Kì 1:
Sự phức tạp trong đời tư và mâu thuẫn trong hành vi của Hitler cho thấy một tâm hồn tăm tối và ảm đạm. Đó là nhận định thách thức nhiều chuyên gia và nhà phân tích trên toàn thế giới.
Năm 1943, Maj.Gen.William J.Donovan - vị Giám đốc đầy quyền lực của Cơ quan Tình báo Mỹ trong Thế chiến II (OSS) - đã chỉ thị cho bác sĩ tâm thần học Walter C. Langer thực hiện một cuộc khảo sát và phỏng vấn để tìm ra bức chân dung chân thật nhất về người đứng đầu Đức quốc xã. Ông cũng yêu cầu nhà phân tích tâm lý tên là Henry A.Murray thực hiện công việc tương tự. Hai cuộc nghiên cứu đã đưa ra kết luận tương tự nhau.
Vết thương không thể chữa lành
Mẹ của Adolf Hitler, bà Klara, là một người phụ nữ xinh đẹp và ngọt ngào, đã dồn hết tâm huyết chăm sóc cậu bé “Adi thân yêu”. Bà che chở cho Adolf khỏi những trận đòn, trận quát tháo của người cha và cả những cuộc đối đầu giữa hai cha con. Hitler thừa hưởng từ bà đôi mắt xanh nhạt với ánh nhìn có sức hấp dẫn đến lạ kỳ.
Theo Walter Langer, đứa trẻ Adolf đã nhiều lần chứng kiến cảnh ông bố cưỡng đoạt mẹ mình, những hình ảnh đó đã gây ra cho Hitler tổn thương không thể chữa lành. Cha của Hitler, Alois Hitler, một nhân viên hải quan thường trở về nhà rất muộn trong tình trạng say xỉn, đã dùng bạo lực, thậm chí cả roi bắt người vợ trẻ thoả mãn cơn khát tình dục. Trong suốt cuộc đời mình, Hitler bị thu hút bởi roi da và từ khi trở thành Thủ tướng nước Đức, chiếc roi da không bao giờ rời hắn.
Theo nhiều bác sĩ tâm thần và các chuyên gia, những người nghiên cứu về Hitler, những tổn thương tinh thần thời thơ ấu đã khiến Hitler khát khao vươn đến một hình mẫu thượng đẳng để đạt được sự cân bằng tâm lý. Hắn ngưỡng mộ những kẻ bạo chúa như Napoleon hay Alexander Đại đế. Hắn căm thù và chối bỏ người cha sâu sắc đến mức hắn không bao giờ thích gọi nước Đức là vaterland (fatherland - quê cha) mà gọi là mutterland (motherland - quê mẹ).
|
Klara Hitler, mẹ của Adolf Hitler |
Bài ca cho người thương
Câu chuyện thật khó tin nhưng có thật, August Kubizek, người bạn thân thiết của Hitler từ khi còn ở Linz (Áo) và ở Vienna, sau này trở thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng của Đức, kể lại rằng, trong nhiều năm sống ở Linz, Hitler điên đảo vì một cô gái trẻ xinh đẹp có tên Stephanie Rabatsch.
Hắn từng gửi cho cô gái này một bức thư tình không đề tên vào năm 1908 trước khi đến Vienna. Trong thư, hắn muốn cô gái chờ đợi hắn tốt nghiệp Trường Mỹ thuật trở về và hắn sẽ lấy cô làm vợ. Hắn chưa bao giờ dám đến gần cô và luôn thấy thoả mãn mỗi khi nhận được cái liếc mắt nhanh từ cô. Thậm chí hắn đã viết tặng cô một bài thơ với tựa đề “Bài ca cho người thương”.
Không lâu sau đó, Stephanie đính hôn với một sĩ quan chỉ huy quân đội ở Linz. Sau chiến tranh, Stephanie xác nhận có nhận được một bức thư tình vô danh vào những năm 1900 và chưa bao giờ biết danh tính của người viết. Để bao biện sự thất bại của mình với Stephanie, hắn thường nói với Kubizek rằng hắn không ở một vị trí thuận lợi để chinh phục người đẹp: hắn quá nghèo.
Năm 1908, Hitler 19 tuổi và lúc đó hắn chỉ là một gã thanh niên nhút nhát, non nớt và chưa trải đời. Hắn đã không dám lộ diện với Stephanie. Sâu thẳm trong tim hắn, hắn không tin vào bản thân: hắn là một kẻ thất bại nhưng bản tính khoe khoang và thích độc thoại khiến cho hắn có vẻ đáng sợ và tin cậy.
Còn tiếp...
Vân Anh (Sưu tầm)