Thiết chế luật sư công chưa được đề cập tới trong Luật Luật sư
Luật sư công là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ năm 2022 đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghị quyết này đã giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu về chế định luật sư công với vai trò đại diện, giúp chính quyền địa phương tham gia các hoạt động tố tụng tại cơ quan tố tụng khi có yêu cầu.
Thiết chế luật sư công vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu để tìm ra mô hình, cách thức triển khai phù hợp với tình hình tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, ví dụ Cần Thơ đã ban hành Đề án số 02/ĐA-UNBD của TP Cần Thơ về thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của thành phố giai đoạn 2022 - 2025; hay Bình Thuận ban hành Đề án khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của tỉnh giai đoạn 2023 - 2026. Một số địa phương có đội ngũ luật sư đông đảo như TP HCM hay TP Hà Nội đều có những hoạt động thúc đẩy các tổ chức luật sư tham gia vào xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, trợ giúp pháp lý cho những đối tượng đặc biệt trên địa bàn thành phố.
Đây chính là tiền đề rất tốt để hình thành chế định luật sư công một cách thuận lợi. Thực tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay Việt Nam có cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp. Hệ thống này được tổ chức từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách. Về bản chất, cơ quan trợ giúp pháp lý này cũng đang thực hiện nhiệm vụ của luật sư công, bảo vệ lợi ích công cộng của Nhà nước. Bộ Tư pháp nhận định, nếu hình thành thiết chế luật sư công, sẽ là một giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở Việt Nam. Chính vì thế, trong bối cảnh Luật Luật sư được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để sửa đổi, vấn đề này càng được quan tâm hơn.
Các quốc gia trên thế giới tổ chức mô hình luật sư công như thế nào?
Luật sư công, theo quan điểm của một số quốc gia có lịch sử tư pháp lâu đời như Anh, Pháp, Mỹ thì chức năng lớn nhất là trợ giúp pháp lý, tức là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giúp nhóm người yếu thế được đảm bảo tiếp cận công lý trong quá trình tố tụng. Tuy vậy, chẳng hạn ở Mỹ, luật sư công chỉ xuất hiện trong lĩnh vực hình sự chứ không đa dạng như ở Việt Nam.
Trên thế giới hiện nay tồn tại ba mô hình trợ giúp pháp lý là (1) luật sư công; (2) luật sư tư và (3) mô hình lai giữa hai mô hình trên. Theo đó, mô hình luật sư công là nhà nước thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua đội ngũ công chức do mình tuyển dụng và quản lý. Đội ngũ này phải tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện do nhà nước đưa ra đối với vị trí chức danh nghề nghiệp đó và chịu sự kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng làm việc bởi nhà nước. Mô hình luật sư tư được hiểu là nhà nước không hình thành hệ thống cơ quan trợ giúp pháp lý như một cơ quan trực thuộc của mình, mà sẽ thực hiện thông qua luật sư tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Đoàn/Hội luật sư…), nhà nước sẽ chi trả cho đội ngũ luật sư tư này theo vụ việc chứ không trả lương/chi phí hành chính như mô hình luật sư công. Một biến thể khác của mô hình này là các tổ chức hành nghề luật sẽ tự nguyện thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý mà không đòi hỏi chi phí; các tổ chức này sẽ trực tiếp, chủ động tiếp cận các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Mỗi mô hình này đều có ưu, nhược điểm về mặt quản lý hành chính, điều phối công việc và cả chi phí để thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trong mô hình lai nhà nước vẫn thiết lập hệ thống cơ quan trợ giúp pháp lý, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo người dân ở bất cứ đâu khi cần đều có thể tiếp cận được luật sư công. Bên cạnh đó, chính những cơ quan này sẽ kết hợp với các tổ chức hành nghề luật sư thông qua hợp đồng/thỏa thuận/cam kết… để luật sư tư cũng tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Mô hình này vừa giải quyết được những bất cập ở trên, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vụ việc.
|
Đoàn Luật sư TP Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua Phiên tòa giả định. (ảnh minh họa: H.Mây) |
Luật sư công ở Việt Nam sẽ là ai? Có chức năng, nhiệm vụ gì?
