Bí ẩn Hội Tam hoàng - Sự hình thành của tổ chức tội phạm hàng đầu thế giới

(PLVN) -  Hội Tam hoàng đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn là một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất, phức tạp nhất trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng Hội Tam hoàng ngườiTrung Quốc đã khiến băng nhóm mafia khét tiếng Sicilian chỉ giống như những tên nghiệp dư trong thế giới tội phạm.


Bí ẩn Hội Tam hoàng - Sự hình thành của tổ chức tội phạm hàng đầu thế giới

Lịch sử Hội Tam hoàng

Là chủ đề của hàng ngàn bộ phim, Hội Tam hoàng không chỉ khiến người khác tò mò mà còn là nỗi khiếp sợ của người dân và cả lực lượng thực thi pháp luật trên khắp thế giới. Tổ chức tội phạm bao gồm nhiều hội kín này gây chú ý trước hết bởi tính bí mật và sau đó là rất nhiều các hoạt động phi pháp từ Đông sang Tây.

Hội kín đầu tiên được hình thành ở Trung Quốc được ghi nhận vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, là nhóm tự xưng là Lông mày Đỏ. Sở dĩ nhóm này tự nhận như vậy vì họ thường xuyên kẻ chì đỏ lên lông mày vì tin rằng “những con quỷ có mí mắt màu đỏ”, đồng thời cũng để đối thủ sợ hãi về vẻ bề ngoài của họ hơn.

Trước sự hoành hành của  nhóm này, triều đình nhà Hán đã tìm mọi cách để tiêu diệt các thành viên của tổ chức Lông mày Đỏ, bao gồm việc cho binh lính kẻ lông mày đỏ để trà trộn vào hàng ngũ những thành viên của nhóm này, hòng gây chia rẽ và tiêu diệt nhóm.

Tuy nhiên, hầu hết các băng nhóm thuộc Hội Tam hoàng hiện nay được hình thành vào thế kỷ thứ 18 hoặc 19, dưới triều đại cuối cùng của Trung Quốc là triều nhà Thanh (tồn tại từ năm 1644 đến 1911). Những người Mãn Châu (phía Bắc Trung Quốc) lợi dụng lúc triều đình nhà Minh mục nát, suy yếu nên đã kéo quân trấn áp và lập nên triều đại nhà Thanh.

Dưới thời hoàng đế thứ 2 của triều Thanh là Khang Hy, những hội kín và các tổ chức tôn giáo như đạo Phật và Đạo giáo bị xếp vào những nhóm ngoài vòng pháp luật và những cơ sở của các tổ chức này liên tục bị trấn áp, đóng cửa. Tuy nhiên, cuộc trấn áp của hoàng đế nhà Thanh khiến các hội kín ở Trung Quốc đi vào hoạt động ngầm.

Một trong những hội như vậy là Hồng Môn hội - thường được gọi là Thiên Địa hội để tránh bị cấm ở Trung Quốc. Thành viên của Hội Tam hoàng nói rằng tổ chức này được hình thành vào thế kỷ thứ 17, sau sự kiện triều đình Mãn Thanh đốt chùa Thiếu Lâm ở phía Nam Trung Quốc.

Sau sự kiện này, 5 người sống sót đã thành lập Hội Tam hoàng, với tên ban đầu là Thiên Địa hội. Hội này gắn với màu đỏ và cái tên “Hồng” vì đây là một phần niên hiệu Hồng Vũ khi triều đại nhà Minh được thành lập và đó cũng là tên của một trong những người sáng lập Hội (Phương Đại Hồng). Thậm chí có người nói rằng một trong 5 người sáng lập Hội Tam hoàng là Chí Thiện Thiền sư - bậc thầy của 5 vị trưởng lão của môn phái kungfu phía Nam Trung Quốc.

Hội này tuyên bố được hình thành và tồn tại nhằm cải cách đạo đức, thi hành niềm tin tôn giáo và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Tổ chức này có khẩu hiệu là “phản Thanh phục Minh”, đó cũng là phương châm hoạt đông của hội . Dù triều Thanh đã sát hại hàng ngàn thành viên của tổ chức này nhưng Thiên Địa hội hay Hội Tam hoàng vẫn tồn tại đến ngày nay.

Nghi lễ nhập hội

Với bản chất bí mật của mình, những thành viên khi tham gia Hội Tam hoàng phải trải qua một nghi lễ nhập hội mang tính chất đặc trưng. Nghi lễ này diễn ra trước bàn thờ nghi ngút khói hương. Người nhập hội sẽ phải cúng một vật nuôi trong nhà, có thể là gà hay dê. Sau khi uống rượu có pha với máu, người muốn nhập hội sẽ phải bước qua một thanh gươm, vừa bước qua vừa đọc lời thề của hội.

