Cộng đồng doanh nghiệp không tin tất cả điện thoại di động đều mất an toàn

(PLO) - Góp ý Dự thảo Thông tư quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn của Bộ Thông tin và Truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, điện thoại di động là những thiết bị chỉ sử dụng để thu sóng, nguy cơ gây mất an toàn thông tin của các thiết bị này không cao như các thiết bị có khả năng phát sóng vô tuyến khác.
Theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, không nên yêu cầu kiểm tra đại trà về an toàn trước khi đưa ra thị trường đối với điện thoại di động
Theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, không nên yêu cầu kiểm tra đại trà về an toàn trước khi đưa ra thị trường đối với điện thoại di động

Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với “điện thoại mẹ - con”

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT (Mục 1.1 Phụ lục I), là các sản phẩm “điện thoại mẹ con kéo dài”, thường được nhập khẩu về Việt Nam. Những thiết bị này có nguy cơ gây mất an toàn khi trùng tần số với các thiết bị khác, do mỗi quốc gia có quy hoạch tần số khác nhau.

Cũng theo các doanh nghiệp, việc thiết bị hoạt động tại tần số nào đã được nhà cung cấp thể hiện rất rõ trên thông số kỹ thuật đính kèm sản phẩm. Do đó, cơ quan nhà nước chỉ cần đối chiếu tần số hoạt động của thiết bị với quy hoạch tần số của Việt Nam là có thể xác định ngay hàng hoá có khả năng gây mất an toàn hay không. Việc đối chiếu này rất đơn giản, không cần thiết phải thực hiện việc kiểm tra và chứng nhận hợp quy tại đơn vị đo kiểm.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với việc kiểm tra thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT, theo hướng chỉ cần cán bộ kiểm tra hàng hoá nhập khẩu thực hiện mà không cần phải kiểm tra tại các đơn vị được cấp phép chứng nhận sự phù hợp.

Điện thoại di động chỉ cần công bố hợp quy

Theo ý kiến của doanh nghiệp, thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng (điện thoại di động) (Mục 1.2, Phụ lục I) là những thiết bị chỉ sử dụng để thu sóng, về cơ bản, không có khả năng phát sóng đến các thiết bị khác. Bởi vậy, các doanh nghiệp cho rằng, nguy cơ gây mất an toàn thông tin của các thiết bị này không cao như các thiết bị có khả năng phát sóng vô tuyến khác. 

“Cũng có trường hợp các thiết bị này được sử dụng cho một số mục đích quan trọng, cần độ an toàn cao thì cũng chỉ nên áp dụng biện pháp kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng với mục đích đó, chứ không nên yêu cầu kiểm tra đại trà như quy định tại Dự thảo. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chuyển các thiết bị này sang Phụ lục 2 của dự thảo, tức là doanh nghiệp tự công bố hợp quy mà không cần chứng nhận trước. Việc bảo đảm thực thi sẽ được tiến hành thông qua hậu kiểm” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu như vậy.

Chìa khóa ô tô, chìa khóa cửa cuốn… có gây hại tới mạng viễn thông?

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, các thiết bị phát, thu - phát vô tuyến cự ly ngắn được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau như các thiết bị đo, thiết bị điều khiển không dây (ví dụ như điều khiển ô tô đồ chơi trẻ em), cảm biến lùi trên ô tô, tai nghe không dây, microphone không dây, chìa khoá điện ô tô, chìa khoá cửa cuốn,… Tuy nhiên, do cự ly ngắn (tối đa vài trăm mét) nên các thiết bị này hầu như không ứng dụng trong thông tin liên lạc mạng viễn thông. Bởi vậy, các thiết bị này hầu như không có nguy cơ phát tán thông tin độc hại trên mạng viễn thông.

Hơn nữa, theo Mục 2.1.6 của Dự thảo, tất cả các thiết bị phát, thu - phát vô tuyến cự ly ngắn có tần số từ 9kHz đến 40GHz đều phải chứng nhận hợp quy là quá rộng, bao gồm quá nhiều các thiết bị vô tuyến cự ly ngắn, mà không có sự phân loại chi tiết hơn về nguy cơ gây mất an toàn của từng loại thiết bị.

Từ nhận định trên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu phải chứng nhận hợp quy đối với các thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn. Trong trường hợp có một số thiết bị sử dụng cho những mục đích đặc biệt, có nguy cơ mất an toàn cao như thiết bị điện tử dùng trong y tế, quân sự, an ninh,… thì có thể yêu cầu chứng nhận hợp quy.

Thiết bị không dây, thiết bị chống mất cắp… nên quản lý thế nào?

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các thiết bị nhận dạng vô tuyến RFID (băng tần từ 866MHz-868MHz) đang tăng rất nhanh như chống mất cắp hàng hoá trong siêu thị, thư viện, trông giữ xe, thẻ thanh toán, khoá cửa, thang máy… Bản thân các thiết bị này không có nguy cơ gây mất an toàn, mà tuỳ từng mục đích sử dụng khác nhau sẽ có nguy cơ mất an toàn khác nhau. 

“Việc yêu cầu kiểm tra toàn bộ thiết bị nhận dạng trước khi lưu hành trên thị trường là không thực sự cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phân loại cụ thể hơn về mục đích sử dụng của thiết bị nhận dạng RFID để yêu cầu kiểm tra, chứng nhận hợp quy trước khi đưa vào sử dụng” – VCCI nhận định – “Ví dụ, đối với những mục đích sử dụng có nguy cơ mất an toàn lớn như thẻ thanh toán ngân hàng, thẻ kiểm soát ra vào tại những nơi quan trọng… thì phải được chứng nhận hợp quy trước khi sử dụng. Còn với các mục đích sử dụng khác thì không nhất thiết phải kiểm tra trước, mà chỉ cần nhà cung cấp tự công bố hợp quy và Nhà nước sẽ hậu kiểm”.

Tương tự, VCCI cũng cho rằng, thiết bị truyền hình ảnh số không dây, thiết bị âm thanh không dây dải tần 25MHz – 2000MHz là các thiết bị điện tử như tai nghe không dây, loa không dây, thiết bị âm thanh không dây trên ô tô hay các thiết bị không dây cá nhân khác… Đây đều là những thiết bị điện tử phổ thông, mặc dù có khả năng phát sóng nhưng chỉ sử dụng trong cự ly ngắn, vì những mục đích sinh hoạt, gia đình, vui chơi, giải trí… Do đó, việc yêu cầu phải kiểm tra, chứng nhận hợp quy toàn bộ trước khi đưa ra thị trường là không cần thiết. 

Đọc thêm