.

Dự án chính thức được khởi công xây dựng năm 2006 với bốn hạng mục chính gồm: Hạng mục khoan khai thác nước ngầm có số vốn đầu tư là 289 triệu đồng; hạng mục xây lắp và thiết bị phục vụ cho nhà trạm (giếng khoan, bể lọc…) có số vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng; hạng mục đường ống cấp nước từ nhà máy đến thôn có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng và hạng mục xây dựng trạm biến thế cũng có vốn đầu tư hàng tỷ đồng.

Các van nước để lâu ngày đã bị hoen gỉ
Các van nước để lâu ngày đã bị hoen gỉ

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2008, thế nhưng đến nay đã gần 4 năm trôi qua mà dự án vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí có hạng mục (đường ống cấp nước từ nhà máy đến thôn) mới chỉ hoàn thành được 40% công việc.

Tâm sự với phóng viên, một người dân sống gần nhà máy bức xúc: “Ngày khởi công xây dựng nhà máy được lãnh đạo huyện tổ chức khá rầm rộ. Gặp chúng tôi các ông cán bộ nói chỉ một thời gian ngắn là dân tha hồ dùng nước sạch, vậy mà đã mấy năm trời trôi qua người dân chẳng hề thấy nước sạch đâu cả”.

Ông Hoàng Văn Kha - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp - bức xúc: “Quả thực dư án này đã khiến chúng tôi rất đau đầu, mỗi khi họp HĐND là y như rằng lại được nêu ra trước cuộc họp, thế nhưng đây là dự án của thành phố nên xã không thể đứng ra giải quyết thay và chúng tôi cũng không biết đào đâu ra số tiền lớn hàng tỷ đồng để đầu tư cho dự án”.

Làm việc với phóng viên, ông Đặng Ngọc Hiên - Phó trưởng Phòng kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: “Trong số các hạng mục nêu trên đa số được chủ đầu tư đấu thầu theo luật định, các đơn vị trúng thầu đã triển khai xây dựng từ năm 2006 đến năm 2010 thì cơ bản hoàn thành. Riêng hạng mục đường ống cấp nước từ nhà máy đến các thôn thì đến nay vẫn chưa thi công xong mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Hạng mục này bị “tắc” đã kéo theo toàn bộ các hạng mục khác phải “nằm phơi nắng, phơi sương” suốt nhiều năm nay”.

Theo ông Hiên, giữa năm 2011 UBND huyện Phúc Thọ đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội phản ánh về thực trạng dự án nhà máy nước sạch xã Tam Hiệp, đồng thời đề xuất UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Công ty TNHH thương mại và xây dựng Toàn Linh được tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp này được đối trừ bằng nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ. Khi nhà máy vận hành chính thức thì doanh nghiệp còn được thu tiền dịch vụ với người dân.

Được biết, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đồng ý với hướng đề xuất của UBND huyện Phúc Thọ. Về phía Công ty TNHH thương mại và xây dựng Toàn Linh, sau khi được UBND huyện Phúc Thọ (chủ đầu tư) ký hợp đồng xây dựng hạng mục cuối cùng của dự án (Đường ống nước từ nhà máy đến thôn) thì doanh nghiệp này cũng đã thực hiện được 40% công việc. 60% công việc còn lại chưa biết đến bao giờ doanh nghiệp này mới hoàn thành vì bản thân doanh nghiệp này trong năm 2011 cũng khó khăn về tài chính, điều đó cũng có nghĩa là hàng vạn hộ dân xã Tam Hiệp vẫn đang từng ngày phải… chờ nước sạch dự án.

Hữu Hoa

Đọc thêm