Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo với thành thị, bằng việc huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các huyện miền núi có cơ hội vươn lên thoát nghèo thông qua các dự án, chương trình mục tiêu, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
Từ Nhím Hoành Bồ
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Hoành Bồ Nguyễn Văn Chi dẫn chúng tôi vượt hơn 30 cây số đường đèo núi để đến xã Tân Dân "mục sở thị" về những đổi thay tích cực trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trên đường đi, anh Chi, tranh thủ "bật mí" cho chúng tôi biết: "Những năm trước, Tân Dân là một trong những xã nghèo của huyện Hoành Bồ với 95% số dân là đồng bào dân tộc Dao, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với các xã vùng cao còn khó khăn, những năm gần đây, huyện Hoành Bồ đã có nhiều giải pháp, tập trung đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại và bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ðến nay, Tân Dân là xã có nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển nghề nuôi nhím và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của các hộ dân được cải thiện và có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững".
Mô hình nuôi lợn rừng
Qua giới thiệu, chúng tôi được gặp bác Lý Tài Thông, người dân tộc Dao, 63 tuổi ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân. Gia đình bác là một trong nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo từ việc đầu tư nuôi nhím. Năm 2003, được dự án FAO tài trợ 50% vốn, bác Thông đã mạnh dạn vận động sáu hộ gia đình trong xã tham gia đầu tư kinh phí cùng cán bộ của dự án FAO lên tận Sơn La mua nhím giống về nuôi sinh sản. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm xây chuồng trại cho nên bác để xổng lên rừng mất một con nhím đực. Không nản chí, bác Thông đã đi mượn nhím đực về phối giống thành công. Năm 2007, gia đình bác Thông đã có nhím giống bán ra thị trường và thu về gần 70 triệu đồng. Thành công đã tiếp thêm động lực để bác Thông tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại nuôi nhím sinh sản. Năm 2008, gia đình bác thu được hơn 100 triệu đồng và năm 2009 thu được 170 triệu đồng từ việc bán nhím giống. Bác Thông cho biết: "Gia đình bác nuôi tổng số 47 con nhím, trong đó có 16 con nhím cái thường xuyên sinh sản nhưng vẫn không đủ nhím giống để bán vì không chỉ cung cấp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh mà rất nhiều người ở các tỉnh cũng tìm đến để đặt mua nhím giống của gia đình. Hiện nay giá bán trung bình của một đôi nhím giống trên thị trường thường từ 28 đến 30 triệu đồng. Dự định của bác trong thời gian tới là sẽ mở rộng quy mô chuồng trại nuôi nhím lên 60 đến 70 con và đầu tư nuôi lợn đen, lợn rừng...".
Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hoành Bồ Nguyễn Thắng Thành cho biết: "Hiện nay toàn huyện Hoành Bồ có 918 trang trại, gia trại, trong đó có 94 trang trại có vốn đầu tư từ 100 triệu đồng trở lên và 29 trang trại có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Huyện cũng xây dựng được 52 cánh đồng đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên và mục tiêu của huyện sẽ quyết tâm xây dựng những cánh đồng có giá trị thu nhập đạt từ 70 đến 100 triệu đồng vào năm 2015; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 15,1% năm 2005 xuống còn 4,35% năm 2010".
... đến gà Tiên Yên
Ðược triển khai từ tháng 8-2008 đến nay, Dự án phát triển đàn gà ở huyện Tiên Yên đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát triển đàn gà mang "thương hiệu" gà Tiên Yên, một đặc sản truyền thống đã nổi tiếng từ lâu không chỉ ở địa phương mà còn của tỉnh Quảng Ninh.
