Cứ mỗi dịp hè về, tình trạng trẻ em bị đuối nước lại gia tăng, báo chí lại đưa nhiều thông tin về những trường hợp đuối nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm và đau lòng, trong đó có sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn.
|
Một số em nhỏ tự ý rủ nhau ra sông, hồ tắm vào những trưa hè là rất nguy hiểm, mong rằng các bậc phụ huynh, chính quyền cơ sở cần tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời |
Thương tâm và đau lòng
Khoảng 16 giờ 30 chiều 7-5, tại hồ điều hòa Phương Lưu (thuộc địa bàn giáp ranh hai quận Ngô Quyền và Hải An) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, cướp đi mạng sống của 2 cháu Đ.V.T và B.V.H (cùng 14 tuổi). Vào thời điểm đó, hai cháu T. và H. cùng nhóm bạn nô đùa bên hồ thì bị trượt chân, ngã xuống hồ. Điều khiến gia đình, bạn bè và thầy cô của hai học sinh bức xúc là hồ điều hòa Phương Lưu có độ sâu lớn, nhưng chung quanh hồ không có hàng rào lan can bảo vệ cũng như biển cảnh báo.
Nhiều người dân sống quanh hồ cho biết, đây không phải lần đầu các cháu nhỏ bị rơi xuống hồ. Hè năm ngoái, hai cháu nhỏ chết đuối do mải chạy theo quả bóng rơi xuống hồ, nguyên nhân cũng bởi hồ không có lan can. Mới đây, ngày 5-2, anh Ngô Minh Q., sinh năm 1990, ở khu Hạ Đoạn 1, phường Đông Hải 2 (quận Hải An), cũng ngã xuống hồ điều hòa Phương Lưu, thiệt mạng. Qua quan sát chung quanh khu vực hiện trường cho thấy, hiểm họa còn rình rập các em nhỏ nếu chính quyền địa phương không kịp thời có biện pháp xử lý.
|
Các em nhỏ vui chơi bên bờ biển cần có sự giám hộ của các bậc phụ huynh |
Một vụ tai nạn đau lòng khác xảy ra vào hồi 14 giờ 25 chiều 22-4, tại hồ đào trong mặt bằng khu đô thị Xi-măng, phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng). Cháu Trần Phú Tr. sinh năm 1997, ở số 18/221 đường Bạch Đằng, phường Thượng Lý, cùng một số học sinh lớp 7 Trường THCS Ngô Gia Tự xuống hồ tắm, vì không biết bơi, bị ngạt nước quá lâu nên em Tr. tử vong sau khi được vớt lên.
Các vụ tai nạn thương tâm trên cho thấy, chính quyền các địa phương có ao hồ và những người chủ quản lý ao hồ cần có những biện pháp an toàn, nhất là ở những nơi có nhiều trẻ em hiếu động sinh sống.
Để mùa hè không là nỗi buồn
Năm nào cũng vậy, cứ vào những tháng hè lại xảy ra tình trạng học sinh bị chết đuối. Trẻ em vốn hiếu động, phần lớn đều thích chơi đùa trong môi trường nước vào mùa nóng bức. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như trẻ ham chơi nên bị trượt chân rơi xuống ao, sông, hồ; trẻ bị tai nạn do sử dụng các phương tiện di chuyển thiếu an toàn trên sông nước, thậm chí có những tai nạn đuối nước đau lòng chỉ vì sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn. Dù được cảnh báo nhưng con số trẻ em đuối nước tử vong hằng năm vẫn không dừng lại. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có con em trong độ tuổi đi học, nhất là khi kỳ nghỉ hè đến. Nhiều người không khỏi bàng hoàng khi liên tục nghe tin những vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn thành phố và ở các địa phương những ngày qua.
|
Thiếu nhi nội thành tập bơi tại bể bơi Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp |
Để mùa hè không trở thành nỗi buồn của gia đình, phòng ngừa những tai nạn nói chung và do đuối nước nói riêng là việc cần thiết và cấp bách, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong nâng cao nhận thức cho trẻ em về tai nạn đuối nước để tự bảo vệ bản thân. Theo Bộ Giáo dục- Đào tạo, trong giai đoạn 2010-2015 ngành sẽ triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là hành động thiết thực nhằm giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, đặc biệt là trẻ em nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm dạy bơi khó có thể trong ngày một, ngày hai, do rất nhiều khó khăn về đầu tư xây dựng bể bơi tại trường hoặc cụm trường, đội ngũ giáo viên thể dục bảo đảm về chuyên môn, kỹ năng dạy bơi cho học sinh…Trong lúc còn “bắc nước chờ gạo người”, việc tự lo thân là cần thiết. Các bậc cha mẹ cần quản lý, nhắc nhở con em mình cẩn thận khi đi tắm sông, tắm biển. Đối với các cháu nhỏ chơi ở gần sông hồ, ao, biển... cha mẹ phải luôn để con trong tầm mắt... Quan trọng nhất, vẫn là ở các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của con em mình, cần lưu tâm, giám sát thường xuyên hơn về địa điểm, thời gian cũng như các loại hình hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè, giáo dục con em trước những nguy cơ tai nạn thương tích ngày hè, trong đó có đuối nước.
Mùa hè mới bắt đầu, nhiều tiếng chuông báo động được gióng lên. Mong rằng, sẽ không còn những giọt nước mắt của người thân, bè bạn khóc thương cho những trường hợp tai nạn đuối nước, để mùa hè thực sự là niềm vui của trẻ em, gia đình và nhà trường.
Thảo Nguyên
Ảnh: Trường Giang