Lời thề này gồm 36 điều khoản, như sau khi nhập hội, thành viên phải đối xử với cha mẹ, họ hàng của người cùng hội như cha mẹ, họ hàng của mình; khi thành viên của hội gặp khó khăn phải ngay lập tức giúp đỡ... “Nếu tôi, với tư cách một thành viên tương lai của tổ chức này vi phạm lời thề, những thanh gươm sẽ giáng xuống và giết chết tôi” - lời thề nêu rõ.

Tờ giấy ghi những lời thề sau đó sẽ được đốt cháy trước bàn thờ để xác nhận những nghĩa vụ mà thành viên mới sẽ phải thực hiện. Theo ý nghĩa tên của hội, ứng viên cũng sẽ giơ 3 ngón tay ở bàn tay trái lên trời như một cử chỉ bí mật và mang tính ràng buộc.

Với những người không tuân thủ lời thề, hậu quả đương nhiên sẽ là cái chết, với phương thức có thể là bị cứa đến 100 nhát trên người, hay bị các thành viên khác phục kích và tấn công. Những thành viên của hội Tam hoàng ở Hong Kong thích dùng dao phay hoặc rựa để “xử” đồng đảng vi phạm lời thề. Trong khi đó, các nhóm Tam hoàng ở nước ngoài có thể dùng súng, vũ khí tự động hay thuốc nổ.

Lúc mới thành lập, người đứng đầu Thiên Địa hội được gọi là Tổng đàn chủ. Dưới Tổng đàn chủ có Tiền ngũ phòng và Hậu ngũ phòng, mỗi phòng này chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của các thành viên ở một tỉnh.

Theo sự phân công của Tổng đàn chủ, Tiền ngũ phòng lo việc ngoại giao, kinh tế. Trong tiền ngũ phòng có “Hoạt vụ Phòng” được giao nhiệm vụ ám sát các quan chức Mãn Thanh, phục kích những đoàn xe chở vũ khí, lương thực của triều đình để tiêu diệt binh lính và cướp những tài sản đó.

Hậu ngũ phòng được giao cho việc thông tin liên lạc, tuyển mộ thành viên mới cùng những hoạt động như phổ biến chủ trương, chính sách của Thiên Địa hội đến các nhóm thuộc Thiên Địa hội, được gọi là các “Đàn”. Những đàn này do những Sơn chủ và Phó sơn chủ đứng đầu, chịu trách nhiệm bao quát hoạt động của các thành viên thuộc “Đàn” của mình.

Bắt giữ đối tượng bị tình nghi thành viên của Hội Tam hoàng
 Bắt giữ đối tượng bị tình nghi thành viên của Hội Tam hoàng

Dưới trướng các Sơn chủ là bộ máy giúp việc được tổ chức tương đối bài bản, chặt chẽ, bao gồm những người lo những công việc quan trọng như tổ chức các hoạt động của “Đàn”, tham mưu cho các Sơn chủ, liên lạc với các thành viên trong “Đàn” và cấp trên, kết nạp thành viên mới... Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhiều ghi chép, các băng nhóm Tam hoàng có sự tự chủ tương đối cao.

Dù có hệ thống phân cấp lãnh đạo nhưng những người ở cấp thấp trong thang bậc của tổ chức này vẫn có sự tự do khi hoạt động hơn so với nhiều tổ chức tội phạm khác trên thế giới. Hoạt động của các băng nhóm nhỏ hơn của hội này cũng hiếm khi chịu sự chỉ đạo của các lãnh đạo của hội Tam hoàng. Các thành viên cũng thường không phải xin phép người đứng đầu khi tham gia một hoạt động phạm tội nào đó.

Do tính chất bí mật của hội nên những thành viên của Thiên Địa hội đã nghĩ ra cách dùng các ám hiệu để có thể nhận ra nhau. Ví dụ, khi mời thuốc, người của Thiên Địa hội sẽ cầm tẩu bằng cả 2 tay, trong đó 2 ngón cái hướng lên, 2 ngón trỏ cũng chạm vào tẩu.

Người nhận nếu là thành viên của hội này sẽ ra mật hiệu cho đồng đảng bằng cách cũng đưa 2 tay ra nhận, đồng thời gí ngón tay cái của mình vào ngón tay của người đưa tẩu thuốc ra mời. Còn nếu mời ăn, ám hiệu thường là người mời đặt đũa nằm ngang trên các đầu ngón tay xoè ra để mời, còn người khách sẽ không đưa tay ra nhận đũa luôn mà đẩy bát ăn của họ ra xa rồi mới nhận.

Hội Tam hoàng hiện nay

Sau khi triều nhà Thanh sụp đổ, Hội Tam hoàng rơi vào “rắn không đầu” và tách ra làm nhiều nhóm khác nhau. Những nhóm ở Trung Quốc chuyển sang hoạt động tội phạm vì không thể trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều năm sống lẩn trốn. Một số nhóm chuyển ra nước ngoài và cũng tham gia vào các hoạt động phạm tội ở các địa bàn này. Cho đến nay, những nhóm thuộc Hội Tam hoàng vẫn tiếp tục phát triển trên thế giới với số thành viên lên đến hàng trăm ngàn người.

(Còn nữa)

Đọc thêm