Gà Tiên Yên nuôi con khéo, sức đề kháng cao và mắn đẻ. Sau sáu tháng nuôi, gà mái đạt trọng lượng từ 1,5 đến 1,7kg, và gà trống từ 2,2 đến 2,7kg. Nhìn bên ngoài, gà Tiên Yên có những đặc điểm riêng, khác với những giống gà khác. Ðó là chân nhỏ mầu vàng, đầu có lông chùm, hàm gà có "râu", cổ có yếm lông và thân hình tròn, gọn. Gà Tiên Yên có giá bán từ 80 nghìn đến 110 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hồi ở thôn Sán Sế Ðông, xã Ðông Ngũ cho biết: "Ðược sự hỗ trợ của Nhà nước, tháng 4-2009, gia đình đã đầu tư một máy ấp trứng và tính đến nay đã ấp nở thành công và xuất ra thị trường được hơn 200 nghìn con gà giống. Với nhu cầu nuôi gà phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì gia đình không cung cấp đủ gà giống cho các hộ gia đình trên địa bàn và các huyện lân cận. Hằng năm, tổng thu nhập từ bán gà giống và gà thịt đã đem về cho gia đình hàng trăm triệu đồng". Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong vùng Dự án phát triển đàn gà Tiên Yên ở ba xã là Ðông Hải, Ðông Ngũ và Phong Dụ đều nuôi trung bình từ 30 đến 50 con gà, điển hình đã có những hộ nuôi nhiều từ 100 con trở lên.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Vũ Hùng Thắng khẳng định: "Việc triển khai thực hiện dự án phát triển đàn gà Tiên Yên bước đầu đã có hiệu quả, phần lớn các hộ gia đình đã đồng thuận với chủ trương của huyện về chuyển đổi vật nuôi, đầu tư nhân rộng giống gà Tiên Yên và phát triển đàn gà theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện đang xúc tiến làm thủ tục cấp chứng nhận chất lượng gà Tiên Yên".
Ngoài dự án phát triển đàn gà Tiên Yên, huyện Tiên Yên đang tập trung triển khai Dự án trồng cây mướp đắng lai F1 tại xã Tiên Lãng. Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tiên Yên Nguyễn Thị Vững giới thiệu cho chúng tôi mô hình trồng cây mướp đắng lai F1 của gia đình anh Hoàng Quốc Dũng ở thôn Thác Bưởi, xã Tiên Lãng. Trên diện tích 2.000m2 (tương đương 7 sào), đã được anh Dũng đầu tư đổ cột bê-tông làm khung và đan lưới để trồng mướp đắng. Triển khai trồng từ tháng 4 vừa qua, gia đình anh đã thu hoạch được hơn 4 tấn mướp đắng, trừ chi phí còn thu về hơn 30 triệu đồng.
Và lợn rừng Ba Chẽ
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Thái Phong ở thôn Xóm Mới, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ. Ðược biết từ tháng 6-2009, gia đình anh bắt đầu triển khai nuôi lợn rừng. Cùng với 5 con giống mua bên ngoài, anh được hỗ trợ thêm ba con giống từ chương trình phát triển mô hình trang trại của huyện. Sau gần một năm, đến tháng 4-2010, gia đình anh đã xuất chuồng bốn đôi lợn giống và thu về hơn 30 triệu đồng. Anh Phong cho biết: "Nuôi lợn rừng không quá khó, vì lợn ăn các loại thức ăn rất sẵn có như: rau, sắn, củ chuối... kết hợp cho ăn thêm cám dinh dưỡng, chi phí cũng không nhiều. Bản thân giống lợn rừng khỏe, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, người nuôi nên cập nhật các thông tin về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để áp dụng và đề phòng dịch bệnh, có phương án điều trị sớm, tránh để lợn mắc bệnh trong thời gian dài dẫn đến còi cọc hoặc chết, giảm năng suất chăn nuôi". Từ thành công ban đầu của gia đình anh Phong, rất nhiều gia đình khác trong thôn đã đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm để đầu tư và nhân rộng mô hình, giúp nhau thoát nghèo.
Từ các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đang được triển khai rộng khắp ở các huyện miền núi đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ gia đình ở tỉnh Quảng Ninh. Ðời sống của nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số hộ nghèo đã giảm rõ rệt và thay vào đó là số hộ khá, hộ giàu ngày càng nhiều lên. Ðây sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Quảng Ninh nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức 3,5% (theo tiêu chí mới) trong năm 2010 và các năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Nhân dân