"Ông lớn" AstraZeneca và nghi vấn đổi tình dục lấy nghiên cứu

(PLVN) - Là một trong những công ty dược hàng đầu thế giới, được biết đến với nhiều loại thuốc được hàng triệu người khắp toàn cầu sử dụng nhưng Công ty dược AstraZeneca cũng vướng phải nhiều vụ bê bối, trong đó có cáo buộc đổi tình dục lấy nghiên cứu...

 

Sản phẩm của công ty dược AstraZeneca  có mặt khắp toàn cầu
Sản phẩm của công ty dược AstraZeneca có mặt khắp toàn cầu

Những bê bối mang tên Seroquel

Như đã trình bày ở bài trước, AstraZeneca là hãng dược thuộc hàng "ông lớn" không chỉ ở xứ sở sương mù mà còn nổi tiếng khắp năm châu. Ban đầu, AstraZeneca có một lịch sử tương đối sáng sủa khi được biết đến với những loại thuốc an toàn cho người sử dụng. Mọi việc chỉ bắt đầu xấu đi khi họ nhìn thấy tương lai của thuốc chống trầm cảm và tập trung phát triển các loại thuốc điều trị căn bệnh này vào những năm 1970. AstraZeneca đã phát triển chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) đầu tiên được gọi là zimelidine và bắt đầu bán loại thuốc này vào năm 1982.

Tuy nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, loại thuốc này lại đưa đến một tác dụng phụ hiếm gặp là có thể làm hỏng hệ thần kinh. Vì vậy, AstraZeneca đã nhanh chóng thu hồi sản phẩm này chỉ 1 năm sau đó. Bằng cách thu hồi lại zimelidine, công ty đã tránh được những tổn thất nặng nề có thể gặp phải từ các vụ kiện có thể xảy ra.

Có điều, AstraZeneca không gặp may như vậy với các loại thuốc chống loạn thần “bom tấn” của công ty là Seroquel và Seroquel XR. Seroquel có mặt trên thị trường từ năm 1997 và nhanh chóng “làm mưa làm gió trên thị trường”. Seroquel đã nhanh chóng bị phàn nàn về việc gây ra nhiều tác dụng phụ ở các bệnh nhân dùng thuốc. Trong đó, tổng cộng, Seroquel đối mặt 23.000 đơn kiện cáo buộc thuốc này có thể gây ra bệnh tiểu đường. Nhiều người khác cáo buộc loại thuốc này gây tăng cân không kiểm soát khi sử dụng.

AstraZeneca từng vướng nghi án đổi tình dục lấy nghiên cứu (hình minh họa)
AstraZeneca từng vướng nghi án đổi tình dục lấy nghiên cứu (hình minh họa)  

Cùng với đó, Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc AstraZeneca đã trả tiền “lại quả” cho các bác sĩ để họ đứng tên tác giả những bài báo về những công dụng không được phép của thuốc, đồng thời tài trợ cho các bác sĩ đến khu nghỉ mát để cố vấn cho hãng và đại lý về thông điệp tiếp thị cho những công dụng đó. 

Điển hình, năm 2002, khi Tiến sĩ Melissa DelBello công bố một nghiên cứu được cho là đột phá, theo đó khẳng định cho thấy AstraZeneca - thuốc chống loạn thần không điển hình Seroquel (quetiapine) an toàn khi sử dụng cho trẻ em. Nghiên cứu này dẫn đến việc các bác sỹ đã đưa ra khuyến nghị trên toàn quốc rằng loại thuốc chống loạn thần không điển hình nói trên là lựa chọn hàng đầu cho trẻ em bị rối loạn lưỡng cực.

Tuy nhiên, những thông tin được phanh phui sau đó cho thấy AstraZeneca đã tài trợ cho nghiên cứu do Tiến sĩ Melissa DelBello tiến hành với 30 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Chỉ có 8 đứa trẻ dùng Seroquel hoàn thành thử nghiệm và Tiến sỹ DelBello xác định nghiên cứu này không đưa đến kết quả rõ ràng. Tiến sỹ DelBello bị tố đã nhận ít nhất 238.000 USD phí tư vấn và chi phí đi lại từ AstraZeneca. Các nghiên cứu khác liên quan đến Seroquel cũng đưa đến kết quả không rõ ràng hoặc thể hiện rõ rằng việc sử dụng loại thuốc này là có hại. Song, những kết luận này lại không bao giờ được công bố.

