Vạch trần chân tướng ác phụ từ nấm mồ “phong thủy xấu” bên đường

(PLVN) - Đi ngang đường, nhìn thấy nấm mồ ở vị trí “phong thủy xấu”, Bao Công lập tức sinh nghi, gọi người hỏi han và tìm ra chân tướng sự việc.
Bao Công cùng quân sư, thị vệ luôn nhạy bén trong phá án (Ảnh minh họa)
Bao Công cùng quân sư, thị vệ luôn nhạy bén trong phá án (Ảnh minh họa)

Bi kịch mẹ ghẻ - con chồng

Ngày xưa tại phủ Khai Phong, có chàng Tần Tôn Hựu, con nhà giàu có, tính tình hiền hậu. Bản tính xuề xòa chín bỏ làm mười, không muốn sinh sự lôi thôi mà ngay từ hồi nhỏ, lúc còn đi học, Tôn Hựu thường hay bị bạn bè ăn hiếp.

Tôn Hựu sau đó lấy vợ, có một con trai được đặt tên là Tần Tôn Nhu, còn gọi là Trưởng Nhu. Tôn Hựu sống trong hạnh phúc đến khi Tôn Nhu được 10 tuổi thì vợ lâm bạo bệnh qua đời. Tôn Hựu sau đó tục huyền, cưới Liễu thị, dù cô chàng hết sức can ngăn, cho rằng người này ẩu hỗn.

Quả đúng như lời người cô đã nói, về nhà chồng ít bữa, thấy chồng hiền lành chân thật, Liễu thị liền giở ngay thói độc dữ, ẩu hỗn, chẳng kính nể gì chồng. Tôn Hựu chịu nhịn, mãi rồi sinh ra sợ vợ.

Đối với con chồng, Liễu thị tỏ vẻ không ưa ra mặt, thường la rầy, mắng chửi, kiếm cớ đuổi đi. Càng ngày Liễu thị càng tác yêu tác quái, coi Trưởng Nhu cái gai trong mắt. Những lúc Tôn Hựu vắng nhà, Liễu thị thường rủa con chồng: “Thằng kia, sao mày không chết theo mẹ mày đi cho tao rảnh nợ”.

Một bữa Liễu thị vắng nhà, Trưởng Nhu tìm cha kể nỗi khổ cho cha nghe. Khi Liễu thị về, Tôn Hữu ngỏ ý khuyên vợ nên đối xử với con chồng cho phải đạo. Chẳng dè thị vật vã khóc và lớn tiếng quay lại trách khiến cha con Tôn Hựu sợ hãi, vội xuống nước.

Ít bữa sau, Liễu thị hạ sinh được một đứa con trai được đặt tên là thứ Nhu. Từ bữa đó, Liễu thị thẳng tay hành hạ con chồng. Trưởng Nhu không được đi học nữa, phải ở nhà lo việc cùng chăm mẹ ghẻ, em trai. Liễu thị soi xét từng ly, động một chút là mắng chửi, đánh đập. Trưởng Nhu không dám mách cha vì biết chẳng ích gì, chỉ âm thầm chịu đựng.

Liễu thị cũng chọn những lúc đêm khuya thanh vắng năn nỉ ỉ ôi với chồng đòi truất quyền thừa hưởng gia tài của Trưởng Nhu. Tuy sợ vợ, Tần Hữu cũng không đành tâm làm hại con đời vợ trước, chỉ ậm ừ cho qua.

Rồi đến một bữa Tôn Hựu phải đi thăm người bà con. Biết Tôn Hựu đi chuyến này phải cả tuần mới về, Liễu thị liền sắp đặt kế hoạch, bày thêm việc cốt ý cho gia nhân đầy tớ bận tối mắt ở dưới nhà hết. Rồi thị kêu Trưởng Nhu vô buồng kín sai dọn dẹp loanh quanh. Chờ lúc con chồng vừa cúi xuống, Liễu thị vung cây gậy đã thủ sẵn, nện thật mạnh vào gáy. Liễu thị lấy mền bọc xác vác về buồng riêng đặt xuống chân giường.

