Những quan sát mới nhất của kính thiên văn Hubble cho thấy, hành tinh có tên WASP 12b, hành tinh nóng nhất trong dải Ngân hà sắp bị “nuốt sống” bởi chính hành tinh mẹ của nó. Các nhà khoa học tin rằng, hành tinh nằm cách trái đất 600 năm ánh sáng này có thể chỉ còn tồn tại được 10 triệu năm nữa trước khi nó hoàn toàn biến mất. WASP 12b là một hành tinh khí, nằm trong chòm sao mùa đông Auriga (chòm sao Ngự phu) được phát hiện vào năm 2008. Khoảng cách giữa nó với ngôi sao mẹ chỉ tương đương 2% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.
|
WASP 12b sẽ trở thành hành tinh có thời gian tồn tại ngắn nhất. (Ảnh: Daily Mail) |
Theo giải thích của các nhà khoa học, do nằm quá gần hành tinh mẹ, một hành tinh giống mặt trời với sức nóng lớn hơn WASP đến 1.500 độ C nên lực hút cực mạnh của hành tinh mẹ đang bóp méo nó thành hình quả bóng. Đồng thời bầu khí quyển của nó cũng đang bị cuốn vào ngôi sao mẹ. Sự trao đổi vật chất giữa hai ngôi sao trong cùng một hệ sao là chuyện hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sự trao đổi này quét sạch một hành tinh. Carole Haswell, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói: “Chúng tôi nhìn thấy những đám mây vật chất khổng lồ quanh hành tinh này. Chúng bị ngôi sao mẹ kéo ra khỏi hành tinh. Chúng tôi đã tìm ra những phân tử hóa học chưa từng phát hiện ở những hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta”. Trên thực tế, việc hành tinh WASP 12b sẽ bị ngôi sao mẹ “nuốt” đã được nhà khoa học Shu-lin Li (Lý Thụ Lâm) thuộc đại học Bắc Kinh dự báo từ năm ngoái. Ông Lý suy đoán rằng, bề mặt của hành tinh sẽ bị cong lên bởi lực hút của hành tinh mẹ và lực thủy triều sẽ làm cho bên trong của nó nóng đến mức làm phình bầu khí quyển bên ngoài hành tinh.
Theo Lê Văn
VNN
VNN