Ngày tận thế của “Huyết vương” băng đảng Latin Kings

(PLVN) - Trùm xã hội đen Luis Felipe được mệnh danh là “King Blood” (tạm dịch: Huyết vương”), là một trong “Những vị Vua và Nữ hoàng Latinh toàn năng” - băng đảng người gốc Latinh lớn nhất tại nước Mỹ. Tổ chức này có tên tiếng Anh là “Almighty Latin King and Queen Nation", được chia thành hai phe Bản địa và Huyết thống. “Huyết vương” Felipe là người đã sáng lập ra phe Huyết thống và hoạt động mạnh mẽ tại New York.
Băng đảng Huyết vương khét tiếng nước Mỹ với trang phục vàng - đen in hình vương miện
Băng đảng Huyết vương khét tiếng nước Mỹ với trang phục vàng - đen in hình vương miện

Luis Felipe là một tù nhân “đặc biệt”, với bản án tù chung thân cộng thêm 45 năm tù kèm theo những sự quản chế gắt gao và hà khắc chưa từng thấy. Tất cả bởi ông trùm này bị coi là “mối nguy cho xã hội” do trước đó từng ngồi tù và vẫn có thể ra lệnh cho đàn em sát hại những người khác ở bên ngoài.

Amor de Rey (tạm dịch là Tình yêu của Vua). Huyết vương tên thật là Luis Felipe Fernández Mendez, sinh ngày 11/5/1961, tại Havana (Cuba). Thông tin chi tiết về thời thơ ấu của Huyết vương rất ít, ngoại trừ việc anh ta có người mẹ tên Esterina, là một gái mại dâm. Còn người cha có tên là Gilbert thì Felipe chưa một lần gặp mặt. Felipe có một người con trai tên là Duane và vợ cũ tên là Maria...

Tất cả những thông tin ít ỏi như thế đủ để thấy Felipe vốn có một cuộc sống không mấy an bình. Khi mới 17-18 tuổi, Felipe đã đánh dấu “kỷ nguyên” phạm tội của mình bằng vụ án mạng đầu tiên. Một buổi sáng năm 1979, Felipe đang trên đường về nhà thì bất ngờ bị một kẻ bám theo và dí súng vào sau gáy. Felipe may mắn vùng chạy và trốn đằng sau một chiếc xe, sau đó rút súng chống trả kẻ định ám sát mình. Sau màn đọ súng, kẻ tấn công bị Felipe bắn bị thương, nhưng rồi cả hai đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.

Ngày đó Felipe bị kết án 10 năm tù sau màn đấu súng đường phố. Năm 1980, Felipe đã đào thoát và leo lên một con tàu rồi vượt biển sang nước Mỹ. Gọi là con tàu, nhưng thực ra nó được ghép từ những đường ống nước và đồ cũ, như một chiếc bè thì đúng nghĩa hơn. Hơn 100 người trên “con tàu” đó, lênh đênh trên biển tiến về nước Mỹ, số phận của họ đều phó mặc cho thiên nhiên và biển cả. Suốt hành trình lênh đênh trên biển đó, Felipe chỉ có thể miêu tả qua vài lời ngắn gọn nhưng sát nghĩa nhất: “Bạn thậm chí không biết mình có sống qua nổi đêm nay hay không”...

Đặt chân đến nước Mỹ, điểm đến đầu tiên của Felipe đó là Miami, sau đó, chàng trai trẻ tuổi nghe theo lời kể của những người đồng hương, những người nói chung thứ tiếng Tây Ban Nha - Latinh để rồi tìm đến Chicago, nơi được ví như “thiên đường” cho các băng nhóm “khởi nghiệp”.

Steven Cohen (cựu Trợ lý Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ) nhận xét: “Giai đoạn đó, tội phạm bùng phát và tỉ lệ phạm tội cao gấp nhiều lần thời bây giờ” Felipe tìm được một công việc tại Công viên Arlington, với thân phận là một người nhập cư, Felipe sớm tìm được một “mái nhà” mới, đó là băng đảng có tên “Latin Kings” (Những vị vua Latinh). Băng đảng này được thành lập năm 1954 bởi Ramon Santos, với mục đích là liên kết những người Mỹ gốc Latinh, tổ chức và đoàn kết để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, cũng như những cuộc xung đột sắc tộc với các băng đảng người Mỹ gốc Phi hay những mafia đến từ Ý. 

