Đà Nẵng: Những phát minh từ sáng tạo khoa học của sinh viên, học sinh

(PLVN) - Chiếc máy gom rác thải đa năng có thể gom được rác ở bãi biển và cả dưới nước do nhóm SV Khoa Cơ khí Giao thông (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng), đang được Thành Đoàn phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP  Đà Nẵng xem xét để hướng đến đầu tư thử nghiệm, đã gây chú ý cho nhiều người. Không chỉ vậy, một “phát minh” khác là chiếc máy “tầm soát bệnh” cây trồng của một nhóm học sinh cấp 3 cũng được nhắc đến đã cho thấy sự sáng tạo khoa học của các bạn trẻ đang lan tỏa ở “TP đáng sống” này…
Nhóm sinh viên Đà Nẵng
Nhóm sinh viên Đà Nẵng

Máy gom rác thải đa năng của nhóm sinh viên…

Tại hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho SV cấp trường, được chọn triển lãm tại Festival Khoa học công nghệ trong SV ĐH Đà Nẵng năm 2019 mới đây, chiếc máy gom rác thải đa năng nhóm SV Khoa Cơ khí Giao thông (Đại học BK Đà Nẵng) gồm Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật cùng ba cộng sự Lê Thanh Trãi, Võ Văn Khoa và Đinh Văn Hiệp (SV năm 2, ĐH Đà Nẵng) giành giải nhì gây chú ý mạnh cho nhiều người vì không chỉ hứa hẹn sẽ mang lại tiện ích làm sạch các bãi biển, kênh rạch, mà còn được xem như điểm nhấn trong sáng tạo khoa học của các bạn trẻ ở “TP đáng sống” này hướng đến.

Võ Anh Khoa - Trưởng nhóm cho biết, Anh Khoa nảy ra ý tưởng thiết kế mô hình máy gom rác đa năng khi thấy rác thải khá nhiều gây mất mỹ quan trên bãi biển, bờ hồ và ảnh hưởng đến môi trường. Sau 5 tháng miệt mài sáng tạo, thiết kế ban đầu của mô hình được định hình.

Khoa chia sẻ, cùng với một hiệu suất tương đương, máy của nhóm có chi phí ít hơn. Hình dáng bên ngoài của máy được nhóm chú trọng, có tính thẩm mỹ cao, có thể dọn rác ở những khu vực có du khách nhưng không gây khó chịu. Sử dụng nguồn năng lượng điện không gây ô nhiễm.

Nói về những khó khăn lớn nhất, theo Trương Văn Bình, việc tính toán làm sao cho máy có thể di chuyển được cả trên cạn và dưới nước. Bên cạnh đó, nhóm cũng gặp không ít khó khăn về tài chính khi số tiền hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ nhà trường không đủ thực hiện, nhóm phải tự bỏ tiền túi để hoàn thành.

Nhưng Bình tự hào, sản phẩm hoàn toàn có thể được phát triển tiên tiến hơn trong tương lai với sự phát triển của ngành công nghệ kỹ thuật, bổ sung thêm các thiết bị hiện đại hơn nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống như: Cảnh báo các vùng nước xoáy ven bờ phục vụ cho du lịch, Giám sát chất lượng nguồn nước ven bờ.

Sản phẩm có tính ứng dụng rất cao, giá thành phù hợp nên dễ thương mại hóa, sản xuất hàng loạt từ đó góp phần nâng cao hình ảnh của TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên để làm được điều đó, nhóm cần sự hỗ trợ lớn từ các nhà đầu tư. 

Học sinh cấp 3 với ý tưởng giúp nông dân…

Đặc biệt, ở độ tuổi học sinh, nhóm các em Đỗ Minh Huy (SN 2002) và Phạm Nguyễn Nam Khoa (SN 2002), lớp 11A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) đã làm bất ngờ Ban giám khảo khi đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh PTTH năm 2018-2019 khu vực phía Nam diễn ra tại TP HCM, với thiết bị “tầm soát bệnh” trên cây trồng.

Cận cảnh sản phẩm máy thu gom rác thải biển đang được xem xét để hướng đến đầu tư thử nghiệm
Cận cảnh sản phẩm máy thu gom rác thải biển đang được xem xét để hướng đến đầu tư thử nghiệm

Thiết bị này cũng từng giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp TP Đà Nẵng năm học 2018-2019. Không chỉ vậy, tại diễn đàn U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (ĐH Đà Nẵng), sáng chế của nhóm học sinh cũng đã giành Giải ba của cuộc thi.

Nói về ý tưởng của mình, Đỗ Minh Huy cho biết, xuất phát từ sự đam mê chụp ảnh trong những lần dã ngoại. “Em đi đâu cũng thấy cây lúa, cũng là cây lương thực chính của nước mình, nhưng người nông dân lại rất vất vả trong chăm sóc, nhất là cách phát hiện bệnh.  Con sâu gây hại trở thành nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng lúa giảm sút. Vì thế, em muốn giúp cho bà con bằng một việc làm thiết thực”, Đỗ Minh Huy tâm sự. 

Ý tưởng nhanh chóng được chia sẻ với thầy cô trong trường, rồi Huy và bạn của mình bắt đầu nghiên cứu, chế tạo một thiết bị nhằm giúp người nông dân dễ dàng trong việc phát hiện bệnh trên cây trồng, để kịp thời có những biện pháp điều trị bệnh cho cây, mang lại năng suất cao.

Bắt tay vào nghiên cứu từ đầu tháng 7/2018, Huy và bạn phải tìm kiếm, chụp ảnh, viết phần mềm lập trình nhận diện hình ảnh, tạo cơ sở dữ liệu mô phỏng, để có thể nhận diện bệnh cho cây. Cứ như vậy, tranh thủ giờ học, mày mò lúc nửa đêm,… sản phẩm đã hoàn thành kịp tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp TP Đà Nẵng.

Theo nhóm tác giả, thiết bị gồm hệ thống các bo mạch, modun xử lý động cơ để di chuyển và một modun kết nối với máy tính được lập trình sẵn phần mềm nhận diện hình ảnh. Phía cơ cấu truyền động được lắp camera, ghi lại các hình ảnh về lá cây, tình hình sâu bệnh. Cũng lời Huy, thông tin, hình ảnh về khu vực cây trồng, tình trạng sinh trưởng được lưu trữ và phát tín hiệu cảnh báo đến nông dân.

Người nông dân chỉ cần mở máy tính, thậm chí trên điện thoại, để có thể phát hiện và đưa ra các biện pháp trừ bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, robot còn có thể giúp kiểm tra chính xác hàm lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng và theo dõi lượng dinh dưỡng của cây trồng. Với ứng dụng này, Huy tin tưởng có thể đưa vào ứng dụng trên cánh đồng rộng lớn.

“Nếu sản phẩm thật sự giúp ích cho người nông dân, em sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và thật vui khi làm được điều gì đó có ích cho xã hội”, Huy nói.

Đọc thêm