Hành trình đến "xứ sở cổ tích"

Chúng tôi đi qua nhiều địa danh mà với đa phần người miền xuôi thì nơi đó giống như trong trang chuyện cổ tích nào đó. Đường về Ka Lăng – Thu Lũm có thể gọi là đường, cũng có thể không... Lối mòn đó khắc ghi nỗ lực của người đi mở cõi, in dấu quyết tâm giữ đất...

Trên bản đồ Việt Nam, Mường Tè hiện lên như một mỏm đá cheo leo mà quyến rũ. Chính vì thế, khi gói ghém đồ đạc lên đường, tôi đã không hình dung được, chuyến đi  để lại ấn tượng mạnh đến thế. Và trên hết, trong tôi hiện hữu rõ ràng một tình cảm dành cho những người đang ngày đêm bám trụ, gìn giữ và vực dậy một vùng biên ải xa xôi gian khó. Tình cảm đó gói gọn trong hai chữ: Nể trọng!

1. Trên hành trình ngược về đầu nguồn sông Đà, chúng tôi đi qua nhiều địa danh mà với đa phần người miền xuôi thì nơi đó giống như trong trang chuyện cổ tích nào đó.

Đường về Ka Lăng – Thu Lũm có thể gọi là đường, cũng có thể không. Giống như những lối mòn “do chân người đi mãi mà thành” như lời Lỗ Tấn từng nói. Lối mòn đó khắc ghi nỗ lực của người đi mở cõi, in dấu quyết tâm giữ đất, chứa đựng những yêu thương gắn bó của bao người.

Mất cả ngày trời đằng đẵng, chiếc U oát của Bộ đội Biên phòng Lai Châu mới chinh phục được hơn 200km từ thị xã về thượng nguồn sông Đà. Nhìn trên bản đồ, đường không gian ngắn thôi, nhưng con đường chúng tôi đi uốn lượn lên xuống bám theo những sườn núi của dãy Hoàng Liên. Dọc sông Nậm Na không dài nhưng gánh tới 3 công trình thủy điện tầm cỡ.

Qua rìa thị xã Mường Lay đẹp như chuyện cổ tích nhưng sắp chìm dưới lòng hồ Thủy điện Lai Châu, dòng Nậm Na gặp sông Đà, đất trời mở ra, vừa hùng vĩ vừa gần gụi, vừa thách thức vừa âu yếm. Kể từ đó,  sông Đà là bạn đồng hành của chúng tôi, lúc gầm gừ cuồn cuộn, khi bình lặng yên ả, lúc dữ dội, khi cam chịu.

Bạn đồng hành, thiếu tá Lê Công Thành – một người con quê lúa Thái Bình, nói rằng, Lai Châu giờ đang là đại công trường. Thế nên, con đường lên đỉnh Hoàng ngổn ngang nhiều đoạn đang được mở, được san, xe công trình trải đều suốt cả trăm cây số.

Cũng có nơi đường được mở rộng tới cả chục mét, đồ chừng xe to có thể đi được, nhưng được “hướng dẫn viên” cho hay chỉ một mùa mưa đường lại bị sạt bớt, bé đi ngay ấy mà. Chẳng thế mà dân vùng này toàn phải đi xe máy. Xe khách chỉ dừng ở thị trấn Mường Tè thôi, có xe nào dám đi quá thị trấn tới Ka Lăng, Ba Ủ hay Thu Lũm đâu.

Không kể đường dốc quanh co, cua tay áo liên tục, một bên vực một bên núi cao, thì chuyện đường sạt cũng trở thành điều gì đó rất quen thuộc ở đây. Đi Ka Lăng, Thu Lũm mà không gặp sạt đường, không vướng mù mây, không bị xóc lộn gan lột ruột thì không phải là đi Ka Lăng, Thu Lũm – anh bạn đồng hành nói đùa. Ấy là giờ đường tốt hơn trước rồi, cũng là Nhà nước đầu tư mở đường để phát triển kinh tế, để xóa đói giảm nghèo bền vững cho huyện phiên trấn này.

Thế nên, có  một lần xe bị mất lái, may mà cậu tài xế trẻ nhưng cũng có kinh nghiệm đường núi Mường Tè kịp đánh lái vào ta luy dương. Một lần khác xe bị pa- ti- nê trên một đỉnh dốc đất vừa mềm vừa xốp, rồi theo đà lùi dần lùi dần xuống phía vực, hai cô cậu phóng viên ngồi trên xe không thể thở nổi, nhưng các anh Biên phòng vẫn tỉnh bơ như không. Chuyện kiểu này cũng là một thứ đặc sản trên những hành trình dọc miền biên ải này rồi.

Nói lan man chuyện đường đất để thấy, khó khăn chất chồng đó là thứ mà người dân sống ở đây phải đối mặt từng ngày. Nhưng, đường lên Ka Lăng, Thu Lũm không chỉ toàn gập ghềnh, khăn khó. Đường lên Ka Lăng, Thu Lũm qua những con suối nước trong ngăn ngắt róc rách chạy về sông Đà. Có những doi cát phủ vàng cúc quỳ như viên ngọc nổi bật giữa dòng sông nặng đỏ đang quằn quại chịu dày xéo bởi những tàu khai thác vàng tận thu.

Có những “bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo” thoáng hiện ra sau tàng mây, bên bờ suối như nàng tiên bước ra từ chuyện cổ tích. Có những cô gái Hà Nhì trong trang phục dân tộc đầy màu sắc rực rỡ như vườn hoa xuân. Có cả những câu chuyện yêu thương kể vụng mà khiến trái tim sắt đá cũng thấy nao lòng…

2. Giữa sân trường trung học cơ sở Thu Lũm – xã xa nhất của Mường Tè – chỉ còn một mình cô giáo trẻ Hà Thị Thoa. Lúc nãy, các thầy cô giáo vừa xong trận kéo co vui vẻ, thế mà chỉ dăm phút thôi, sân trường vắng lại vang lên rõ tiếng ếch nhái côn trùng.

