Ngày 24-1, cảnh sát Tuy-ni-di đã dùng súng bắn hơi cay vào nhóm biểu tình chống chính phủ sau khi những phần tử quá khích ném đá vào Văn phòng Thủ tướng Tuy-ni-di. Cuộc chính biến ở nước này được gọi là cuộc “cách mạng hoa nhài” chống chính phủ đã bước sang ngày thứ 10, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Tuy-ni-di và khiến chính phủ các nước A-rập lo lắng khi dấu hiệu những cuộc biểu tình chống chính phủ đang manh nha ở các nước này.
Làn sóng biểu tình đòi chính phủ lâm thời Tuy-ni-di từ chức tiếp tục gia tăng bất chấp lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ nhiều ngày qua. Nhiều người biểu tình đến từ những vùng nông thôn nghèo khó của Tuy-ni-di, nơi khởi xướng các cuộc biểu tình phản đối tình trạng giá cả hàng hóa đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hôm 15-1 vừa qua. Biểu tình đã biến thành cuộc lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Ben A-li (Ben Ali), buộc gia đình ông phải chạy ra nước ngoài lánh nạn. Theo Roi-tơ, những người biểu tình vi phạm lệnh cấm các cuộc tụ tập ban đêm, tập hợp cả ngày lẫn đêm trước Văn phòng Thủ tướng và tuyên bố chỉ rời khỏi nơi này khi toàn bộ chính phủ lâm thời từ chức. Trong nỗ lực nhằm trấn an làn sóng biểu tình trong nước, Thủ tướng chính phủ lâm thời Tuy-ni-di M.Gan-nu-si (Mohammed Ghannouchi) đã cam kết không tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào sau thời kỳ quá độ.
|
Người biểu tình bao vây Văn phòng Thủ tướng Tuy-ni-di.
Ảnh: Roi-tơ
|
Theo nhận định của tờ Giải phóng (Pháp), cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tuy-ni-di đang có nguy cơ lan sang các nước A-rập khác. Phản ứng đầu tiên rõ nét nhất là tại Gioóc-đa-ni khi có hơn 8000 người biểu tình tại nhiều thành phố để chống lại việc giá cả tăng cao. Họ hô các khẩu hiệu như “Chào đón cách mạng của người Tuy-ni-di”; “2011-Năm thế giới A-rập thay đổi”… Chính phủ Gioóc-đa-ni phải tuyên bố sẽ dành số tiền tương đương 150 triệu ơ-rô để thực hiện các biện pháp nhằm kéo giá cả xuống và tạo thêm việc làm. Còn tại Xy-ri, chính phủ đã quyết định hỗ trợ chi phí sưởi ấm cho hai triệu gia đình. Tại Y-ê-men, Tổng thống Xa-lê (Saleh) đã ra lệnh cắt giảm thuế thu nhập xuống một nửa và chỉ đạo chính phủ kiểm soát giá cả. Ông cũng ra lệnh triển khai một lượng lớn cảnh sát chống bạo động, binh sĩ ở những khu vực quan trọng trong thành phố và những khu vực lân cận nhằm ngăn chặn bạo loạn có nguy cơ bùng phát. Đặc biệt, tại Ai Cập, Ủy ban Quốc phòng cấp cao đã phải yêu cầu các bộ trưởng ngừng đưa ra những tuyên bố về cuộc khủng hoảng ở Tuy-ni-di.
Quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ cuộc “cách mạng hoa nhài” là An-giê-ri khi có tới hàng chục nghìn người tham gia biểu tình phản đối giá lương thực tăng cao. Xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và những người tham gia biểu tình tại thủ đô An-giê, khiến nhiều người bị thương.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, một kịch bản tương tự như Tuy-ni-di khó có thể xảy ra ở các nước A-rập. Cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tuy-ni-di có sự tham gia của tầng lớp trung lưu, trong khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại các nước A-rập, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, đang sống sung túc nhờ nguồn tiền thu được từ khai thác dầu khí của chính phủ.