Toàn cảnh Facebook “unfriend” Úc

(PLVN) - Việc Facebook hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Úc do những bất đồng về chính sách dẫn đến các hệ lụy cho thấy mối lo về việc cuộc sống phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ.
Nhiều trang tin tức không thể đọc được.
Nhiều trang tin tức không thể đọc được.

Facebook lý giải như thế nào?

Ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Úc - động thái cho thấy quyết định từ chối tuân thủ quy định mới vốn yêu cầu các "gã khổng lồ công nghệ" chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông ở Úc.

Trong thông báo, ông William Easton - quản lý của Facebook ở Úc và New Zealand - cho biết: "Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức. Điều này buộc chúng tôi đối mặt với lựa chọn khó khăn. Một là cố gắng tuân thủ luật và bỏ qua thực tế về mối quan hệ vừa đề cập, hoặc hai là dừng cho phép chia sẻ các nội dung thông tin trên những dịch vụ của chúng tôi ở Úc. Dù không muốn nhưng chúng tôi đang lựa chọn phương án thứ hai."

Facebook ngày 18/2 cho rằng trang mạng xã hội này buộc phải  hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Úc vì dự luật mới của nước này không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức. Bên cạnh đó, "gã khổng lồ" công nghệ cũng khẳng định cam kết của hãng với cuộc chiến chống thông tin sai lệch không thay đổi.

Theo người phát ngôn của Facebook, những hành động mà trang mạng này đang thực hiện tập trung vào việc hạn chế các hãng tin tức và người dân ở Úc chia sẻ hay xem những nội dung tin tức của Úc và quốc tế.

Vì luật không cung cấp chỉ dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức, Facebook buộc đưa ra định nghĩa rộng nhằm tôn trọng luật như dự thảo. Tuy nhiên, Facebook sẽ chuyển hướng bất kỳ trang nào vô tình bị ảnh hưởng.

Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Úc. Động thái mới nhất của Facebook trái ngược với Google - tập đoàn trước đó thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông của Úc, trong đó có News Corp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Luật Đàm phán truyền thông

Năm ngoái, dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Úc đưa ra đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook và các hãng truyền thông báo chí Úc. Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, chính quyền Úc sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lưa chọn.

Bộ quy tắc thương lượng truyền thông đã được Hạ viện Úc thông qua vào ngày 16/2 và nhiều khả năng sẽ được ban hành thành luật vào tuần tới.

Phản ứng trước động thái, Mỹ kêu gọi chính phủ Úc hủy bỏ dự luật trên. Trong thông báo mới nhất, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã kêu gọi Úc nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện.

Thông báo nhấn mạnh, Mỹ lo ngại những nỗ lực cạnh tranh vị thế giữa các công ty công nghệ được luật pháp Úc thông qua, có thể gây thiệt hại cho 2 tập đoàn của Mỹ, dẫn đến những kết quả tiêu cực.

Nhiều lĩnh vực đời sống bị ảnh hưởng

Ngày 18/2, một số dịch vụ khẩn cấp của Úc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook liên quan đến chia sẻ nội dung tin tức, đặc biệt các trang đưa thông tin về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cháy rừng hay lốc xoáy.

Ngoài ra, các trang chia sẻ nội dung về dịch vụ cứu hỏa, y tế và khí tượng của Úc trên nền tảng Facebook cũng bị khó truy cập. Trong thông báo, Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley khẳng định trang thông tin của Cơ quan khí tượng thủy văn đã bị ảnh hưởng từ quy định này. Tuy nhiên, thay vì vào Facebook, ông Ley kêu gọi người dân truy cập trang chủ.

Trong khi đó, Chính phủ Úc tuyên bố Facebook đã xử lý "quá mạnh tay" và "không cần thiết". Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg chỉ trích Facebook đã "sai lầm" khi ngăn chặn chia sẻ tin tức trên các trang thông tin.

Đến chiều cùng ngày, Facebook đã khôi phục các trang dịch vụ của chính phủ, song vẫn còn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi người dùng xóa bỏ ứng dụng này.

Úc sẽ không bị đe dọa bởi “sự bắt nạt” của Facebook

Trước động thái trên của Facebook, Thủ tướng Úc Scott Morrison  tuyên bố, lệnh cấm chia sẻ tin tức của Facebook thể hiện sự "kiêu ngạo" và ông sẽ không bị đe dọa bởi "sự bắt nạt" của nền tảng truyền thông xã hội này.

Trong một tuyên bố, ông Morrison cho rằng: “Hành động hủy kết bạn với Úc của Facebook ngày hôm nay, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là một sự ngạo mạn và đáng thất vọng."

Ông nhấn mạnh Úc sẽ không bị đe dọa bởi sự bắt nạt của gã khổng lồ công nghệ truyền thông và đây là hành động gây áp lực với Quốc hội khi các nghị sỹ bỏ phiếu dự luật Đàm phán truyền thông.

Thủ tướng Morrison cho hay, ông thường xuyên liên lạc với các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác về những vấn đề liên quan và khẳng định các quốc gia sẽ không bị đe dọa.

Vụ việc của Facebook cũng giống như trường hợp tập đoàn Amazon đe dọa rời khỏi Úc và khi Úc tập hợp với các quốc gia khác để chống lại việc xuất bản nội dung thông tin có tính chất khủng bố trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Ông kêu gọi Facebook hợp tác tích cực với Chính phủ Úc, giống như Google gần đây đã thể hiện một cách thiện chí.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Hệ lụy của sự phụ thuộc vào các "gã khổng lồ công nghệ"

Trong ngày 18/2, ông Henry Faure Walker, Chủ tịch Hiệp hội truyền thông tin tức của Anh, cho rằng động thái của Facebook tại Úc cho thấy tại sao các nước trên thế giới cần thế giới cần có những quy định mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động như vậy của các "gã khổng lồ công nghệ."

Ông Walker cho rằng việc Facebook đưa ra động thái trên trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu là một ví dụ điển hình cho thấy một thế lực độc quyền muốn bảo vệ sự thống trị của mình mà không cần bận tâm tới người dân và khách hàng.

Phản ứng trước tình hình trên, Mỹ kêu gọi Chính phủ Úc hủy bỏ dự luật về trả phí. Trong thông báo mới nhất, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã kêu gọi Úc nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện. Theo các quan chức này, Mỹ "lo ngại" những nỗ lực cạnh tranh giữa các công ty công nghệ có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực.

Đọc thêm