Hàng Việt về nông thôn: Khó giải bài toán lợi nhuận

Với doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng sau gần một năm phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khu vực nông thôn đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng

Với doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng sau gần một năm phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khu vực nông thôn đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khả năng phát triển mạng lưới bán hàng và nâng cao sức mua của người dân nông thôn về lâu dài là rất khả quan. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thực tế, không ít doanh nghiệp nhận thấy đây là một thị trường đầy thử thách, đòi hỏi có sự đầu tư bài bản, lâu dài nếu muốn tồn tại một cách vững vàng tại thị trường này.

Chủ trương đúng đắn

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tạo được chuyển biến lớn trong ý thức của người dân về tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước. Một cuộc điều tra của Công ty TV Plus cho thấy, sau gần 1 năm Bộ Chính trị phát động chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tỷ lệ người tiêu dùng nội địa quan tâm đến hàng Việt Nam tăng lên 58%, thay vì 23% trước đó.

Tín hiệu chung thời gian qua cũng cho thấy, hàng Việt đang có ưu thế cạnh tranh trên thị trường nông thôn. Xu hướng tiêu dùng của người dân nông thôn chuyển một cách tích cực sang tiêu dùng hàng Việt Nam vì chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Đặc biệt là các mặt hàng dệt may, điện gia dụng, thực phẩm công nghệ, sản xuất trong nước chiếm thị phần khá tốt tại thị trường này.

Theo nhận định ban đầu của các doanh nghiệp, Lạng Sơn là địa bàn sẽ rất khó tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tỷ lệ thành công không cao do xuất hiện khá nhiều hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại đây thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ông Từ Như Hiển, cán bộ Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Các doanh nghiệp thực sự bất ngờ khi lượng khách tham quan và mua bán rất đông tại nơi được coi là “thiên đường” của hàng giá rẻ này. Mới đến ngày thứ hai của phiên chợ thứ nhất, lượng hàng tiêu thụ được một nửa, chúng tôi phải tạm dừng lại để dành hàng cho phiên sau. Điều này cho thấy, hàng Việt đang chiếm ưu thế rất lớn trong thị trường nội địa”.

Sau gần 1 năm phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều đợt bán hàng về nông thôn khá thành công với những doanh nghiệp tham gia bền bỉ như: nhựa Chí Thành, nông sản sấy Thuận Hương, bếp ga Sakura, Co.op Mart Biên Hòa, Vinatex Biên Hòa 2... Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, các chuyến bán hàng tại đây đạt hiệu quả tương đối về mặt quảng bá, bước đầu giúp người tiêu dùng tiếp cận một cách sinh động, trực tiếp với hàng Việt.

Khách hàng chọn mua quần áo tại hội chợ hàng Việt Nam tổ chức tại huyện Tiên Lãng.

Cần một chiến lược dài hơi

Mặc dù cuộc vận động đã có những tín hiệu khả quan nhưng tại nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng nhìn nhận: ở địa phương nào, các Sở Công Thương chủ động xây dựng chương trình hành động cho địa phương thì địa phương đó làm tốt, nhưng so với mặt bằng chung thì nhiều hoạt động tại các địa phương lại mang tính riêng lẻ, độc lập, thiếu sự gắn kết với các địa phương lân cận. Một số hội chợ chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Doãn Thị Liễu, Trường đại học Thương mại nhận định: vấn đề sâu xa nhất là đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nông thôn nước ta chưa trở thành một chiến lược dài hơi của Nhà nước. Do chưa có quy hoạch mạng lưới bán lẻ vững chắc, căn cơ nên các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn trong thời gian qua chủ yếu là các giải pháp tình thế, nhất thời, thiếu ổn định. Đặc biệt, còn thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả từ phía Nhà nước để kích thích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn.

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vẫn chưa được triển khai rộng khắp các địa phương và chưa thực sự “bám rễ” thị trường đầy tiềm năng này. Đa số các doanh nghiệp chưa có chiến lược để “chốt” lại lâu dài với nông dân mà mới chỉ dừng lại ở những kế hoạch bán hàng ngắn hạn giống như những cuộc “bán hàng dạo”. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp đang thiếu một chiến lược toàn diện để phát triển hệ thống bán lẻ ở thị trường đầy tiềm năng này. Bởi thế, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, việc tích hợp mạng lưới phân phối ở địa phương để “rộng cửa” cho hàng Việt đang là việc cần làm của chính doanh nghiệp và cũng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực tế cho thấy, để các doanh nghiệp tự nguyện đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa đang gặp không ít khó khăn. Ông Thân Nhân Tôn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khẳng định: Kinh doanh cần lợi nhuận, nên khi doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn đều phải tính đến có lãi. Nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện của họ là điều không tưởng vì tâm lý chung của họ đều ngại khó và bài toán lợi nhuận không dễ giải được. Mỗi chuyến đưa hàng về nông thôn yêu cầu chi phí vận chuyển lớn hơn so với phân phối tại các siêu thị. Do vậy, không có lợi nhuận làm sao họ mặn mà được. Vấn đề mấu chốt hiện nay vẫn là kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp và “bà đỡ” lớn nhất là Nhà nước.

Hiện tại, hàng Việt về nông thôn phần lớn mới chỉ dừng lại ở các khu vực trung tâm huyện, các thị trấn và đa phần chưa có hệ thống phân phối bán lẻ tại các khu vực này. Ông Từ Như Hiển, cán bộ Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lạng Sơn khẳng định: thuyết phục được bà con tin dùng hàng Việt nhưng phải tạo điều kiện để họ được mua hàng thường xuyên và thuận lợi nhất. Những đợt bán hàng rầm rộ “đến rồi đi” có gây hiệu ứng về mặt quảng bá thương hiệu nhưng khi chợ rút đi rồi thì bà con lại không biết mua hàng ở đâu. Để đưa được hàng Việt về tận những vùng sâu, vùng xa vẫn là một chặng đường gập ghềnh../.

Đỗ Huyền

Đọc thêm