Hệ lụy chực chờ vì người chết không được khai tử

Với quan niệm “người chết là hết chuyện” nên khi người thân qua đời, nhiều người đã không đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký khai tử. Chính sự dễ dãi này đã mang đến rắc rối cho nhiều người khi làm các thủ tục pháp lý sau này vì theo luật: Chết chưa phải là hết chuyện.

Với quan niệm “người chết là hết chuyện” nên khi người thân qua đời, nhiều người đã không đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký khai tử. Chính sự dễ dãi này đã mang đến rắc rối cho nhiều người khi làm các thủ tục pháp lý sau này vì theo luật: Chết chưa phải là "hết chuyện".

Người dân Hà Nội xếp hàng làm thủ tục tư pháp

Ngại thủ tục, suýt mất quyền lợi

Nhà chỉ có hai vợ chồng già đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nên bà Nguyễn Thị Nụ (ở Quản Bạ, Hà Giang) tích cực tham gia bảo hiểm. Hai ông bà tính toán, nếu sau này về già, không con cái người thân đứng ra lo hậu sự thì cũng còn khoản tiền bảo hiểm thanh toán, nhờ vả ai cũng đỡ ngại. Năm 2009 thì bà lão qua đời. Ma chay cho vợ xong, ông chồng bà mới đến cơ quan bảo hiểm yêu cầu thanh toán tiền mai táng phí nhưng bị từ chối với lý do trong hồ sơ của ông không có giấy đăng ký khai tử của vợ.

Vậy là một mình già cả lại ốm đau, thuê xe ôm đi lại mỗi lượt cũng mất cả trăm ngàn, ông lão lại phải quay về UBND xã làm thủ tục đăng ký khai tử. Dù không khó khăn nhưng riêng khoản đi lại cũng làm cho ông mất nhiều thời gian, mệt mỏi.

Không đơn giản như trường hợp trên, chị H ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) lại rơi vào tình cảnh khó khăn hơn nhiều, khi bố mẹ đã mất đã hàng chục năm nay mà chị lại “quên” không đăng ký khai tử. Chẳng là gia đình chị H có 5 anh chị em, cha mẹ ngày còn sống có một mảnh đất hơn rộng hơn một ngàn m2.

Ngày còn sống, bố mẹ chia cho mỗi anh chị em một khoảnh đất, riêng ngôi nhà cổ bốn gian ông bà giao anh cả làm nơi thờ tự. Việc chia đất ngày ấy không có giấy tờ; chị là phận gái, đi lấy chồng xa nên cũng không để ý. Sau khi ông bà mất nhiều năm, đất đai ngoại thành lên giá vùn vụt, người anh cả một mình định chiếm cả dinh cơ. Không thỏa thuận được, các anh em đưa nhau ra tòa.

Nhưng đến khi nhận hồ sơ, Tòa yêu cầu chị H là đại diện cho các nguyên đơn phải xuất trình giấy chứng tử của bố mẹ mình để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế còn hay hết. Đến lúc bấy giờ, mọi người mới té ngửa ra việc… chưa ai đi đăng ký khai tử cho cha mẹ. Cán bộ Tòa án giải thích, nếu chị không chứng minh được, thì vụ án sẽ không được giải quyết.

Câu chuyện của anh Đỗ Huy Hoàng (ngụ huyện Thường Tín, Hà Nội) liên quan đến thủ tục khai tử cũng “nan giải” không kém. Anh Hoàng lấy vợ năm 1997, sau 5 năm chung sống thì trong một tai nạn giao thông vợ anh chẳng may qua đời. Không muốn lưu lại nơi có những kỷ niệm buồn về người vợ quá cố, qua giỗ đầu vợ, anh đem theo đứa con gái vào làm ăn tại Bình Dương. Tại đây, anh Hoàng đã quen và nảy sinh tình cảm với một nữ công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp.

Anh chị đi đăng ký kết hôn để chuẩn bị đám cưới nhưng khi làm thủ xác nhận tình trạng hôn nhân, anh Hoàng không biết phải chứng minh làm sao khi người vợ của anh đã mất mà không có giấy chứng tử. Buộc lòng anh phải trở về nơi anh sống trước kia làm đăng ký khai tử quá hạn nhưng chẳng may các giấy tờ liên quan đến tai nạn của vợ đều đã mất… Vậy là anh phải đến bệnh viên nơi vợ anh qua đời để xin lại xác nhận về việc vợ anh đã mất tại đây.

Khuyến cáo cần biết

Nghị định 158/CP về đăng ký quản lý hộ tịch quy định: Thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân nhân thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử

Quy định là vậy nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp người chết không được “làm thủ tục cuối cùng”. “Thời bao cấp, khi gia đình có người chết, người thân của họ đi khai tử còn được cấp khăn xô trắng, dầu hỏa, thậm chí là cả cái áo quan nên việc đăng ký khai tử rất nề nếp. Nhưng xóa bao cấp rồi, mặc dù pháp luật quy định rất rõ đăng ký khai tử là trách nhiệm của người còn sống nhưng không phải ai cũng làm, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Nhẹ thì phải mất thời gian trở về nơi cũ chịu khai tử quá hạn, người không may hơn thì không còn các giấy tờ để chứng minh về thời điểm chết nên không được hưởng tài sản thừa kế hay chế độ, chính sách”, một cán bộ Tư pháp nhiều năm công tác lý giải.

Không những ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại cách trở mà ngay như ở Hà Nội, việc khai tử ở một số nơi cũng chưa thành nề nếp. Từ năm 2009, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát tình trạng đăng ký khai tử tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn từ 1961 trở lại đây. Dù chưa công bố kết quả chính thức nhưng đã có những số liệu gây “sốc”: Có huyện số người chết chưa được khai tử lên tới 10 ngàn, phổ biến cũng một vài ngàn.

Theo quy định tại Nghị định 158, nếu không đăng ký khai tử trong vòng 15 ngày thì được đăng ký quá hạn và người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử cho người chết sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 ngàn – 100 ngàn đồng.

“Tuy nhiên quan trọng nhất là phải tuyên truyền sâu rộng pháp luật về hộ tịch nói chung, khai tử nói riêng đến nhân dân”, một lãnh đạo Sở Tư pháp khuyến cáo. “Việc “quên” khai tử không chỉ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng các chính sách về kinh tế xã hội, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, vị này nói thêm.

Mặt khác, theo hiến kế của Trưởng phòng Tư pháp huyện Ứng Hòa (Hà Nội), ông Lê Văn Lệnh thì cán bộ Tư pháp cũng cần chủ động hơn trong trường hợp người dân vì những lý do nào đó không thể đi đăng ký khai tử: “Có thể thông qua các tổ trưởng tổ dân phố, các già làng, trưởng bản để nắm thông tin về người chết và vận động gia đình họ đi đăng ký”.

Thẩm quyền đăng ký khai tử

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

Thủ tục đăng ký khai tử

Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định .

Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử

(Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)

Huy Hoàng

Đọc thêm