[links()] Phải hiểu Hiến pháp như là bàn cờ quốc gia, để ứng xử như việc chơi cờ. Cờ phải có quy tắc, phải có nhiều người chơi: trước hết phải có đối thủ, phải có ván đấu, người thua phải ra, phải có trọng tài. Việc tăng thêm các cách hiểu khác nhau về Hiến pháp là cơ sở cần thiết để Hiến pháp sửa đổi của chúng ta tới đây càng được hoàn hảo hơn.
Sự hoàn hảo và sự đúng đắn của Hiến pháp sẽ là cơ sở cho việc thực thi đúng đắn sau này của Hiến pháp trên thực tế. Một trong những tiêu chí của lý thuyết Chủ nghĩa Hiến pháp.
Hiến pháp thì quá phức tạp, quá rộng, không thể như bàn cờ nhỏ, nhưng cũng có cái gì rất chung |
Cho đến nay tôi chưa tìm ra được nước nào có nhận thức một cách chính thức - Hiến pháp như một bàn cờ - theo quan điểm luận thuyết trên. Nhưng đi vào chi tiết cụ thể của từng chế định Hiến pháp, có thể tìm thấy những lý tưởng này của các học giả nước ngoài.
Khi phân tích, lý giải các hiện tượng Hiến pháp và hiện tượng chính trị của Anh quốc, các học giả Anh quốc đã từng coi chính trị một trò chơi thể thao. Ví dụ như khi phân tích chế định bầu cử trong Hiến pháp bất thành văn của họ, đã có nhiều người nhận định rằng: Bầu cử Hạ nghị sỹ của Anh quốc được tiến hành theo nguyên tắc đa số tương đối, theo nguyên tắc mỗi một đơn vị bầu cử chỉ được bầu 1 người, các ứng cử viên ra tranh cử tự do, người nào được nhiều phiếu hơn thì người đó thắng cử. Cuộc bầu cử theo cách này bao giờ cũng có kết quả, không bao giờ phải bầu lại. Trong trường hợp không có ai cạnh tranh, chỉ một ứng cử viên sẽ thắng cử, không phải bầu. Bầu cử như một trò chơi thể thao. Người chạy đến trước là người thắng cuộc…
Tuy vậy, sự so sánh Hiến pháp như một bàn cờ cũng có sự khiên cưỡng. Hiến pháp thì quá phức tạp, quá rộng không thể như bàn cờ nhỏ. Hơn nữa trong Hiến pháp không có đối thủ rõ ràng trong nhiều trường hợp. Nhưng dẫu sao đi chăng nữa việc so sánh giữa Hiến pháp với bàn cờ có gì cái gì rất chung giữa hai thứ mà chúng ta phải nhận.
Đó là luật chơi phải có trước và được người chơi chấp nhận; đó là sự minh bạch, sự công khai, sự chính đáng, không dấu mặt, sự phân định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của từng thể chế. Đó là bàn cờ của cả một quốc gia, mà ai cũng có quyền tham gia khi thành lập ra luật chơi - Hiến pháp, ai nếu hội tụ đủ điều kiện đều có quyền tham gia. Đó tính bàn cờ của Hiến pháp.
Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội