Hành trình bắt kẻ giết gái mại dâm già gần "đồn" công an

Đối tượng Kiên đã xóa đi nhiều dấu vết tại hiện trường để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, 7 ngày sau, tại điểm xa nơi gây án hơn 1.000 km, hắn bị các cảnh sát hình sự Hòa Bình bắt. Ngày kết thúc chuyên án đúng vào 30 Tết Nguyên Đán...

TAND tỉnh Hòa Bình trong tháng này (6/2012) mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Bùi Trung Kiên (30 tuổi, ngụ xóm Miều, xã Trung Minh, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.

Trong vụ án này, đối tượng Kiên đã xóa đi nhiều dấu vết tại hiện trường để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, 7 ngày sau, hắn đã bị các cảnh sát hình sự Hòa Bình bắt về quy án.

Kiên bị bắt vào ngày 30 Tết Nguyên Đán, vì thế, khi kể lại chiến công này, các chiến sĩ phòng PC45 Công an tỉnh Hòa Bình vẫn nói vui rằng đây là “chuyên án 30 Tết”.

Túng quá hóa liều?

Hồ sơ vụ án thể hiện: Bùi Trung Kiên là nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Kiên ham mê lô đề cờ bạc nên thường phải vay mượn tiền khắp nơi, thậm chí mượn cả xe máy của bạn đem đi cầm cắm lấy tiền đánh bạc tiếp.

Kẻ sát nhân Bùi Trung Kiên.

Ngày 11/1/2012, do cần tiền để “nhổ” chiếc xe máy mượn của một người bạn, Kiên đã mượn một xe máy khác của một người em bên vợ đem đi cầm cố lấy 7 triệu đồng nhưng số tiền này cũng chỉ như “muối bỏ bể” so với sức ăn tiêu và các món nợ của hắn.

Cận kề Tết Nguyên Đán 2012, Kiên lâm vào cảnh nợ nần khắp nơi, lại còn bị người em bên vợ liên tục đến đòi lại xe máy. Trong lúc bí bách, Kiên nảy sinh ý định cướp tài sản của một gái mại dâm đứng tuổi kiêm chủ quán cà phê mà hắn quen là bà Trần Thị Lương (48 tuổi, ngụ tổ 13, phường Tân Thịnh, TP.Hòa Bình) vì hắn biết bà Lương có một số vật dụng đắt tiền.

16h ngày 16/1/2012, Kiên bắt xe buýt từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đến ngã tư Trường Cao đẳng nghề Sông Đà. Trước khi vào gặp bà Lương, Kiên bỏ công quan sát hồi lâu và khi không thấy ai ra vào quán, hắn mới lững thững đi bộ vào.

Sau khi “mây mưa” cùng nhau, trong lúc bà Lương bận nghe điện thoại, Kiên lặng lẽ nhặt lấy con dao nhỏ để cạnh xô nước gần đó rồi nhét vào áo rét của mình ở cạnh giường. Kiên “đòi” bà Lương chiều mình một lần nữa rồi dùng dao cứa cổ và đâm gần 20 nhát khiến nạn nhân tử vong.

Gây án xong, Kiên đeo găng tay vải sợi để tháo hai chiếc nhẫn kim loại màu vàng của nạn nhân, đem khỏi hiện trường những đồ vật có dấu vân tay của hắn (gạt tàn thuốc lá, các vỏ lon nước ngọt...).

Hắn khóa cửa ngoài, rời khỏi hiện trường bằng chiếc xe máy tay ga nhãn hiệu SYM Shark-VVB của nạn nhân. Bị một loạt tiệm cầm đồ trên địa bàn TP.Hòa Bình từ chối nhận xe vì không có giấy tờ, Kiên đành đem xe về để trong bãi đỗ xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hắn đem 2 chiếc nhẫn màu vàng của bà Lương đi bán nhưng khi kiểm tra thì không phải là vàng nên cũng không bán được. Trên đường chạy trốn vào miền Nam, Kiên vứt bỏ hầu hết tang vật của vụ án tại Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An...

“Chuyên án 30 Tết”

20h25 cùng ngày, 16/1/2012, con gái của bà Lương về nhà thì phát hiện sự việc. Vụ án khiến dư luận bàng hoàng bởi điểm gây án đối diện trụ sở Công an tỉnh Hòa Bình. Tối hôm đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và quyết phá bằng được vụ án trước ngày 30 Tết.

Rà soát nhanh các tiệm cầm đồ trên địa bàn, cảnh sát thu được thông tin: Chiều tối hôm đó có một nam thanh niên đem một chiếc xe máy đi cầm cố ở vài tiệm nhưng đều bị từ chối vì xe không có giấy tờ. Trong đó có một chủ tiệm cầm đồ nhận ra thanh niên này là đối tượng Bùi Trung Kiên. Tuy nhiên, Thượng tá Trần Mạnh Hải (Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết, khi các trinh sát tìm đến nhà Kiên ở xã Trung Minh, hắn đã biến mất khỏi địa phương.

Thượng tá Trần Mạnh Hải.

