Chuyến bay nội địa mang số hiệu 1640 của hàng hàng không American Airlines, cất cánh từ Miami đi Boston buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì thân máy bay bị thủng vào đêm 26/10.
|
Mặt nạ dưỡng khí đã được phát cho hành khách khi chuyến bay American Airlines 1640 bị mất áp suất cabin khoảng 30 phút. (Ảnh: MNN)
|
AP ngày 29/10 cho biết, các nhà điều tra đang xem xét để tìm ra nguyên nhân khiến thân máy bay Boeing 757 bị thủng một lỗ kích cỡ 30cmx60cm khi đang bay qua biển ở độ cao 9.449m khiến áp lực cabin giảm mạnh, buộc phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp. Lỗ hổng này ở phía trên trần máy bay, ngay gần cửa cabin trước.
Hành khách Edward Croce (34 tuổi) cho biết anh ta rất hoảng sợ khi được phát mặt nạ dưỡng khí và máy bay giảm độ cao đột ngột. "Tình hình khá hỗn loạn và khó hiểu. Hành khách chúng tôi nhìn lên trần máy bay và nghĩ "Thế là hết!"", Edward Croce tường thuật vụ việc.
Croce cố gắng gửi tin nhắn tạm biệt con trai đang ở nhà chờ đón bố về, song anh hoảng loạn đến mức không thể bấm phím điện thoại để nhắn tin.
Khi cơ trưởng điều khiển được chiếc máy bay Boeing 757 trở lại và hạ cánh khẩn cấp thành công ở sân bay Miami, may mắn cả 154 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn không có ai bị thương. Tim Smith - phát ngôn viên của Hãng hàng không American Airlines - cho biết chiếc máy bay đã được đưa đi bảo trì.
"Tất cả hành khách đều bị sốc khi máy bay rung bần bật lúc hạ cánh khẩn cấp", Edward Croce nói. Anh cũng phàn nàn rằng American Airlines không có dịch vụ y tế chăm sóc cho hành khách khi xuống đến mặt đất.
Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hiện đang điều tra vụ việc. Keith Holloway - phát ngôn viên của FAA - cho hay cơ quan này vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân khiến thân máy bay bị thủng. "Chúng tôi đoán là do kim loại bị ăn mòn và vấn đề về cơ khí gây ra sự cố", ông Holloway nói.
Từ sự cố này, hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Boeing đã phải đưa ra thông báo rằng sẽ trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các máy bay thuộc đời cũ 757 cho các hãng hàng không nội địa. Chính phủ Mỹ cũng có thể sẽ bắt tất cả các hãng hàng không không được sử dụng Boeing 757 cho đến khi được kiểm tra kỹ thuật xong.
Năm 2009, sự cố tương tự xảy ra với chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Southwest Airlines. Chuyến bay cũng phải hạ cánh khẩn cấp khi vết ghép giữa hai tấm nhôm nứt ra thành một lỗ hổng trên mái.
Năm 1988, chiếc Boeing 737 của hãng Aloha bị nứt toác trên mái khiến một tiếp viên hàng không chết do áp suất trên khoang giảm đột ngột.
Do đó, niên hạn sử dụng máy bay đang là một vấn đề rất đáng quan tâm bởi sự ăn mòn của kim loại sẽ dẫn đến các sự cố như trên.
Theo Huyền Lê
Lao Động