Lát sau làm bộ tự nhiên, lũng thững đi xuống coi gia nhân làm việc, Liễu thị vờ hỏi, sai mọi người đi tìm, phát hiện Trưởng Nhu đã chết. Liễu thị vờ bưng mặt khóc rồi thuê người lo liệu việc tang ma. Trưởng Nhu bị chôn ngay tại thửa ruộng của cha, sát bên lề đường.

Mấy bữa sau Tôn Hựu về nhà, Liễu thị vờ khóc lóc thảm thiết, kể với chồng: “Chàng đi, ở nhà con nó chẳng may trúng gió độc chết, thiếp hết lòng cứu chữa mà không tránh được số trời”.

Tôn Hựu bàng hoàng đến bên bàn thờ con đốt nến thắp nhang khấn vái hồi lâu rồi sai gia nhân đưa ra đồng thăm mộ con...

Hé lộ nghi vấn

Hơn một tuần lễ sau, Bao Công đi tuần tra các quận trong phủ Khai Phong và ra đồng quan sát công việc cày cấy của dân. Lúc đi ngang thửa ruộng Tôn Hựu, thấy mấm mồ nằm bên lề đường, Bao Công dừng ngựa hỏi chức việc sở tại đi theo hầu: “Mả ai mới chôn đây?”. Quan chức sở tại đưa mắt nhìn nhau tỏ ý không hiểu, Bao Công chậm rãi nói: “Mả chôn lề đường phải là kẻ tứ cố vô thân, chết đường chết chợ nên mới được chôn như vậy”.

Bao Công nói tiếp: “À mà không phải. Mả này lại chôn trong phạm vi thửa ruộng sát lề đường tức là thân nhân người chết thuộc hạng có tiền bạc. Mà cớ sao lại chọn chỗ úng thủy này mà táng? Kiểu đất chỗ này lại là bại địa nữa. Lạ thật!”.

Một người thắc mắc: “Hay là kẻ nằm dưới mồ không phải là thân tộc của chủ ruộng?”. Bao Công nghi vấn: “Thế lại càng vô lý, đây không phải là kiểu đất lạ khó có thể kết phát, ai phí tiền mua miếng đất này mà táng thân nhân? Ta chắc kẻ chết là thân tộc của chủ đất, nếu phải vậy tất là có sống cũng chẳng được trọng vọng, quý mến gì...”.

Nói đoạn Bao Công giật cương ngựa tiếp tục cuộc hành trình thị sát các thôn xã quanh vùng cho tới gần trưa thì quay về phủ Khai Phong. Lúc đi ngang qua nấm mồ, ông lại chăm chú nhìn, rồi thấy một cụ già từ đám ruộng phía bên kia đường thong thả đi lên.

Bao Công vội sai lính chạy theo mời lại hỏi chuyện: “Lão trượng có biết nấm mồ ai kia không?”. Ông già vòng tay thi lễ rồi thuật lại lý lịch của người nằm dưới mồ. Biết chuyện Trưởng Nhu mới 15 tuổi mà đã qua đời, lại sống cảnh mẹ ghẻ con chồng, Bao Công thắc mắc: “Cảnh mẹ ghẻ con chồng ra sao?”. Ông lão liền đáp: “Theo lời tá điền trong nhà họ thì từ ngày Liễu thị sinh con trai thì ngược đãi con chồng. Tôn Hựu thì hiền lành, chân thật, thương Trưởng Nhu nhưng không dám can thiệp vì gặp phải Liễu thị quá hung dữ. Theo lời tá điền, ít khi cha con họ gặp nhau”.