Điều tra sau đó phanh phui rằng AstraZeneca đã che đậy các kết quả không có lợi cho công ty một cách có hệ thống. Một email trong nội bộ công ty được sử dụng làm bằng chứng trong một vụ kiện tại tòa án viết rõ: “Đến nay, chúng tôi đã chôn vùi các thử nghiệm 15, 31, 56. Vấn đề lớn hơn là chúng ta phải đối mặt với thế giới bên ngoài như thế nào khi họ bắt đầu chỉ trích chúng ta về việc che giấu dữ liệu”. Điều này cho thấy giới lãnh đạo công ty hoàn toàn nắm được chất lượng thuốc của họ cũng như hệ quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân nhưng không những không tìm cách khắc phục mà còn cố tình che giấu vì mục đích lợi nhuận. 

Dính nghi án đổi tình dục lấy nghiên cứu 

Cũng liên quan đến Seroquel, năm 2009, một đơn kiện đã được nộp lên tòa án ở bang Florida, tố cáo giám đốc phụ trách phát triển Seroquel tại Mỹ Wayne MacFadden có nhiều mối quan hệ tình dục với một nhà nghiên cứu từng viết nhiều bài viết theo hướng khen ngợi Seroquel trên các tạp chí và một người tiếp thị sản phẩm dược cũng đã tích cực quảng bá loại thuốc này. Các nguyên đơn cho rằng những mối quan hệ như vậy là không phù hợp bởi việc nghiên cứu về mặt nguyên tắc phải đảm bảo việc độc lập.

Chưa hết, truyền thông Mỹ cũng đưa tin, ông MacFadden còn có những mối quan hệ tình dục với nhân viên của các đối thủ của công ty để moi bí mật thương mại của các công ty đó. “Sự tồn tại của các mối quan hệ này đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn của kết quả của những công trình khoa học của những người liên quan”, các luật sư nói. Năm 2014, thử nghiệm đối với thuốc Seroquel XR để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới do Tiến sĩ S. Charles Schultz đứng đầu cũng đã vấp phải những chỉ trích nặng nề vì sự giám sát kém.

Cụ thể, vì thiếu sự giám sát nên 2 người tham gia thử nghiệm tại một cơ sở dành cho tội phạm tình dục đã giả mạo rằng họ có tham gia nhưng thực chất 1 trong 2 người này đã đưa thuốc Seroquel XR cho những người khác mà không hề nói với họ về loại thuốc này. Những người này sau đó đã bị loại khỏi thử nghiệm nhưng vụ việc đã không bị đưa ra điều tra. Sau thất bại trong thử nghiệm với Seroquel XR, ông Schultz đã từ chức trưởng khoa tâm thần học tại trường Đại học Minnesota.

Mặc dù việc thử nghiệm được tiến hành một cách cẩu thả và khoảng 1/3 số người tham gia đã bỏ giữa chừng vì tác dụng phụ nhưng kết quả được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Mỹ lại khẳng định loại thuốc này là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho chứng rối loạn nhân cách ranh giới.

Trước thử nghiệm này, Đại học Minnesota đã tiến hành thử nghiệm Seroquel vào năm 2004 và một người tham gia thử nghiệm tên Dan Markingson đã tự tử khi đang dùng thuốc. Năm 2010, AstraZeneca đã đồng ý nộp khoản tiền phạt 520 triệu USD để giải quyết các cáo buộc rằng hãng này đã bán ra loại thuốc chữa bệnh tâm thần Seroquel một cách trái phép.

Động thái của hãng dược này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ đã buộc tội công ty quảng bá thuốc Seroquel cho những người bị các chứng bệnh như Alzheimer, lo lắng, trầm uất và rối loạn căng thẳng sau chấn thương dù Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không cho phép sử dụng thuốc cho các công dụng này. AstraZeneca phải đối mặt với hơn 25.000 vụ kiện về trách nhiệm đối với sản phẩm liên quan đến Seroquel, phần lớn cáo buộc rằng thuốc này đã gây ra bệnh tiểu đường.

Theo thỏa thuận, chính phủ liên bang Mỹ sẽ nhận được khoảng 301 triệu USD, phần còn lại dành cho các chương trình bảo hiểm. Công ty cũng đã phải trả 647 triệu USD để giải quyết các vụ kiện toàn cầu vì đã không cảnh báo công chúng về các tác dụng phụ của Seroquel.

(Đón đọc kỳ cuối: AstraZeneca thoát điều tra tham nhũng đổi dầu lấy lương thực tại Iraq như thế nào

Đọc thêm