Hiệu quả từ việc thực hiện Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển

(PLVN) - Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính của Bộ đội Biên phòng, việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục biên phòng (TTBP) điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý nhằm đơn giản hóa TTBP thủ công bằng TTBP điện tử, tạo sự thông thoáng trong xuất nhập cảnh (XNC); đồng thời, làm cơ sở để kết nối giữa Cổng thông tin TTBP điện tử với Cổng thông tin điện tử quốc gia.
Cán bộ BPCK cảng TP HCM làm thủ tục cho các đại lý hoạt động trên địa bàn cửa khẩu cảng thành phố (Ảnh: Hồ Phúc)
Cán bộ BPCK cảng TP HCM làm thủ tục cho các đại lý hoạt động trên địa bàn cửa khẩu cảng thành phố (Ảnh: Hồ Phúc)

5 cửa khẩu quốc tế đầu tiên triển khai thủ tục biên phòng điện tử

Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định 2706/QĐ-BQP triển khai Quyết định 15/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện TTBP điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Quyết định 15/2019/QĐ-TTg quy định thực hiện TTBP điện tử đối với người, người điều khiển, người đi trên phương tiện, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền; tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến và rời cửa khẩu cảng; cấp thị thực tại các cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền và cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý.

Quyết định 15/2019/QĐ-TTg  quy định TTBP điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo TTBP điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập internet. Biên phòng cửa khẩu (BPCK) biên giới đất liền thực hiện TTBP điện tử tại Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. 

Cán bộ Đồn BPCK cảng Nha Trang đóng dấu vào thẻ hành khách cho du khách vào bờ
Cán bộ Đồn BPCK cảng Nha Trang đóng dấu vào thẻ hành khách cho du khách vào bờ 

Quyết định15/2019/QĐ-TTg cũng nêu rõ các giai đoạn thực hiện TTBP điện tử. Theo đó, giai đoạn 1 từ ngày 1/6/2019 đến hết năm 2019, triển khai tại các cửa khẩu quốc tế: Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), Cha Lo (tỉnh Quảng Bình), Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Giai đoạn 2 từ năm 2020 và các năm tiếp theo, thực hiện tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền. Hiện Bộ Tư lệnh BĐBP  đang tập trung triển khai thực hiện giai đoạn 1 tại 5 cửa khẩu quốc tế biên giới trên đất liền.

Trước đó, hoạt động biên phòng điện tử - nhập cảnh bằng thị thực điện tử đã được áp dụng thí điểm tại một số cửa khẩu như Cha Lo, Lao Bảo... Theo Nghị định 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/2/2017. Toàn bộ quá trình từ khi nộp hồ sơ đến lúc nhận thị thực đều thông qua phương tiện điện tử. Quy định này thực hiện thí điểm trong vòng 2 năm, áp dụng cho công dân của 40 quốc gia trên thế giới. Từ những cách làm mới trong đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát XNC tại cửa khẩu, thời gian làm thủ tục XNC cho khách qua lại biên giới đã giảm đi đáng kể; đồng thời hạn chế tình trạng ùn tắc phương tiện, hàng hóa tại cửa khẩu, tạo điều kiện cho phương tiện chở hàng hóa ra vào cửa khẩu nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho DN và người dân.

Hiệu quả từ thực hiện Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP TP HCM cho biết, sau khi có Quyết định 10/2016/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về TTBP điện tử cảng biển, BĐBP Tp HCM đã tiến hành cấp tài khoản truy cập cổng thông tin điện tử cho các DN, các đại lý viên và chủ tàu. Đến nay, 100% các DN, đại lý đã tiến hành khai báo TTBP điện tử đối với tàu nước ngoài và tàu Việt Nam XNC. Việc thực hiện TTBP điện tử kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời gian qua đã đi vào ổn định, bảo đảm được tính bảo mật cao, chất lượng bảo đảm. Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bước đầu đã đạt được kết quả theo yêu cầu đặt ra.

Đồn BPCK Cảng Quy Nhơn là 1 trong 7 đơn vị BPCK cảng trên cả nước được Bộ Quốc phòng giao thực hiện thí điểm TTBP điện tử cảng biển từ năm 2011. Việc triển khai thực hiện khai báo TTBP qua hệ thống Biên phòng điện tử cảng biển thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, công ty, đại lý hàng hải, chủ tàu trong việc khai báo, làm thủ tục. Qua đó, thực hiện có hiệu quả chính sách mở cửa hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng, giúp người, phương tiện, hàng hóa, hành khách lưu thông một cách dễ dàng, thuận lợi tại cửa khẩu cảng biển. 

Khai báo thủ tục qua hệ thống Biên phòng điện tử cảng biển vừa bảo đảm được tính bảo mật cao, vừa giúp DN khai báo nhanh chóng, kịp thời và đem lại kết quả tích cực cả về kinh tế lẫn tâm lý đối với DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thu hút thêm khách du lịch đường biển. Bên cạnh đó, việc áp dụng TTBP điện tử cảng biển sẽ giúp lực lượng BĐBP tăng cường năng lực công tác kiểm tra, kiểm soát XNC, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện và hàng hóa tại khu vực cửa khẩu cảng biển. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với người, phương tiện XNC trái phép, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, chủ quyền đất nước, thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng trong tình hình mới.

Đồn BPCK cảng Nha Trang, BĐBP Khánh Hòa có nhiệm vụ quản lý XNC đối với người, phương tiện, hàng hóa lưu thông tại 9 bến cảng, trong đó có 3 cảng cửa khẩu quốc tế: Cam Ranh, Vân Phong và Nha Trang. Những năm qua, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông qua các cảng biển Khánh Hòa ngày càng tăng cao, đa dạng về quốc tịch, hàng hóa. Vì vậy, làm tốt công tác quản lý XNC tại cửa khẩu cảng biển là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa trên địa bàn đồn phụ trách.

Thời gian qua, đơn vị được đầu tư, nâng cấp nhiều loại máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý XNC. Tất cả các dữ liệu về XNC đều được mã hóa an toàn qua hệ thống máy tính. Khi cần thông tin, cán bộ quản lý XNC các cấp có thể truy cập mà không cần các văn bản báo cáo rườm rà như trước đây. Ngoài ra, phát huy hiệu quả hệ thống camera, cán bộ giám sát có thể quan sát toàn bộ hoạt động XNC, hoạt động của các đối tượng trong khu vực cảng đều được giám sát thường xuyên 24/24 giờ. Việc khai báo thông qua hệ thống Biên phòng điện tử cảng biển đã giảm đáng kể thời gian neo đậu, tiết kiệm chi phí đi lại; đẩy nhanh tiến độ xếp, dỡ hàng hóa, tạo sự thông thoáng, hấp dẫn đối với khách du lịch và các thương gia trên thế giới khi tới làm ăn tại Khánh Hòa. 

Nhờ thực hiện khai báo TTBP qua hệ thống Biên phòng điện tử nên thủ tục nhập cảnh đơn giản hơn nhiều, rút ngắn thời gian khai báo, giúp tàu nhập cảnh, làm thủ tục nhập cảnh hoặc khách đi bờ nhanh chóng, thuận tiện. thời gian từ lúc thực hiện tàu cập cảng cho tới lúc hoàn thành thủ tục đã được rút ngắn từ 2 giờ xuống còn 20-30 phút./.

Đọc thêm