[links()]
“Con không buồn nữa. Con rất tự hào.” - Đó là những câu ngắn gọn mà Duy Minh nói với tôi. Ngắn, nhưng ý nghĩa. Chuyện buồn của quá khứ đã trở thành kí ức đẹp đẽ. Người còn sống thôi không buồn nữa, họ tự hào và tiếp tục đi về phía trước.
Anh hy sinh, nhưng chưa từng chết
Điều này hẳn ai cũng hiểu. Anh Dũng không chết, không chỉ vì người thân vẫn nhớ đến anh, chòm xóm vẫn chưa quên lãng anh, và Duy Minh vẫn mang từng đường nét của anh trên gương mặt, trong tính cách. Anh Dũng sống mãi vì anh đã trở thành một trong những câu chuyện bất tử về những người liệt sỹ ở đất nước chúng ta.
Công an quận 11, đồng đội cũ của anh rất niềm nở. Họ cho ngay địa chỉ, số điện thoại gia đình anh không ngần ngại. Khi tôi đến Hưng Long, tất cả hai bên nội ngoại của Duy Minh hầu như đã biết, vì phía Công an quận 11 đã có gọi điện đến thông báo trước. Anh Dũng ra đi đã 5 năm trời, nhưng đồng đội cũ vẫn chưa một ngày nào quên anh.
Duy Minh nói, các bác đơn vị cha vẫn thường đến thăm, không chỉ dịp lễ Tết mà còn những lúc nào rỗi rãi, để hỏi han tình hình học tập, động viên tinh thần cháu. Hai cháu trai con anh và chị của anh Dũng cũng đi theo con đường của anh, đang theo học ngành công an và là niềm tự hào của gia đình.
Sau ngày anh Dũng mất, đại diện một trường trung học dân lập có tiếng ở TPHCM đã liên hệ với đơn vị của anh Dũng, muốn được tài trợ cho cháu Duy Minh theo học bán trú hoặc nội trú tại trường, HĐQT nhà trường sẽ tài trợ cho Duy Minh cho đến khi học đại học (năm ấy cháu Duy Minh mới lên lớp 6); còn Phòng Giáp dục huyện vẫn thường tài trợ sách vở cho Duy Minh mỗi năm học.
Anh Dũng và vợ đã ra đi, nhưng chưa một ngày bị quên lãng. Tấm tình, sự khâm phục của nhân dân và nhà nước dành cho anh được hiển hiện qua sự quan tâm ấm áp, chân tình đối với gia đình mà nhất là con trai anh.
Lớn lên trong tình yêu thương
Duy Minh đang lớn, bắt đầu vỡ tiếng và cao vổng, trắng trẻo, đẹp trai hơn cả bố. Minh ít nói, chỉ hay cười cười. Chị Thảo kể: “Bây giờ nhìn cháu vậy, chị nhẹ nhõm nhiều rồi chứ hồi ba mẹ nó mới mất, nó mười tuổi đầu, không khóc nhiều nhưng cứ ngơ ngơ. Mấy năm trời không giao tiếp gì với ai một cách bình thường, chị lo quá, không hiểu cháu đang nghĩ gì.
Một thời gian cháu học sa sút, giảng bài cứ nghĩ đi đâu, bài vở quên lên quên xuống. Có lần chị giận quá, mắng cháu nặng lời: Con có biết con như vậy cha mẹ buồn không? Con có biết cha mẹ con đâu không?”. Nó chỉ lẳng lặng nói: Cha con chết rồi, mẹ con cũng chết rồi. Vậy là hai dì cháu ôm nhau khóc”.
Rồi những ngày tháng hai dì cháu sống với nhau được tái hiện: “Hồi đầu cứ lo cháu bị trầm cảm. Mấy năm trước trường dân lập nọ muốn tài trợ cho cháu học nhưng tôi nghĩ mãi, quyết định từ chối, phải kí giấy cam kết với bên công an là phải nuôi nấng cháu đàng hoàng.
Vì tôi nghĩ, cháu vừa mới mồ côi, phải để cháu gần gũi, sống trong tình yêu thương của gia đình thì cháu mới khỏi tủi. Hồi đó cháu cứ im im, chẳng thèm để ý nhìn ngó đến ai, tôi khổ sở lắm. Bây giờ thì biết quan tâm, hỏi han, biết thể hiện tình cảm rồi. Đi đâu về, cháu hỏi một tiếng, Bảy tắm chưa, Bảy mệt không, Bảy đi về sớm nhen… là mát trong lòng…”.
May mắn là nhà nội ngoại gần nhau, gia đình anh Dũng có 9 người con, còn gia đình chị Luận cũng 7 anh chị em, nên Duy Minh chưa bao giờ sống thiếu sự bao bọc, yêu thương. Ông bà ngoại thương cháu, vẫn lên nhà chị Thảo ở thường.
Tôi ngồi nhà chị Thảo một buổi chiều, thế mà lúc thì cậu Hai chạy ngang đưa ít bánh, dì Út sang chơi cho quà, bác Tư nhờ người gửi nhãn vườn lên cho…
Bữa ăn nhà nào có gì ngon, đều điện thoại bảo Duy Minh lên ăn, ai cũng thương đứa cháu bé bỏng, sớm côi cút. “Lúc cha mẹ cháu mới phát bệnh, rồi mất, nhiều người không hiểu, cũng kì thị cháu. Có phụ huynh đòi chuyển lớp cho con. Nhiều bạn bè xa lánh, cháu buồn lắm nhưng dần rồi cũng qua hết. Vừa rồi, tôi hết sức bất ngờ khi được biết, cháu phụ trách nhóm thực hiện chuyên đề tìm hiểu HIV nhân ngày phòng chống AIDS. Cháu lên mạng, sưu tập tài liệu, rồi viết, vẽ... say mê lắm”, chị Thảo hồ hởi.
Duy Minh bây giờ học giỏi, đặc biệt là các môn tự nhiên và... giáo dục công dân, buổi tối theo học Anh văn. Cháu cũng vui chơi với bạn bè, biết sử dụng Internet thành thạo và còn biết... viết blog. “Con nhớ ba mẹ. Nhưng không buồn nữa. Con chỉ thấy tự hào”, Duy Minh nói thế. Khi được hỏi, Duy Minh biết gì về cha mình, cháu nói biết nhiều lắm.
Những ngày đau thương nhất, anh Dũng đã tránh cho Duy Minh phải chứng kiến. Kí ức thơ trẻ của cháu cũng không lưu giữ nhiều đau thương, chỉ có ấm áp những ngày bên cha mẹ. Gia đình không kể hay nhắc lại nhưng Duy Minh tự tìm hiểu và biết nhiều điều về cha. Những điều Hiểu Minh biết đủ để trở thành niềm tin yêu và động lực sống cho cháu suốt cuộc đời.
Anh Dũng đã mất, nhưng gia tài mà anh để lại cho Duy Minh là vô giá. Con đường của cháu phía trước rất đẹp và tươi sáng...
Ngọc Mai