Hành lang pháp lý cho 4.0: Hội nhập kinh tế nhưng phải đảm bảo tự chủ quốc gia

(PLVN) - Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong đó đòi hỏi phải chuẩn bị một hành lang pháp lý đủ mạnh, có tầm nhìn xa để đảm bảo CMCN 4.0 phải mang đến lợi ích đồng thời cho cả Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và người dân.
Việt Nam cần sớm có cơ chế và công cụ để kiểm soát việc lưu trữ, sử dụng các dữ liệu người dùng từ các DN xuyên biên giới
Việt Nam cần sớm có cơ chế và công cụ để kiểm soát việc lưu trữ, sử dụng các dữ liệu người dùng từ các DN xuyên biên giới

Với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, dữ liệu lớn, những mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, CMCN 4.0 đòi hỏi một tư duy quản lý hiện đại và nhạy bén hơn, nhưng những nguyên tắc căn bản của pháp lý về sự công bằng, bình đẳng trên thị trường, về quyền tự chủ quốc gia, về an ninh chính trị, an ninh tiền tệ… vẫn cần phải được đảm bảo. 

Đảm bảo an ninh dữ liệu

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XII) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra rất nhiều câu hỏi lớn: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ”. Đây có thể coi là kim chỉ nam đặc biệt quan trọng cho công tác xây dựng hành lang pháp lý trong bối cảnh CMCN 4.0, khi mà làn sóng đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài và xuyên biên giới đang đổ về Việt Nam với tốc độ vũ bão.

Trên thực tế, cần thẳng thắn nhìn nhận là công tác quản lý doanh nghiệp xuyên biên giới đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình nhất gần đây là việc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo tới 61 nhãn hàng lớn về việc quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm của họ đang bị phát trên các kênh YouTube phản động, do cơ chế phân phối nội dung ngẫu nhiên còn nhiều kẽ hở của YouTube, cũng như việc YouTube chưa thực sự nghiêm túc trong việc quản lý nội dung các kênh chiếu phát trên nền tảng này. 

Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 có quy định khá rõ: “Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định”. 

Tuy nhiên, do chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, chưa xác định được chế tài nên hầu như các doanh nghiệp xuyên biên giới đều chưa hoặc không thực hiện quy định quan trọng nói trên. Việc sớm có Nghị định hướng dẫn thủ tục để các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube thành lập pháp nhân và đặt cơ sở dữ liệu tại Việt Nam, cũng như ban hành quy chế xử phạt đủ mạnh với những doanh nghiệp không tuân thủ là rất cần thiết. Đơn cử như việc hạn chế kinh doanh, thậm chí tước giấy phép thành lập doanh nghiệp nếu vi phạm kéo dài, hoặc không cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và các giấy phép khác nếu doanh nghiệp xuyên biên giới không đặt trụ sở, không lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. 

Trong kỷ nguyên 4.0, dữ liệu chính là mỏ vàng của mỗi quốc gia. Thế nhưng một khối lượng khổng lồ dữ liệu của người dùng Việt Nam (nhân thân, thói quen sử dụng Internet và mạng xã hội, thói quen đi lại, mua sắm, giải trí, du lịch, ăn uống, chi tiêu, thanh toán...) lại đang nằm trong tay của các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook, Grab… 

Do đó, nếu Việt Nam không sớm có cơ chế và công cụ để kiểm soát “việc lưu trữ, sử dụng các dữ liệu người dùng” này từ các doanh nghiệp xuyên biên giới, chúng ta không chỉ mất đi “mỏ vàng 4.0” mà còn đối mặt với rất nhiều rủi ro và nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh dữ liệu. 

Thí điểm Sandbox để khuyến khích cái mới, nhưng chỉ nên thí điểm có chọn lọc, có kiểm soát. (Ảnh minh họa)
Thí điểm Sandbox để khuyến khích cái mới, nhưng chỉ nên thí điểm có chọn lọc, có kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Cần một sân chơi công bằng 

Để thực sự tận dụng được Cách mạng 4.0 trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cần phải hình thành được một lớp doanh nghiệp công nghệ nội địa đủ mạnh, không chỉ làm chủ được “sân nhà” mà còn có thể tiến ra các thị trường khu vực và quốc tế. 

Trong bối cảnh 4.0, việc một doanh nghiệp có thể tham gia cùng lúc nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, thậm chí hoạt động xuyên biên giới, xuyên lãnh thổ như Google, Facebook, YouTube, Grab… ngày càng phổ biến. Thực tế này đòi hỏi công tác xây dựng chính sách và pháp luật sớm được cải thiện để bắt kịp thực tế, vừa có thể phát triển được doanh nghiệp và ý tưởng kinh doanh mới, nhưng vẫn tránh tạo ra những kẽ hở và khoảng trống cho kẻ xấu cố tình khai thác, dẫn tới phá vỡ quy hoạch kinh tế, thất thu thuế hay nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị. 

