Hiệu ứng “nét” như SONY

Hai năm trước, khi Sony Việt Nam tuyên bố ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, nhiều người đã cảnh báo về làn sóng hàng loạt dự án FDI sản xuất, lắp ráp các mặt hàng tiêu dùng sẽ đóng cửa trong thời gian tới. Thay vào đó, các DN này sẽ "bành trướng" sang lĩnh vực bán lẻ và chiếm lĩnh thị trường nhờ vào thương hiệu và kinh nghiệm tổ chức hệ thống phân phối.

Hai năm trước, khi Sony Việt Nam tuyên bố ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, nhiều người đã cảnh báo về làn sóng hàng loạt dự án FDI sản xuất, lắp ráp các mặt hàng tiêu dùng sẽ đóng cửa trong thời gian tới. Thay vào đó, các DN này sẽ "bành trướng" sang lĩnh vực bán lẻ và chiếm lĩnh thị trường nhờ vào thương hiệu và kinh nghiệm tổ chức hệ thống phân phối.

“Hiệu ứng Sony” ngày càng hiện hữu rõ ràng. Các dự án FDI trình Bộ Công Thương để xin đầu tư vào mua bán hàng hóa đang ngày một tăng. Chỉ tính riêng năm 2010 đã có tới 525 hồ sơ như vậy. Trong số đó, có khoảng 235 dự án đáp ứng được các quy định pháp luật có liên quan, gồm 175 dự án xin bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa và 60 dự án được cấp phép lần đầu. Trong số này có nhiều dự án của các công ty đã có mặt tại Việt Nam từ trước khi gia nhập WTO, đến nay mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc thành lập cơ sở bán lẻ mới.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, một người giàu thâm niên về quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bình luận rằng, không ngạc nhiên về “hiệu ứng SONY”, vì thời điểm cấp phép DN chỉ xin hoạt động sản xuất trong 10 năm. Cho dù sau đó SONY có xin gia hạn thêm, thì DN coi như cũng đã công bố một cách rõ ràng về lộ trình đầu tư. “Nhiều DN khác, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, lại không làm như vậy. Trong các phát biểu chính thức, họ vẫn cam kết ”đồng hành cùng nền công nghiệp ôtô Việt Nam”, nhưng trên thực tế, các DN này đều đã thành lập công ty con để nhập khẩu và phân phối”.

Đáng kể là tỷ trọng sản xuất lắp ráp ngày càng nhỏ đi nhường chỗ cho tỷ trọng nhập khẩu và phân phối bởi việc đó đã và đang trở nên có lợi hơn. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng nhận định, “Chúng ta đang đứng trước áp lực hội nhập sâu WTO, thuế suất các nước ASEAN cũng đang dần về 0% cho nên nhiều nhà đầu tư chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu, đó là một xu hướng”.

Theo nhiều chuyên gia, những năm qua chúng ta đã dành nhiều ưu ái cho các DN FDI với hy vọng họ sẽ đưa công nghệ vào song hành cùng chúng ta xây dựng những ngành công nghiệp mũi nhọn. Nhưng giờ đây, mục tiêu đó đã không đạt được. Thế nhưng, có thể thấy, các DN FDI đã hoàn thành sứ mệnh với công ty mẹ trong việc tạo cho NTD Việt Nam thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm của họ, đồng thời tổ chức được hệ thống phân phối “sâu rễ bền gốc”.

Trong tương lai, chúng ta sẽ còn tiếp nhận những dự án FDI mới. Câu chuyện về “hiệu ứng SONY” có thể là bài học đáng giá để chúng ta hoạch định chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.

Tuấn An

Đọc thêm