Trong hai ngày 13-14/11, Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 (HNCC APEC 18) với chủ đề “Đổi mới và hành động” diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.
|
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự Hội nghị Cấp cao APEC 18. Ảnh: TTXVN |
HNCC APEC 18 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, tuy không đồng đều và đang có xu hướng chậm lại, đồng thời vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thế giới và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế tiếp tục chuyển biến theo hướng đa cực hơn.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo APEC mong muốn thúc đẩy liên kết kinh tế chặt chẽ hơn. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết cùng hành động để tiến tới thành lập Khu vực Mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương, cơ chế thúc đẩy thương mại và tăng trưởng. Hội nghị bao gồm hai phiên họp kín với hai chủ đề: “Duy trì tăng trưởng và thịnh vượng khu vực” và “Các mục tiêu Bogor và tương lai APEC”.
Hôm qua, phát biểu tại phiên họp kín thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị APEC cần đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên thông qua tăng cường liên kết kinh tế-thương mại-đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách cơ cấu, gắn kết Chiến lược tăng trưởng mới với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và các chương trình hợp tác của các thành viên ở cấp độ tiểu vùng và khu vực.
Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cùng các nhà Lãnh đạo APEC tham dự phiên đối thoại chung với đại diện Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC).
Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng, năng động và hài hòa, APEC đã triển khai hàng nghìn sáng kiến dưới dạng hỗ trợ xây dựng năng lực tập trung vào các lĩnh vực tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, an ninh con người và bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
Các nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, 57% thương mại toàn cầu, 9 thành viên APEC thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20). Hàng năm, APEC dành hàng triệu USD cho các hoạt động nâng cao năng lực.
Phúc Lợi