Cách nhận diện những người của Latin Kings là họ thường mặc trang phục có màu vàng và đen. Kể từ khi gia nhập “mái nhà” mới, Felipe đã được đưa vào kỷ luật và sự qui củ, những người trong băng đảng “Latin Kings” đều theo “chủ nghĩa vua”. Có nghĩa là không phân biệt tôn giáo, không phân biệt đức tin, chỉ cần cá nhân nào đó giúp những người khác tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn, giúp họ sống tốt hơn những gì có thể, thì người đó sẽ được phong tụng là một vị vua.

Năm điều tôn chỉ trong “tuyên ngôn” của Latin Kings đó là: Danh dự - Phục tùng - Hy sinh - Chính trực và Nhân ái. Những tôn chỉ này được các thành viên trong băng tuân thủ tuyệt đối, sự đoàn kết của từng cá nhân có thể đến mức “xả thân”. Mỗi khi gặp nhau, các thành viên đều chào nhau bằng cách ra ký hiệu bằng tay, theo lý giải của một thành viên trong băng Latin Kings, ký hiệu đó tượng trưng cho việc “sẵn sàng xả thân”. Khẩu hiệu của những người trong bang Latin Kings là “Amor de Rey” (tạm dịch là “Tình yêu của vua”) như một lời chúc tụng tới những thủ lĩnh của Latin Kings. Từ khi hoạt động tại Chicago, Felipe được mọi người đặt cho biệt danh “King Blood” (Vua Máu - tạm dịch là Huyết vương). 

Sau khi đã có chỗ đứng trong băng Latin Kings, Huyết vương chuyển tới New York và bắt đầu xây dựng đế chế của riêng mình vào những năm 1980. Tại đây, Huyết vương cải biến tên của băng đảng thành “Almighty Latin Kings and Queens” để có thể thu hút thêm các thành viên là nữ giới vào tổ chức. Về cơ bản, mục đích của tổ chức này rõ rang là để bảo vệ người gốc Tây Ban Nha khỏi sự phân biệt sắc tộc, nhưng đằng sau đó, những biến tướng của các hoạt động này là việc kéo bè đảng để tranh giành lãnh địa làm ăn, buôn bán ma túy, mại dâm, cướp bóc và thậm chí là giết người.

Cùng với sự bành trướng và mở rộng địa bàn của mình, Huyết vương không ngừng chiêu mộ thành viên, thậm chí vòi bạch tuộc của tổ chức này còn len lỏi vào các nhà tù, nơi cũng thường xuyên xảy ra sự cạnh tranh và đấu đá giữa các sắc tộc, người da màu, người gốc Latin và cả người da trắng.

Dưới bàn tay của Huyết vương, những người Mỹ gốc Latinh trong các nhà tù cũng đoàn kết lại, còn những thành viên khác đang tự do ở bên ngoài thì sử dụng những khoản tiền kiếm được từ các phi vụ cướp bóc, buôn bán ma túy để chu cấp cho các thành viên đang “nằm nhà đá” và hỗ trợ cho thân nhân của họ, tùy thuộc vào “vị thế” của thành viên đó trong băng đảng. Dần dần, Huyết vương đã tự cho mình quyền đứng trên cả luật pháp, quyền sinh quyền sát nắm trong tay, với một phát ngôn ngông cuồng: “Nếu người nào không phải là huynh đệ thì kẻ đó sẽ bị thanh trừng”.

Kỷ luật trong bang đảng của Huyết vương Felipe cũng cực kỳ khắt khe, bất kỳ thành viên nào vi phạm cũng đều phải chịu sự trừng phạt tùy theo mức độ. Nhẹ thì bị quản chế, đóng tiền phạt để đền bù, hạ thứ hạng trong cộng đồng, tước danh hiệu (trục xuất) hoặc bắt lao động công ích. Còn về sự trừng phạt nặng thì vô cùng tàn khốc và chia thành 4 cấp độ: Ăn đòn 3 phút - bị đánh bởi 3 người trong vòng 3 phút; Ăn đòn 5 phút - bị đánh bởi 5 người trong vòng 5 phút; Gặp là đánh (B.O.S- Beat on sight), bất kỳ thành viên nào gặp người phạm tội ngoài đường, ở nhà thờ, ở nơi công cộng thì đều được phép đánh không giới hạn thời gian. Và mức cuối cùng ‘Gặp là giết’ (T.O.S - Terminate on sight) tức là thành viên đó coi như đã lĩnh án tử.

(Kỳ tới: Những cuộc thanh trừng rúng động nước Mỹ) 

Đọc thêm