Hiệu quả từ nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh

Nguồn quỹ khuyến công địa phương đã và đang góp phần vào việc đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất của các địa phương. Đây là nội dung quan trọng trong mục tiêu hoạt động khuyến công của tỉnh.

Nguồn quỹ khuyến công địa phương đã và đang góp phần vào việc đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất của các địa phương. Đây là nội dung quan trọng trong mục tiêu hoạt động khuyến công của tỉnh. 

Cơ sở móc sợi xuất khẩu của chị Trần Thị Lan, xã Giao Long (Giao Thủy) tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói, các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) hiện nay còn có thêm nghề đan cói ép, móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo tây, bẹ chuối xuất khẩu, thu hút hàng nghìn lao động. Ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thịnh, trước đây người dân chủ yếu làm ruộng, nuôi thủy sản nhưng giờ cũng phát triển thêm nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong thời gian nông nhàn để có thu nhập, nâng cao đời sống. Các nghề này đang được nhân rộng ra các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Nghĩa Minh, Hoàng Nam của huyện. Có được kết quả đó, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã triển khai có hiệu quả các chương trình dạy nghề cho người lao động, với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh. Năm 2010, huyện Nghĩa Hưng được hỗ trợ 440 triệu đồng cho các dự án dạy nghề may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cho hơn 500 lao động tại các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Sơn… Chị Trần Thị Thảo, xóm 9, thôn Liêu Hải (Nghĩa Trung) là học viên được tham gia học nghề móc sợi thủ công xuất khẩu cho biết, sau khi học nghề, chị đã được nhận vào làm việc tại Cty cổ phần cơ khí và thương mại Nam Hà (CCN Nghĩa Sơn), có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ ở Nghĩa Hưng, các dự án khôi phục nghề truyền thống, hỗ trợ kinh phí đào tạo, truyền nghề mới cho lao động từ nguồn quỹ khuyến công của tỉnh đã và đang được triển khai có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh có 66 chương trình, dự án khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 2 tỷ 566 triệu đồng, gồm các ngành nghề như may công nghiệp, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... Trong đó, huyện Hải Hậu được hỗ trợ 360 triệu đồng, Nam Trực 321 triệu đồng, Vụ Bản 200 triệu đồng, thành phố Nam Định 160 triệu đồng… Đến nay, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp được Quỹ khuyến công của tỉnh hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như nghề dệt ở Nam Hồng (Nam Trực), nghề sản xuất tre nứa ghép xuất khẩu ở Yên Tiến (Ý Yên), nghề cơ khí tại Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường)… Một số xã đã phát triển thêm nhiều nghề mới như móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như các xã Hải Nam, Hải Lộc, Hải Toàn (Hải Hậu), Xuân Phú (Xuân Trường); nghề may công nghiệp tại Xuân Trung, Xuân Ninh (Xuân Trường), Hồng Quang (Nam Trực), Trực Chính, Cổ Lễ (Trực Ninh); Hiển Khánh (Vụ Bản); nghề thêu ren tại các xã Hải Anh (Hải Hậu), Nam Hoa (Nam Trực), Cộng Hòa, Tân Khánh (Vụ Bản)… Để bảo đảm tính hiệu quả và lâu dài, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp xây dựng đề án, biên soạn giáo án phù hợp với trình độ học vấn và nhu cầu của nhiều đối tượng người lao động. Đội ngũ tham gia giảng dạy, truyền nghề là những giáo viên có kinh nghiệm, những thợ có tay nghề cao, giúp người lao động làm quen và thực hành trên máy ngay trong thời gian học việc. Đến nay, các lao động được đào tạo từ nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh đều có việc làm, thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, làng nghề. Cùng với việc dạy nghề, nguồn kinh phí từ Quỹ khuyến công của tỉnh còn tập trung tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, điều hành trong sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ HTX, chủ doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Năm 2010, có 13 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí, tư vấn lựa chọn những sản phẩm chất lượng tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc lần thứ III tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh và Hội chợ Triển lãm CN-TTCN khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Hải Phòng.

Năm 2011, với nguồn kinh phí 4 tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt, các dự án khuyến công sẽ tiếp tục tập trung đào tạo các nghề dệt may, da giày, cơ khí, chế biến gỗ…, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy

Đọc thêm