Câu chuyện đầy cảm hứng của Vinfast gần đây cho thấy, doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ lực để “làm nên chuyện”. Nhưng để có được thật nhiều doanh nghiệp Make in Việt Nam, thì cơ chế cạnh tranh, điều kiện phát triển và hoạt động của doanh nghiệp trong nước cần có sự cải thiện trong thời gian tới, sớm chấm dứt tình trạng mà Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân hay chính cơ quan quản lý vẫn gọi là “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. 

Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều quy định về cấp phép, đăng ký kinh doanh, thành lập pháp nhân, lưu trữ dữ liệu, thanh kiểm tra hoạt động, thuế suất… thì cơ quan quản lý đang gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép, quản lý, thu thuế… các doanh nghiệp xuyên biên giới do chưa có quy định pháp lý đầy đủ và rõ ràng. Việc những doanh nghiệp như Google, Facebook chưa có văn phòng chính thức tại Việt Nam cũng khiến cho việc xử phạt họ khi xảy ra sai phạm (như vụ hiển thị quảng cáo trên các kênh phản động) gần như không thể thực hiện được. 

Nếu tình trạng “bảo hộ ngược” cứ tiếp diễn, doanh nghiệp trong nước thua thiệt đủ điều trước các đối thủ vừa mạnh hơn về nguồn lực, vừa “tinh vi” hơn về kinh nghiệm và chiêu thức kinh doanh, thì nền sản xuất, chất xám trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ bị “teo tóp dần”, thậm chí là bị nước ngoài thâu tóm. Khi đó, nền kinh tế sẽ không thể phát triển một cách bền vững vì thiếu đi nội lực là các doanh nghiệp nội địa. 

Việc đảm bảo hành lang pháp lý công bằng cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài càng đặc biệt quan trọng trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi đây là những ngành nghề có tác động trực tiếp đến an ninh chính trị, an ninh tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia. Bài toán về “đảm bảo tự chủ kinh tế” chỉ có thể thực hiện được khi các quy định pháp luật đảm bảo được việc các doanh nghiệp nước ngoài không thâu tóm (M&A) được những lĩnh vực then chốt, xương sống của quốc gia như ngân hàng, tài chính, thanh toán, năng lượng… thông qua những công cụ kỹ thuật như quản lý mức trần sở hữu nước ngoài của những ngành này không được vượt quá 49%. 

Cần đảm bảo hành lang pháp lý công bằng cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Cần đảm bảo hành lang pháp lý công bằng cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Mở nhưng cẩn trọng

CMCN 4.0 sẽ mở ra nhiều ý tưởng kinh doanh mới, nhiều mô hình kinh doanh mới. Thời gian gần đây, Sandbox - thuật ngữ chỉ việc cho phép thí điểm những mô hình công nghệ chưa có hành lang pháp lý quy định - đang được nhắc tới nhiều như là “chìa khóa” cho những nhân tố mới. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các nước khi nhắc tới Sandbox thì đều đi kèm với phụ từ “Regulatory”, tức là thử nghiệm trong khuôn khổ và phạm vi hạn chế. Sự thận trọng này là cần thiết để vừa phát huy được hiệu quả thử nghiệm cái mới của Sandbox, nhưng đồng thời cũng giảm thiểu được những rủi ro luôn đi kèm với mô hình thử nghiệm, cũng như để tránh tình trạng Sandbox một cách tràn lan theo phong trào, thậm chí có những doanh nghiệp mượn áo khoác “Sandbox” để cố tình vượt rào pháp lý. 

Do đó, trước khi mở rộng mô hình Sandbox, chúng ta rất cần phải có một hành lang pháp lý, một bộ quy định cơ bản về Sandbox – giải đáp được những vấn đề then chốt nhất của Sandbox như: Tiêu chí được tham gia thí điểm; Lĩnh vực nào được thí điểm; Phạm vi và thời hạn tối đa; Một số chế tài nhất định khi doanh nghiệp thí điểm vi phạm… Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm quản lý cho các bộ, ngành, địa phương khi cho phép Sandbox, đặc biệt là khi phát sinh các hệ lụy, vấn đề ngoài dự kiến. 

Chúng ta cần tầm nhìn xa cho những rủi ro và hệ lụy có thể nảy sinh từ Sandbox, từ đó chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và những phương án cần thiết một cách chủ động. Chính phủ ủng hộ Sandbox để khuyến khích cái mới, nhưng chỉ nên thí điểm có chọn lọc, có kiểm soát tốt để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tài chính và kinh tế vĩ mô. 

Đọc thêm