Đảo Đá Tây được anh em cán bộ chiến sĩ Hải quân và bà con ngư dân hoạt động trên ngư trường Trường Sa mệnh danh là “Thủ phủ của đảo chìm”. Đảo nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa 20 hải lý, có dạng hình quả trám. Trên đảo có 3 nhà văn hóa đa năng, có khu vực dành đón tiếp ngư dân tránh trú. Đặc biệt, nhiều năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là một trong những “địa chỉ nằm lòng” của ngư dân trên ngư trường Quần đảo Trường Sa…
Đảo Đá Tây. |
Chuyện thường ngày ở Trung tâm
Đón chúng tôi trong cái nắng ngang chiều mặn mùi muối biển rất đặc trưng của Trường Sa, anh Chu Minh Sơn – Trưởng Ban quản lý dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây vui mừng giới thiệu “cơ ngơi” của Trạm. Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây thuộc Cty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Phải nói, đây là khu vực nhộn nhịp bậc nhất trên quần đảo Trường Sa, với hệ thống nhiều công trình nhà trạm kiên cố, máy móc hoạt động rộn ràng, thuyền bè ra vào tấp nập.
Nhiều năm qua Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã trở thành người đồng hành thân thuộc của bà con ngư dân. Trong nhật ký công tác của Trung tâm, chúng tôi thấy được một phần hoạt động “ghi lại bằng lời” được trong cả trăm hoạt động “có danh” và “vô danh” các cán bộ ở đây thực hiện mỗi ngày.
“Tàu PY 90250 TS của chủ tàu Trần Quang Nguyên neo đậu tại lòng hồ đảo Đá Tây, bất ngờ giông tố nổi làm sóng to gió lớn, tàu bị đứt dây neo không kịp nổ máy, trôi dạt tự do lên bãi cạn phía Đông Nam của đảo hồi 16h ngày 12/5/2012. Do nước triều cạn, mưa to, sóng lớn, trời tối, phải chờ đến 12h ngày 13/5 nước triều lên cao, Ban quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần kết hợp với Ban chỉ huy đảo Đá Tây điều tầu ĐT01 của Công ty và huy động toàn bộ dây của các tàu trong khu vực (khoảng 800m) kéo tàu ra khỏi bãi cạn về neo đậu tại trụ cập tàu.
Trên tàu có 12 thuyền viên hành nghề câu cá ngừ đại dương đảm bảo an toàn. Kiểm tra, đội thợ máy phát hiện tàu bị gẫy bánh lái, vẹo cốt bánh lái, gãy xương đà tàu, cong trục láp, tàu hư hỏng nặng không hoạt động được”. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ hậu cần đã thống nhất với chủ tàu nhờ tàu bạn kéo về đất liền để sửa chữa. Toàn bộ chi phí kéo tầu và các khoản phí khác, Trung tâm miễn phí 100%, ngoài ra còn hỗ trợ mỳ tôm, trà, rau xanh cho chủ tàu về đất liền an toàn.
Tàu QNg 95186 TS hỏng máy, trôi dạt tự do trên biển không liên lạc được. Khi nhận được tin báo của tàu không rõ số hiệu, Ban quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đã điều tàu ĐT01 của công ty đang trực canh tại đảo Đá Tây ra ứng cứu, kéo tầu về trụ cập tầu đảo Đá Tây an toàn về người và tài sản. Trên tàu có 30 thuyền viên hành nghề câu mực xà.
Kiểm tra, đội thợ máy phát hiện tàu bị lủng rong quy láp, khuyết lốc máy, dây dầu bơm cao áp bị lủng. Trung tâm đã thống nhất với chủ tàu mua vật tư ở đất liền gửi ra, tiến hành lắp ráp và hàn nối dây dẫn dầu, cân chỉnh máy. Khi tầu hoạt động bình thường đã tiến hành bàn giao cho chủ tầu tiếp tục khai thác đánh bắt. Toàn bộ chi phí kéo tàu, công sửa chữa được Trung tâm dịch vụ hậu cần miễn phí hoàn toàn.
Trưởng ban Quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây Chu Minh Sơn giới thiệu với khách nhà xưởng sửa chữa tàu thuyền tại Trung tâm |
Mang hơi ấm từ đất liền đến đảo xa
Được thành lập gần chục năm trước, Trung tâm địch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có nhiệm cụ cung ứng các dịch vụ cho tầu thuyền của bà con ngư dân như lương thực thực phẩm, nhiên liệu xăng dầu bằng giá bán tại đất liền. Trung tâm cũng sửa chữa các tầu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển khi nhận được tín hiệu yêu cầu, miễn phí tiền công. Vào Trung tâm, ngoài việc được cấp nước ngọt miễn phí, bà con ngư dân được tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ khi đau ốm bệnh tật vào đảo, đồng thời kết hợp với bộ đội Hải quân tuần tra, sắp xếp nơi neo đậu cho tầu thuyền của ngư dân vào trong lòng hồ đảo Đá Tây tránh trú bão đảm bảo an toàn…
Trung tâm được xây dựng trên diện tích 3000m2 gồm các khối nhà văn phòng, hội trường, trung tâm điều khiển…, có xưởng cơ khí được trang bị máy hàn, tiện, khoan, phai bào để làm công tác sửa chữa. Trung tâm cũng được trang bị các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị lặn, thông tin liên lạc, bồn chứa nước ngọt phục vụ đời sống và cung cấp cho bà con ngư dân.
Anh Chu Minh Sơn cho chúng tôi biết, năm 2012, 1.498 lượt tầu vào đảo làm dịch vụ hậu cần, cấp miễn phí 1.150m3 nước ngọt, cung ứng 304.530 lít dầu DO, 20,2 tấn thực phẩm các loại, sửa chữa thành công 19 máy tàu và cứu hộ hàng hải 3 tàu.
Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây giờ đã trở thành một công trình sừng sững uy nghi trên biển, với đội tàu thường xuyên ra vào mang hơi ấm từ đất liền đến đảo xa. Những cân gạo, lít dầu từ Trung tâm dịch vụ hậu cần đã tiếp sức cho hàng ngàn con tàu ngư dân khai thác đánh bắt trên vùng biển, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển tiềm năng kinh tế biển đảo của Tổ quốc.
Trong những kết quả mà các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đạt được, không thể không kể đến những con người đầy lòng nhiệt huyết, yêu nghề, yêu biển đảo quê hương, chấp hành kỷ luật tốt, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Họ được bà con ngư dân thân thương tin tưởng và đồng tình, khen ngợi…
Hoàng Thủy