“Bông hồng Tokyo” và bản án oan chỉ vì 1 câu nói

(PLO) -Iva Toguri d’Aquino nổi tiếng với biệt danh “Bông hồng Tokyo”. Bà là người thứ 7 trong lịch sử Mỹ bị buộc tội phản quốc với cáo buộc đứng về phía Nhật trong Chiến tranh thế giới II nhưng sau đó lại được minh oan. 
Iva Toguri d’Aquino
Iva Toguri d’Aquino

Sau khi người Nhật đầu hàng vào tháng 9/1945, quân đội Mỹ bắt đầu tìm kiếm những người ở Nhật có thể đã phạm tội ác chiến tranh. Báo chí Mỹ cũng nhanh nhảu tham gia vào cuộc truy lùng. 

Cuộc phỏng vấn định mệnh

Nằm trong nhóm tích cực đào xới các hồ sơ về chiến tranh nhất, 2 phóng viên Henry Brundidge và Clark Lee đặc biệt quan tâm đến nhân vật có biệt danh “Bông hồng Tokyo”, một nữ phát thanh viên nổi tiếng trong giới binh sỹ Mỹ với cáo buộc người này đã cố tình làm nhụt nhuệ khí của binh sỹ và thủy thủ Mỹ thông qua các chương trình phát thanh theo chỉ đạo của phía Nhật. 

Bằng nhiều kênh thông tin, 2 phóng viên sau đó xác định một phụ nữ trẻ người Mỹ tên Iva Ikuko Toguri d’Aquino từng tham gia vào các chương trình phát thanh có tên Không giờ của Nhật. Cả 2 hứa hẹn sẽ trả cho Iva một khoản tiền lớn nếu cô trả lời phỏng vấn họ và ký vào một bản hợp đồng dưới tên Bông hồng Tokyo.

Nghĩ rằng đó là do báo chí đánh giá cao mình, Iva đồng ý. Quả thực, sau bài phỏng vấn, bà nổi tiếng khắp nước Mỹ trong suốt 1 thời gian dài nhưng theo chiều hướng không lấy gì làm vui vẻ. Cho đến nay, người ta vẫn tranh cãi về vai trò của bà trong Chiến tranh thế giới II.

Bước ngoặt

Iva sinh đúng ngày Quốc khánh Mỹ năm 1916, là con thứ 2 trong số 4 người con của một cặp vợ chồng nhập cư gốc Nhật ở Los Angeles. Cũng giống như nhiều người nhập cư khác, cha mẹ Iva muốn cả gia đình Mỹ hóa nhất có thể nên không khuyến khích các con học nói hay viết tiếng Nhật. Họ cũng hiếm khi đưa các con tham dự các sự kiện của người Mỹ gốc Nhật. Ngay cả chế độ ăn của gia đình cũng được kết hợp giữa phương Đông và phương Tây thay vì đồ Nhật.

Để cải thiện vóc dáng cho con, cha mẹ Iva tích cực hướng bà tới các môn thể thao như đi bộ, bơi lội… Trong những năm trung học, bà được ghi nhận là một sinh viên nổi tiếng và là một người Mỹ trung thành. Năm 1940, bà tốt nghiệp ngành động vật học ở trường Đại học California ở Los Angeles.

Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Iva diễn ra khi người dì của bà ở Nhật bị ốm nặng và cha bà đề nghị bà về Nhật chăm dì trong một thời gian. Do phải đi quá gấp nên Iva đã không có đủ thời gian để làm hộ chiếu. Thay vào đó, bà được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp cho chứng nhận là công dân Mỹ để sử dụng làm giấy tờ đi lại.

Trở về quê trên con tàu Arabia Maru vào tháng 7/1941, Iva mang theo 28 vali hành lý chứa đầy quà tặng cho người thân và những món đồ ăn phương Tây đủ để bà có thể sống thoải mái 1 năm xa nhà. 

Tới Nhật vào tháng 7/1941, Iva hoàn toàn thất bại trong việc hòa nhập với cuộc sống ở quê hương. Bà không biết nói tiếng Nhật và cũng không thể thích nghi được với đồ ăn ở đây. Điều nguy hiểm là vì không đọc được tiếng Nhật nên khi quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng trở nên căng thẳng nhưng bà vẫn không hề hay biết gì.

Phải đến cuối tháng 11/1941, khi những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng quốc tế đã trở nên rõ ràng, bà mới vội vã tìm cách để trở về Mỹ. Dự kiến lên tàu vào ngày 2/12 nhưng do không có hộ chiếu nên bà đã không thể về nước. Khi quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu cảng, Iva chính thức bị kẹt lại Nhật.

Chiến tranh nổ ra, các điệp viên của chính phủ Nhật Bản đã đến gặp Iva và đề nghị bà từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Nhật. Song, bà từ chối. Để trả đũa, giới chức Nhật xếp bà và hàng nghìn người Mỹ đang có mặt tại Nhật khi đó là kẻ thù và từ chối cấp thẻ lương thực cho họ.

Cùng lúc, Iva cũng bị những người hàng xóm của người dì đề nghị chuyển đi nơi khác sống vì họ lo ngại về một “điệp viên người Mỹ” sống ngay cạnh. Bà xin làm thêm tại hãng thông tấn Domei Tsushin Sha để trang trải cuộc sống. Công việc của bà khi đó là tổng hợp các bản tin bằng tiếng Anh từ khắp các nước ở Thái Bình Dương.

Bản tin về phiên tòa xử Bông hồng Tokyo
Bản tin về phiên tòa xử Bông hồng Tokyo

“Bông hồng Tokyo”

Khi làm việc ở Domei cũng là lúc Iva gặp Felippe d’Aquino – một công dân Bồ Đào Nha gốc Nhật. Lớn hơn Iva 5 tuổi, Felippe cũng có quan điểm ủng hộ Mỹ nên sớm trở nên thân thiết với bà. Chính Felippe là người đã cho Iva mượn tiền, hỗ trợ bà hết mực trong việc đối phó với sự quấy rối của cảnh sát Nhật vì bà vẫn là công dân Mỹ cũng như cho bà mượn tiền khi bà phải nhập viện vì bị suy nhược cơ thể.

Về sau, 2 người kết hôn vào năm 1945. Sau khi xuất viện, Iva xin làm thêm ở đài Kyokai (NHK) để trả nợ. Đây cũng là bước đầu tiên trong việc trở thành huyền thoại Bông hồng Tokyo của bà. 

Người giúp đỡ Iva trong bước đi tiếp theo của bà là sỹ quan quân đội Mỹ gốc Anh Charles Hughes Cousens. Trước chiến tranh, ông Cousens đã là một ngôi sao phát thanh ở Sydney, Australia. Sau đó, ông bị quân Nhật bắt giữ ở Singapore và đưa tới Tokyo với nhiệm vụ xây dựng một chương trình phát thanh ngắn, chuyên nghiệp nhưng có thể làm giảm nhuệ khí chiến đấu của lính Đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương. 

Quân Nhật bàn giao cho Counsens và các cộng sự những bản tin đã được chúng soạn sẵn nhưng họ đều khéo léo yêu cầu chỉnh sửa để bản tin chuyển sang có nội dung như họ mong muốn. Vì thế nên thay vì là một chương trình phá hoại, thứ mà Counsens đưa ra là chương trình phát thanh Không giờ - một chương trình nặng tính giải trí và thậm chí còn có phần khích lệ tinh thần của binh lính Mỹ ở Thái Bình Dương trong những kