"Hớ hênh" với tên miền quốc tế, "mất bò, mất luôn đất làm chuồng"

Muốn đưa thương hiệu hội nhập với thị trường thế giới, có không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã "hớ hênh" để mất tên miền quốc tế của mình. Thực tế con đường để lấy lại tên miền quốc tế không đơn giản như ta vẫn tưởng.

Muốn đưa thương hiệu hội nhập với thị trường thế giới, có không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã "hớ hênh" để mất tên miền quốc tế của mình. Thực tế con đường để lấy lại tên miền quốc tế không đơn giản như ta vẫn tưởng.

Câu chuyện Trung Nguyên mất tên miền thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ khiến rất nhiều nhiều người “phủi tay” coi vấn đề đó không còn lạ. Bởi đó là “chuyện thường ở huyện” đối với các doanh nghiệp Việt Nam và không phải chuyện xưa nay hiếm.

Đặc biệt, khi đại diện của Trung Nguyên đăng đàn trả lời trên một tạp chí cho rằng, Trung Nguyên không thể mua cả dãy phố để bảo vệ nhà mình. Theo lập luận của vị đại diện này, với thương hiệu cà phê chồn Legendee của Trung Nguyên, họ đã có trang web legendee.com, không nhất thiết phải có thêm trang web legendeecoffee.com (đang được sở hữu bởi một người Mỹ gốc Việt, ông Alexander Nguyen) nữa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sẽ gặp khó khăn lớn khi xuất khẩu

Thực tế, mất tên miền một thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu doanh nghiệp có là chuyện nhỏ như một số doanh nghiệp đang có tư duy này không?

Một nhân vật có tên tuổi trong giới đầu cơ tên miền, hiện đã tuyên bố đang sở hữu 500 tên miền của các thương hiệu nổi tiếng, ông Nguyễn Trọng Khoa, được cho là “thủ phạm” đầu tiên trong vụ mua bán này. Nguyễn Trọng Khoa nói: “Tôi đã bán tên miền legendeecoffee.com cho ông Alexander Nguyen, một người bạn Mỹ gốc Việt quen trên mạng làm trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ và hiểu giá trị của tên miền và bản quyền”. Giá trị hợp đồng mua bán này được ông Khoa từ chối tiết lộ song cũng cho biết, nếu Trung Nguyên muốn mua lại từ ông Alexander thì phải trả giá không thấp.

Legendee Coffee là thương hiệu cà phê chồn của Trung Nguyên đã được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua. Theo thông tin từ giới làm quảng cáo, Trung Nguyên cũng đã chi ít nhất 100 tỉ đồng để quảng bá cho sản phẩm này tại các vị trí đắc địa như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao… Trong lịch sử phát triển của mình, Trung Nguyên cũng từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới). Sau hai năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ.

Như vậy, với tên miền legendeecoffee.com, Trung Nguyên có ý định bỏ tiền ra để mua lại không? Theo phản hồi từ phía đại diện truyền thông của Trung Nguyên, họ chưa có ý định mua lại tên miền này ngoài tên miền legendee.com mà công ty đang sở hữu. Có lẽ Trung Nguyên sẽ chọn con đường đi bằng luật pháp để khẳng định thương hiệu sản phẩm này trên thị trường quốc tế.

Đại diện truyền thông Trung Nguyên nói: “Trong trường hợp này chúng tôi hoàn toàn có thể gửi đơn kiện sang Mỹ và có khả năng thắng… Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng để bảo vệ quyền lợi của mình nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Legendee tại Mỹ và trên thị trường quốc tế”.  Như vậy, Trung Nguyên xác định vẫn đăng ký bảo hộ tại Mỹ và sẽ kiện nếu bị… quấy rối.

Chưa biết kết quả thế nào bởi mọi sự vụ vẫn đang trong thời gian được chờ xem xét từ phía tổ chức đăng ký sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Hiện tại, trên trang chủ của Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), bản quyền (Trademark) thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng kí tại Mỹ với chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen. Còn trang legendeecoffee.com ghi rõ: “Bản quyền thương hiệu Cà phê Legendee (Legendee Coffee) và tất cả các thiết kế, văn bản, đồ họa, hình ảnh xuất hiện trên website www.legendeecoffee.com là tài sản thuộc sở hữu của ông Alexander Nguyen đã được đăng ký và bảo vệ bởi luật bản quyền Hoa Kỳ”. Được biết, chi phí để đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ có giá khoảng 165 USD.

Riêng về thương hiệu Trung Nguyên trên USPTO ghi rõ: là thương hiệu của Trung Nguyên Việt Nam gồm các sản phẩm Trung Nguyen Coffee, G7 Coffee nhưng chưa thấy thương hiệu Legendee Coffee. Liệu Trung Nguyên có nguy bị chặn đường xuất khẩu cà phê thương hiệu legendee sang Mỹ không?

Cậu trả lời chung qua tham khảo của chuyên gia về marketing online là: Chưa bị chặn nhưng sẽ gặp khó khăn nếu mọi việc không được minh bạch rõ ràng sớm. Trung Nguyên mua Legendee.com từ tháng 12/2011, nhưng hàng loạt tên miền có thể gây nhầm lẫn thương hiệu liên quan đến Legendee lại không được quan tâm. Đó là điều khiến nhiều người trong giới làm thương hiệu thắc mắc và thậm chí  nghi ngờ tư duy dài hạn của bộ phận phát triển thương hiệu của công ty này.