Như đã nói ở trên, luật sư công nếu chính thức ra đời sẽ dựa trên nền tảng của cơ quan trợ giúp pháp lý hiện nay. Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, hệ thống trợ giúp pháp lý của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, bao gồm: cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Cục Trợ giúp pháp lý đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành trợ giúp pháp lý. Ở địa phương, Sở Tư pháp là đơn vị chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương. Bên cạnh hệ thống 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước và 96 Chi nhánh trợ giúp pháp lý cấp huyện, liên huyện thì còn có các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý). Tính đến 31/10/2024, cả nước có 165 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và 20 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn viên pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tính đến 31/10/2024, cả nước có 707 trợ giúp viên pháp lý; 718 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; 24 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Như vậy, hiện nay tại Việt Nam, mô hình trợ giúp pháp lý có sự tham gia của cả khu vực tư và khu vực công. Về chức năng, đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội (người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,…) mà chưa đề cập đến nhóm chủ thể là cơ quan quản lí nhà nước, các đơn vị công lập… Đây là nhóm chủ thể càng ngày càng tham gia nhiều vào các vụ việc tố tụng và cũng rất cần có luật sư để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình, cụ thể như khi một UBND cấp tỉnh bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện vì cho rằng cơ quan này sai phạm trong nghĩa vụ đối với nhà đầu tư hoặc khi Sở Văn hóa và Thể thao của tỉnh bị doanh nghiệp khởi kiện vì cho rằng cơ quan này kéo dài thời gian thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp… Khi tham gia các vụ việc này, các cơ quan quản lí nhà nước cũng chỉ có vị thế ngang bằng với nguyên đơn và sự có mặt của luật sư công là hết sức có ý nghĩa.
Thuận lợi và khó khăn khi hình thành thiết chế luật sư công
Dựa trên quan điểm được thể hiện trong Nghị quyết 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật sư công được xây dựng nhằm đại diện cho chính quyền địa phương khi tham gia tố tụng. Tức là, nếu xét theo phạm vi của luật sư công được hiểu tại nhiều quốc gia trên thế giới, luật sư công tại Việt Nam - mặc dù tồn tại với tên gọi khác - đã có nhưng mới chỉ hoạt động với chức năng hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực tế này đặt ra một số thuận lợi và khó khăn khi hình thành thiết chế luật sư công.
Về thuận lợi, do đã có sẵn đội ngũ trợ giúp pháp lý nên nguồn nhân lực để xây dựng thiết chế luật sư công là không khan hiếm và có thể kế thừa cả mô hình quản lý hiện nay. Các luật sư công, với tư cách đại diện cho chính quyền địa phương, trong một số trường hợp cần bảo mật các thông tin liên quan đến vụ việc thì sự đảm bảo cũng chắc chắn hơn.
Về khó khăn, thiết chế luật sư công để đại diện cho chính quyền địa phương cần có những kinh nghiệm và kĩ năng đặc thù, nhất là khi cơ quan nhà nước tham gia tố tụng với bên chủ thể có yếu tố nước ngoài và cơ quan giải quyết tranh chấp ngoài lãnh thổ. Điều này khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm về trợ giúp pháp lý truyền thống nên nếu chưa bố trí được nguồn nhân lực phù hợp thì không đạt được hiệu quả, trong khi những vụ việc như thế ngày càng nhiều. Thêm nữa, vấn đề tài chính để vận hành thiết chế luật sư công cũng là trở ngại khi thù lao/mức hỗ trợ cho luật sư công cũng phải cao tương xứng với đòi hỏi về năng lực, kinh nghiệm đặc thù của họ.
Qua những nhận định trên, mặc dù cũng còn những khó khăn, trở ngại nhưng với đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc hình thành thiết chế luật sư công là hết sức cần thiết và nên được sớm thông qua trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sắp tới.