Hầu tòa vì... "chiếm đoạt" tiền của chính mình!

 Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP chứng khoán Bảo Việt đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong nhiều số báo trước. Đây là một vụ việc điển hình của vấn nạn hình sự hóa tranh chấp dân sự đang tái phát trở lại trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài sản của công dân...

Rút tiền từ tài khoản của mình mở tại Công ty chứng khoán bị quy kết là tội phạm.

Ảnh MH

Tranh chấp tài khoản, Cơ quan điều tra làm quan Tòa

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP chứng khoán Bảo Việt đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong nhiều số báo trước. Đây là một vụ việc điển hình của vấn nạn hình sự hóa tranh chấp dân sự đang tái phát trở lại trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài sản của công dân. Trong tháng 9 này, anh Trần Minh Anh, người bị buộc tội “lừa đảo” sẽ phải hầu tòa để nghe xử về hành vi “chiếm đoạt” tiền trong tài khoản do chính ông mở tại Cty chứng khoán Bảo Việt. 

Đây là vụ án có nhiều sai lầm trong việc áp dụng pháp luật và có những biểu hiện không bình thường trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là việc “bị hại” – Cty CP chứng khoán Bảo Việt phải bỏ 1,5 tỷ đồng ra để khắc phục hậu quả thay cho “bị cáo”.

Bên cạnh đó, 3 nhân viên của Cty chứng khoán Bảo Việt cũng được thoát cảnh tù tội vì đã được Cty bảo lãnh bằng việc khắc phục hậu quả. Song, điều đáng nói là, việc kết tội ông anh Trần Minh Anh, người mở và sử dụng tài khoản lại dựa vào nhận thức pháp luật sai lầm của Cơ quan điều tra.

Trở lại vụ việc, năm 2007, anh Trần Minh Anh mượn giấy tờ mang tên bà Bùi Thị Minh, mẹ vợ ông, để mở tài khoản tại Cty chứng khoán Bảo Việt. Hợp đồng mở tài khoản do anh Trần Minh Anh ký nhưng đứng tên bà Bùi Thị Minh. Tất cả các giao dịch liên quan đến tài khoản này, gồm hợp đồng mở tài khoản, đặt lệnh mua, bán chứng khoán, nộp và rút tiền từ tài khoản đều do anh Trần Minh Anh thực hiện.  

Giữa năm 2008, xảy ra việc tranh chấp quyền sở hữu tài khoản. Bà Minh cho rằng bà mới là chủ tài khoản vì tài khoản mang tên bà. Trái lại, anh Trần Minh Anh xuất trình các tài liệu chứng minh anh Trần Minh Anh mới là người mở và giao dịch đối với tài khoản này. Vì thế, bà Minh tố cáo con rể là “lừa đảo”.

Khi nhận được đơn của bà Bùi Thị Minh, Cơ quan điều tra đã “phán” ngay rằng, tài khoản mang tên Bùi Thị Minh thuộc sở hữu của bà Bùi Thị Minh. Căn cứ vào “kết luận” này, việc anh Trần Minh Anh rút tiền từ tài khoản là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù bị phản đối rằng kết luận tài khoản trên là của bà Minh là không đúng pháp luật, Cơ quan điều tra vẫn bắt giam anh Trần Minh Anh.

Phạm tội vì “chiếm đoạt” tiền trong tài khoản của mình?

Trong các văn bản của Cơ quan điều tra và VKS, các cơ quan này vô tư khẳng định đó là tài khoản của bà Bùi Thị Minh cho dù bà Minh không ký yêu cầu và cũng không ký hợp đồng mở tài khoản tại Cty chứng khoán Bảo Việt. Người ký kết và thực hiện hợp đồng là anh Trần Minh Anh thì Cơ quan điều tra, VKS lại cho rằng không phải là chủ của tài khoản. Điều đáng nói, theo pháp luật thì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền kết luận tài khoản này của ai.

Trong quá trình sử dụng tài khoản, anh Trần Minh Anh thực hiện nhiều lệnh mua, lệnh bán chứng khoán, đặc biệt là nộp và rút tiền từ tài khoản. Trong số những người chuyển tiền vào tài khoản, bà Bùi Thị Minh cũng nộp vào 3,05 tỷ. Số tiền này do chị Trần Kim Ngân, con gái bà và cũng là vợ anh Trần Minh Anh gửi về từ Đức.

Ngoài ra, rất nhiều người khác chuyển tiền và chứng khoán vào tài khoản này thông qua các giao dịch với anh Trần Minh Anh. Khi thị trường chứng khoán đi xuống thì số tiền trong tài khoản cũng nhỏ dần đi do anh Trần Minh Anh rút ra và sử dụng. Cơ quan điều tra cho rằng, đó là hành vi chiếm đoạt tiền của bà Bùi Thị Minh. Sau đó, Cơ quan này lại xác định đó là tiền của… Cty chứng khoán Bảo Việt. Hiện nay, anh Trần Minh Anh bị truy tố vì đã “chiếm đoạt” tiền của Cty chứng khoán Bảo Việt, trong chính tài khoản mà anh mở theo hợp đồng dịch vụ với Cty này.

Những kết luận không đúng pháp luật của Cơ quan điều tra và VKS đã khiến anh Trần Minh Anh phải ở tù hơn một năm qua. Liệu những bất hợp lý này có được tòa xem xét để người vô tội không phải chịu cảnh tù oan?

Bình Minh

Đọc thêm