Nghe tới đây, mắt Bao Công như sáng hẳn lên, hỏi cặn kẽ lý do Trưởng Nhu qua đời, ông lão đáp: “Nghe nói bị trúng gió độc vào buổi chiều. Sáng đó y còn ra đồng, tỏ vẻ buồn bã. Tôi có hỏi thì y nói là nhớ cha có việc phải vắng nhà mấy ngày”.

Bao Công thầm nghĩ: “Chắc có oan uổng chi đây”, rồi sai huy động 20 trai làng khỏe mạnh đem theo cuốc, xẻng, mai, thuổng ngay ra làm việc.

Ác phụ đền tội

Khoảng một tiếng sau, kẻ cuốc người đào khai quật mả Trưởng Nhu. Xác kẻ bạc mệnh được khiêng lên. Bao Công ra lệnh lột hết đồ khâm liệm và quần áo nạn nhân ra, chăm chú xem xét các vết tích, hô thơ lại lập vi bằng vụ khai quật tử thi rồi cho chôn cất lại tử tế.

Về tới nha phủ, Bao Công cho lính đi đòi Tôn Hựu, Liễu thị và các gia nhân đến hầu gấp. Ông lại dặn thơ lại cho Tôn Hựu vào trước, rồi tới 3 gia nhân lần lượt từng người, và sau chót là Liễu thị.

Ông hỏi Tôn Hựu: “Ngươi có thương con không?”. Tôn Hựu mắt rớm lệ nghẹn ngào đáp: “Vợ trước tôi là Trình thị chẳng may qua đời, tôi thương tiếc chẳng nguôi, lẽ nào lại ghét Trưởng Nhu cho đành”.

Mọi tội ác đều bị Bao Công xét xử nghiêm minh (Ảnh minh họa)

Mọi tội ác đều bị Bao Công xét xử nghiêm minh (Ảnh minh họa)

Tôn Hựu sau đó kể chuyện vợ sau là Liễu thị lấy cớ Trưởng Nhu học hành không linh lợi nên bắt nghỉ, lại còn ngăn cản gặp con. Thấy Tôn Hựu có vẻ thành thật, Bao Công bảo lính đưa ra chờ bên ngoài đoạn ông cho đám gia nhân ra xét hỏi từng người.

Với ai ông cũng hỏi rõ về tình hình vợ chồng Tôn Hựu và Trưởng Nhu, tình hình trong nhà và họ thấy vết tích gì khả nghi trên người kẻ bạc phước không. Các gia nhân cứ sự thật khai ra. Bao Công nghe xong liền cho họ lui ra chờ ngoài sân.

Đoạn ông kêu thuộc hạ đến và bảo rằng: “Ta chắc là kẻ giết Trưởng Nhu là Liễu thị. Nếu không thì y thị cũng là kẻ chủ mưu. Chắc là giết để đoạt gia tài về phần con riêng y thị. Ngươi ra kêu mụ ấy cho ta”.

Liễu thị theo chân lính hầu bước vô công đường. Thấy thị người mạnh khoẻ có nhan sắc nhưng đôi mắt có vẻ lanh ác lạ thường, Bao Công hỏi: “Ai đánh chết Trưởng Nhu, mau khai cho thiệt!”. Liễu thị lúng túng: “Thưa thượng quan... nó trúng gió... chết”.

Bao Công vỗ án nạt: “Chớ nói gạt ta. Nó trúng gió sao gáy lại có vết bầm. Chắc là ngươi có lòng độc hiểm muốn giết con ghẻ để đoạt gia tài phải không?”.

Liễu thị biết chối cãi không được, đành phải thú nhận hết tội lỗi.

Bao Công lập tức lên án chém đầu Liễu thị để làm gương cho người khác. Ông lại sai làm bia đá ghi tội ác của Liễu thị và chôn lên mộ. Tôn Hựu được tha về và lúc đó chàng mới hay con mình bị vợ kế đánh chết. Thế mới hay “mấy đời bánh đúc có xương...”.

Đọc thêm