Thoa kể, em là người dân tộc Mường ở tận Bá Thước (Thanh Hóa). Tốt nghiệp Đại học Hồng Đức được 2 năm rồi, chẳng xin được việc ổn định, đành từ giã Bá Thước – một huyện miền núi của Thanh Hóa lên Mường Tè. Nơi đây cách quê em những 800 km. “Ngày lên, bố chở em bằng xe máy đi hun hút đường núi. Hai bố con đi 2 ngày mới tới nơi. Dọc đường sông Đà, em vừa đi vừa khóc, không biết điều gì đang chờ em phía trước”...

Thoa kể, từng nghe chuyện các chị lên trước vác hòm xiểng đi hai ngày vào đến điểm trường, ngồi ôm gối khóc suốt một đêm rồi lại vác hòm xiểng đi ra. Em cũng đã nghe chuyện nhiều người như em cố chịu cố nhịn đôi ba năm “lấy biên chế” rôi cố cạy cục xin về “thấp hơn”…

Chuyện đó mới chỉ cách đây đôi tháng, nhưng giờ, Thoa tự tin hơn nhiều rồi. “Em được phân công vào dạy một lớp mầm non ở điểm bản Pa Thắng, cách đây 7 cây số cơ. Thi thoảng em mới về trung tâm xã để họp hành, giao ban hay thăm bạn bè. Nơi em dạy đa phần là người Hà Nhì sinh sống. Nghèo lắm, cơ sở vật chất vẫn còn tạm bợ”.

Thoa nghĩ, nơi đây cũng như Bá Thước quê em, còn nghèo lắm. Nhưng nếu đã gắn bó, đã sống với nó bằng tình yêu và trách nhiệm, thì đất và người Thu Lũm rồi sẽ đền đáp, sẽ đổi thay, sẽ cho em thấy những đóng góp của em cho nơi này thực sự có ý nghĩa.

Bao thầy cô giáo khác cũng nghĩ như Thoa. Thế nên, những thầy cô giáo tôi gặp ở trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Ka Lăng và Thu Lũm đều lạc quan về sự lựa chọn của họ. Ngoài vài ba thầy cô là con em địa phương, hầu hết đều là người dưới xuôi lên. Khác nhiều năm trước, giờ đây, chuyện lên vùng cao “lấy biên chế” không còn là quan tâm hàng đầu của các thầy cô nữa. Nhiều khu tập thể giáo viên đã được xây dựng kiên cố. Nhiều cặp cô thầy đã nên duyên.

Bên mâm cơm mừng Tết người Hà Nhì với cậu học sinh lớp 12 Chu Khừ Giá, vợ chồng cô Mạc Thị Hòa (quê Bắc Giang)  và thầy Nguyễn Văn Quý (quê Hải Dương), kể, từ khi nên duyên, cả hai càng quyết tâm bám trụ nơi này, khắc phục gian khó, đưa kiến thức đến cho học sinh dân tộc thiểu số. “Nhà nước quan tâm nhiều hơn tới đồng bào nơi đây, và chúng em vui vì trong sự đổi thay của Ka Lăng có phần công sức của mình. Mỗi học sinh Hà Nhì, Dao, Thái được đi học lên nữa lại hun đúc thêm quyết tâm bám trường bám bản của các thầy cô”.

Ở đây, các trường cũng có lớp bán trú. Không phải sáng đi chiều về như dưới xuôi, các em học sinh phải ở lại trường cả tuần, thậm chí cả tháng, bởi đường về bản xa ngái, đi mất cả buổi. Thế là, ở trường các thầy cô vừa dạy chữ cho các em, vừa thay cha mẹ cơm nước cho các em, quan tâm chuyện học, chuyện nghỉ.

3. Ở Ka Lăng – Thu Lũm, tôi đã gặp một đôi vợ chồng đã phải gửi con cho ông bà tận Thanh Hóa lên đây “làm kinh tế” nuôi con ăn học. “Làm kinh tế” mà anh chị nói là hiệu sửa xe máy thường xuyên đông khách do đường xấu xe đi lại nhiều nên hỏng thường xuyên. Tôi đã gặp nhiều chàng trai trẻ, đều là những kỹ sư, cử nhân các trường đại học có tiếng, xung phong lên cống hiến cho vùng cao với bao nhiệt huyết nhưng lại chưa đủ bạo dạn ngắm em gái Thái xinh đẹp.  

Tôi gặp một người vợ biên phòng bao năm xa chồng quyết tâm dời quê lên sống gần đồn nhưng mới lên chưa bao lâu thì chồng lại đi luân chuyển, tiếp tục cảnh “ông Ngâu bà Ngâu”. Tôi cũng gặp cả những cô giáo đã lãng quên mất tuổi xuân giữa núi cao, bản xa nhưng không muốn rời các em về tìm hạnh phúc riêng mình. “Hãy kể cho chúng em nghe những câu chuyện thủ đô làm quà đi” – cô giáo Hòa nói với tôi. Còn với tôi, cô không nói gì nhiều, nhưng cuộc sống của các cô và những người con xa quê viết trong tôi những câu chuyện đẹp, được tô bằng sắc màu tươi mới của bản làng đang chuyển mình vươn lên ấm no.

Ka Lăng - Thu Lũm, 11/2010

Ghi chép của Hoàng Thủy

Đọc thêm