Hiểu biết về hậu COVID-19 ở trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày gần đây, người dân luôn truyền tai nhau về một thứ còn đáng sợ hơn mắc COVID-19, đó chính là di chứng mà hậu COVID-19 để lại. Đã có vô vàn thông tin về di chứng hậu Covid được đưa ra. Mới đây nhất, thông tin hậu COVID-19 không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại.
Trẻ em có thể bị di chứng hậu COVID-19.
Trẻ em có thể bị di chứng hậu COVID-19.

Phụ huynh đừng chủ quan

Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang là một trong những “điểm nóng” COVID-19 trong nước. Số ca mắc liên tục đạt đỉnh, riêng ngày 20/2, ca mắc tại Hà Nội đã lên đến con số 5.000. Đi kèm với đó là tình trạng ngày càng nhiều trẻ nhỏ mắc COVID-19.

May mắn thay, trẻ em thường bị bệnh nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn. Nhiều trẻ còn không có triệu chứng hoặc nếu có thì cũng chỉ là những biểu hiện thông thường như sốt, ho, có thể dễ dàng vượt qua bằng một số loại thuốc cơ bản hay thậm chí là không cần dùng thuốc vẫn có thể an toàn vượt qua bệnh. Chính vì lẽ đó, nên nhiều phụ huynh không quá lo lắng khi phát hiện con em mình nhiễm COVID-19.

Vậy nhưng, một vài ngày gần đây, thông tin dồn dập về hậu COVID-19 ở trẻ em đã xuất hiện trên hàng loạt trang thông tin điện tử. Thông tin này còn phủ sóng rộng rãi ở các hội nhóm, bài đăng trên mạng xã hội. Trong status của một bà mẹ có con mới mắc COVID-19 chia sẻ: “Không thể ngờ được là di chứng hậu Covid của các con lại nghiêm trọng đến thế các mẹ ạ. Em xem xong bài báo mà rụng rời chân tay, phải cấp tốc gọi bố nó về cho hai đứa lên đường khám luôn. Có mẹ nào biết ở đâu khám hậu Covid ok thì báo cho em với nhé…”.

Chính những thông tin một chiều, đồn thổi như vậy đang khiến các bậc phụ huynh lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng quá mức cần thiết. Thậm chí nhiều người còn đưa các con tới bệnh viện, cơ sở y tế đòi thăm khám hậu COVID-19 dù cho bé không có biểu hiện gì. Vậy di chứng hậu COVID-19 ở trẻ là gì? Và có nghiêm trọng đến vậy?

Trả lời câu hỏi này, mới đây Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19. Ông Lân cũng cho biết thực tế trẻ từ 5 - 12 tuổi mắc COVID-19 cũng ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với bệnh nhân là người trưởng thành. “Tuy nhiên, khi mắc COVID-19 ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiệu “hậu COVID-19”. Người ta gọi đây là các di chứng cấp tính sau mắc COVID-19, như viêm đa hệ ở trẻ em (viêm da, viêm khớp), giảm mức độ tập trung...”, ông Lân nói thêm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tình trạng hậu COVID-19 hay “COVID-19 kéo dài” là tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.

Cũng theo WHO, hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc COVID-19 mà không có triệu chứng. Các triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19 có ngay từ ngày đầu tiên khi bắt đầu mắc COVID-19 rồi tồn tại kéo dài hoặc xuất hiện ở giai đoạn sau này.

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), các biểu hiện thường thấy ở tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em bao gồm:

Vấn đề về hô hấp, đây là dấu hiệu thường thấy nhất. Do COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: Ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn. Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.

Ngoài ra còn có các vấn đề khác như: mùi và vị thay đổi, chán ăn, kém tập trung, mệt mỏi về tinh thần, thể chất; đau đầu, choáng váng; sức khỏe tâm thần và hành vi,… cũng là một trong những triệu chứng dễ thấy ở trẻ.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Với các biểu hiện bao gồm sốt dài hơn 3 ngày kèm theo: Tổn thương da niêm mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân); Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn); Suy tim (mệt, xanh tái, môi nhợt, tay chân lạnh).

Thời gian gần đây, ghi nhận ở các bệnh viện nhi trong nước xuất hiện trường hợp các em nhỏ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C do trước đó đã nhiễm COVID-19. Có những trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, bị sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim…

Theo các bác sĩ, ở trẻ em, tỷ lệ mắc hội chứng này chỉ khoảng 2/100.000, nhưng hậu quả rất nặng và là nguyên nhân chính gây tử vong sau mắc COVID-19. Hội chứng này gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ, như: đường tiêu hóa, hệ thống tim mạch, thận.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan, phụ huynh quan sát, theo dõi trẻ kỹ sau khi khỏi COVID-19. Dù theo WHO, thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu COVID-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên. Những trẻ có triệu chứng kéo dài trên 2 tháng thì mới cần lo đến tình trạng hậu COVID-19 và đưa trẻ đi khám.

Vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm các biến chứng của hậu COVID-19.

Vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm các biến chứng của hậu COVID-19.

Chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Nếu phát hiện con có các triệu chứng kéo dài trên 2 tháng hoặc ngắn hơn nhưng ảnh hưởng tới trẻ, những trẻ có bệnh lý nền, hoặc trước đó mắc COVID-19 mức độ trung bình trở lên thì có thể đi khám sớm hơn. Sau khi trẻ âm tính khoảng 2-6 tuần, nếu có biểu hiện sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, mệt, da tái, nhịp tim nhanh gia đình cần cho trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị. Lúc này trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của COVID-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần… để có hướng khắc phục sớm.

Đồng thời, chăm sóc trẻ hậu COVID-19, phụ huynh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện. Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc; tham gia các hoạt động thể dục thể thao như trước đây và hoạt động giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách…

Bên cạnh đó, với chủng biến thể Omicron, qua theo dõi cho thấy, lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho rằng, việc tiêm chủng có 2 ý nghĩa, vừa giảm lây nhiễm cho các cháu, vừa giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó bảo vệ cho những người nguy cơ cao như người chưa đến tuổi tiêm chủng, người có chống chỉ định với tiêm chủng, người chưa tiêm vaccine… “Việc hoàn thành tiêm chủng cũng giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời”, ông Lân nói thêm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm lây nhiễm ở trẻ, các biến chứng của hậu COVID-19 sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng của MIS-C. Cho đến nay đã có 44 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai tiêm chủng cho trẻ lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế, trong số này có quốc gia/vùng lãnh thổ tiêm cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho trẻ có nguy cơ cao gặp biến chứng nếu mắc COVID-19.

Đọc thêm