Thượng tá Hải nhớ lại: “Phán đoán Kiên đã bỏ trốn vào miền Nam, giống như “thói quen” của nhiều kẻ phạm tội ở miền Bắc, ngay sau đó, chúng tôi đã thành lập một tổ công tác đi bắt Kiên. Ngoài tôi được Ban Giám đốc chỉ định, tổ công tác còn có Đại úy Bùi Việt Hùng (Đội trưởng Đội 3) tình nguyện xin đi và hai đồng chí nữa.

Trên đường đi, tôi bàn thêm với anh em rằng nhiều khả năng Kiên lẩn trốn ở các khu công nghiệp có đông người gốc Bắc vào sinh sống và làm ăn. 17h ngày 20/1, tức 28 Tết, anh em chúng tôi có mặt tại Cục Cảnh sát hình sự phía Nam”.

Vào đến nơi, tổ công tác của anh Hải đã thẳng hướng Bình Dương. 23h, các anh cùng cảnh sát Bình Dương bắt đầu triển khai khoanh vùng cư trú, vây bắt nghi can. Tuy nhiên, các khu công nghiệp tại Bình Dương đất rộng, người đông, để kiểm tra hết tạm trú tạm vắng cũng phải mất cả tháng trời nên sau khi bàn bạc, Thượng tá Hải quyết định cho anh em về nghỉ ngơi để tính phương án phù hợp. Lúc này cũng đã là 4h ngày 21/1/2012, tức 29 Tết.

Thượng tá Hải điện về Ban Giám đốc xin chỉ thị bởi biện pháp kỹ thuật xác định tọa độ của đối tượng không khả thi khi đối tượng không dùng điện thoại di động. Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình lập tức triển khai phương án hai, đó là cử một tổ trinh sát về quê của Kiên ở Tân Lạc, Hòa Bình, để vận động người thân của hắn cung cấp tung tích.

Hướng khai thác này đã đem lại thông tin quý giá: Kiên đang ở nhờ nhà một người em gái họ ở xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Kế hoạch vây bắt đối tượng lập tức được triển khai.

Hung thủ sửng sốt vì bị bắt nhanh

9h ngày 21/1, tổ công tác có mặt tại khu vực nghi can đang trú ẩn. Trước khi "đánh án", Thượng tá Hải yêu cầu người em họ của Kiên cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến đối tượng. Nghe tin Kiên là tội phạm trốn nã, chị này đã tích cực hợp tác với các cảnh sát, đưa ra một bọc đồ mà Kiên gửi chị, trong đó có một chiếc điện thoại di động (sau này xác định là của nạn nhân Lương), một đăng ký xe máy mang tên Trần Thị Lương, một bộ trang phục bảo vệ có gắn ve hàm cầu vai, một chìa khóa xe có kí hiệu SYM...

Bám theo Kiên, tổ công tác bủa vây một ngôi nhà nhỏ, nơi tên tội phạm này đang xem người dân địa phương chơi cờ tướng. Thượng tá Hải kể lại: “Mũi giáp công của tôi vòng ra phía sau ngôi nhà để bọc lót, phòng trường hợp đối tượng manh động chạy trốn. Mũi của đồng chí Hùng thì triển khai trực diện, anh Hùng nhận nhiệm vụ trực tiếp bắt Kiên”.

Áp sát Kiên, Đại úy Hùng hô to: “Kiên” thì đối tượng giật bắn mình. Chưa kịp phản ứng gì, Kiên đã bị Đại úy Hùng quật ngã và bắt gọn. Trên đường bị dẫn giải bằng xe đặc chủng về trụ sở công an, Kiên đã cúi đầu nhận tội và luôn miệng thắc mắc không hiểu vì sao các trinh sát lại xuất hiện tại Bình Dương nhanh đến vậy.

5h ngày 22/1, tức 30 Tết âm lịch, các chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình áp giải đối tượng Kiên về đến Hà Nội an toàn. Sau khi hoàn tất thủ tục lấy lời khai ban đầu của đối tượng cũng đã 15h30, bấy giờ toàn bộ 4 cảnh sát trong tổ công tác mới "thưởng" cho mình bữa ăn nhẹ bởi suốt hành trình các anh chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ mà chẳng kịp ăn uống gì.

Thượng tá Hải cười nói: “So với nhiều đồng nghiệp khác trên cả nước thì năm vừa rồi có lẽ Phòng PC45 Công an tỉnh Hòa Bình nghỉ Tết Nguyên đán muộn nhất. Nói vui vậy chứ anh em rất mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu đề ra của Ban Giám đốc và Ban Chuyên án.

Chiều hôm ấy, sau khi lấy lời khai của Kiên thì tôi nhận được điện thoại của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an. Ông khen ngợi anh em dũng cảm, sáng tạo và căn dặn phải làm tốt hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng mà cấp trên đã giao phó. Từng ấy kỷ niệm khiến chuyên án này sẽ mãi sâu đậm trong lòng chúng tôi”.

Trần Minh - Kỳ Anh

(Tên nạn nhân đã được thay đổi)

Đọc thêm