“Có thể ông chủ Trung Nguyên là Đặng Lê Nguyên Vũ chưa có người tư vấn chặt chẽ trong vấn đề này”, một chuyên gia về thương hiệu cho biết. Và nếu muốn tham gia vào thị trường quốc tế, thương hiệu này phải được đăng ký bằng tiếng Anh nhưng hiện tại thì chưa, chuyên gia này nói thêm. Nếu vào trang Legendeecoffee.com, người xem lại thấy đang quảng bá cho cà phê Starbucks, một thương hiệu café nổi tiếng của Mỹ sắp vào Việt Nam.

Tham vọng vươn ra thị trường thế giới của ông chủ cà phê Trung Nguyên đã có từ lâu và hầu như ai trong giới kinh doanh cũng biết, thế nhưng, để cho những sơ suất không đáng có này xảy ra, quả là điều khó hiểu.

Nên “mua luôn cả dãy phố”

Thực tế, tại Việt Nam, Trung Nguyên chưa phải là doanh nghiệp duy nhất để mất tên miền quốc tế. Mới đầu năm nay, Công ty An ninh mạng Bkav đã phải móc hầu bao số tiền 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền quốc tế “Bkav.com” từ một công ty của Mỹ, đã đăng ký từ năm 2001. Khi chưa có ai đăng ký, Bkav chỉ cần chi 10 USD để đăng ký tên miền bkav.com trước đó. Theo giải thích của ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Bkav, cách đây hơn 10 năm, Bkav không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu, nên chỉ mua tên miền trong nước là “Bkav.com.vn”. Được biết, ban lãnh đạo của Bkav phải mất hai năm để thương thảo thành công vụ mua bán này và phía bán đã không bớt một đồng so với giá được đưa ra ban đầu.

Hiện tại, các đại gia trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam cũng mất không ít tên miền quốc tế như: Viettel.com, Viettel.org, Viettel.net, fpt.com… đều thuộc sở hữu của một người ở Mỹ từ năm 1997. Và cuối năm 2011 vừa qua, chủ sở hữu tên miền Viettel.com đã từng rao bán tên miền này với giá 1,5 triệu USD. Còn tên miền VNPT.net, VNPT.com, Mobifone.com… được sở hữu tại Hàn Quốc.

Các ông lớn này có muốn mua lại tên miền quốc tế cho thương hiệu mình không? Hầu hết đều mong muốn điều đó bởi doanh nghiệp hiện nay đã biết được tầm quan trọng của nó trong bối cảnh hội nhập. Các đại gia viễn thông đã từng đề cập thỏa thuận mua lại một số tên miền do người Mỹ sở hữu nhưng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, dự định đó vẫn bất thành. Giá cả cao là lẽ đương nhiên nhưng chỉ một phần, một số người sở hữu tên miền đẹp lại tìm cách “ép” người mua bằng cách bỏ hàng loạt sản phẩm cấm hoặc sản phẩm thương hiệu của đối thủ lên trên tên miền đó. Không ít trường hợp, để bảo vệ uy tín thương hiệu, nhiều ông lớn chấp nhận nhắm mắt mua lại bằng mọi giá.

Ở Mỹ, chính hãng máy tính nổi tiếng Apple đã tùng bỏ ra 4,5 triệu USD để mua lại tên miền thương hiệu “icloud.com”, Facebook tốn 8,5 triệu USD để mua lại tên miền “Fb.com”. Cũng có nhiều thương hiệu lơn như ngân hàng HSBC, trang bán hàng qua mạng nổi tiếng Ebay… khi gia nhập vào thị trường Việt Nam, đều chi khoản tiền không nhỏ để mua lại các tên miền có đuôi “.vn”. Mục đích là bảo vệ uy tín và thương hiệu toàn cầu của mình tại bất cứ thị trường nào.

Nhiều doanh nghiệp khi bắt đầu phát triển kinh doanh trước đây cũng có chung tư duy như Bkav. Chỉ khi kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt sau hội nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, các thương hiệu mạnh của Việt Nam mới có hướng vươn ra thế giới. Và tình trạng khó khăn để lấy lại tên miền cũng chính là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp Việt trên con đường hội nhập.

Việc chưa coi trọng đăng ký sở hữu tên miền quốc tế của doanh nghiệp Việt sẽ để lại không ít hệ lụy cho sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp sau này. Đó là cảnh báo của chuyên gia kinh tế và của nhiều hãng luật quốc tế có văn phòng tại Việt Nam.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Toản, Văn phòng Luật sư Tư vấn quốc tế về Sở hữu Trí tuệ, Quận Tân Phú, TP.HCM, chi phí dành cho đăng ký, duy trì tên miền trong nước lẫn quốc tế không phải là một con số quá lớn so với việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thương lượng mua lại tên miền thuộc chủ sở hữu khác hoặc việc tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan để lấy lại tên miền để bảo vệ thương hiệu. Khi đăng ký sở hữu tên miền quốc gia, doanh nghiệp Việt cần có thói quen đăng ký luôn các tên miền quốc tế như: .net, .info, .org, .com… nhằm tránh bị tranh chấp hay bị “ép” sau này.

Như vậy, so với quan điểm của đại diện Trung Nguyên đưa ra, khi mua nhà, không thể mua luôn cả dãy phố để bảo vệ ngôi nhà của mình. Với chuyên gia về luật sỡ hữu trí tuệ thì việc “mua luôn cả dãy phố” với chi phí rất thấp là cần thiết khi doanh nghiệp tiến hành đăng ký sở hữu tên miền quốc gia.

Lạc Sơn

Đọc thêm