Hành động thích đáng để Trái Đất bền vững

Tổng Thư ký LHQ nhận định, nhiều hình thái khí hậu cực kỳ khắc nghiệt đã xuất hiện, châu Á đã có những trận lũ lụt, động đất nặng nề, rồi sóng thần, mực nước biển dâng cao... Tất cả là hậu quả của sự biến đổi khí hậu. Cần hành động xử lý nhanh chóng những vấn đề này một cách thích đáng để duy trì Trái Đất bền vững.

"Nhiều hình thái khí hậu cực kỳ khắc nghiệt đã xuất hiện, châu Á đã có những trận lũ lụt, động đất nặng nề, rồi sóng thần, mực nước biển dâng cao... Tất cả là hậu quả của sự biến đổi khí hậu. Cần hành động xử lý nhanh chóng những vấn đề này một cách thích đáng để duy trì Trái Đất bền vững", Tổng Thư ký LHQ  khẳng định trước báo giới, tại Hà Nội, hôm qua.

Hành động thích đáng để Trái Đất bền vững ảnh 1
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Tối qua, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc lần thứ 3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon, đã kết thúc trước khi thông qua Tuyên bố Báo chí chung.

Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ ASEAN- LHQ thời gian qua, kết quả thực hiện Bản ghi nhớ Hợp tác ASEAN - LHQ, đặc biệt là sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và LHQ trong việc hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả của bão Nargis.

Hội nghị hoan nghênh quan hệ ASEAN và LHQ mới trở thành Đối tác Đặc biệt, nâng cấp quan hệ ASEAN- LHQ trở thành Quan hệ Đối tác Đặc biệt, tạo nền tảng và khuôn khổ quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, cũng như tạo điều kiện cho ASEAN đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu chung của LHQ vì hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.

ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ tích cực từ LHQ và các cơ quan chuyên môn của tổ chức này trong những năm qua đã thiết thực hỗ trợ các nỗ lực xây dựng cộng đồng và liên kết khu vực của ASEAN. Các lãnh đạo ASEAN trông đợi LHQ sẽ tiếp tục giúp đỡ ASEAN để triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như nâng cao năng lực đối phó với những thách thức toàn cầu, nhất là về an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh.

Hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả Khuôn khổ hành động chung 2011 -2012 và giao Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký LHQ tiến hành các biện pháp triển khai cụ thể. ASEAN và LHQ sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và tiếp xúc thường xuyên bên lề các khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.

Ngoài ra, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng dành thời gian chia sẻ quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều qua tại Hà Nội, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, nếu như Chính phủ Việt Nam tiếp tục những gì đã và đang thực hiện, thì Việt Nam sẽ có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Ông cũng mong muốn Việt Nam sẽ làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực phòng chống HIV và đảm bảo bền vững môi trường.

Hành động thích đáng để Trái Đất bền vững ảnh 2
Những nạn nhân của thảm họa núi lửa tại một trung tâm trợ giúp ở Indonesia hôm qua. Ảnh: AFP

Tổng Thư ký LHQ cho biết, ông đã có một ngày làm việc bận rộn nhưng hiệu quả tại Hà Nội. Trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, hai bên đã thảo luận về những thành tích đầy ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện các MDG.

Hai bên cũng trao đổi về cách thức có thể hợp tác cùng nhau nhằm xử lý các khó khăn thách thức, trong đó có cả thách thức về phát triển và biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ khẳng định rằng, LHQ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình và duy trì an ninh thế giới, nhất là trong 2 năm tham gia Hội đồng Bảo an. Ông cũng bày tỏ hài lòng nhận thấy LHQ và Việt Nam đã có thể duy trì một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và mối quan hệ đó còn có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ đây là một thách thức toàn cầu. Ngày nay, nhiều hình thái khí hậu cực kỳ khắc nghiệt đã xuất hiện, ngay ở châu Á đã có những trận lũ lụt, động đất nặng nề, rồi sóng thần, mực nước biển dâng cao... Tất cả là hậu quả của sự biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định, nếu như tất cả chúng ta không có hành động để nhanh chóng xử lý những vấn đề này thích đáng thì sẽ rất khó khăn để duy trì Trái Đất bền vững. Chúng ta phải đoàn kết toàn cầu và ứng phó với thách thức này, phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ.

Thủy Thu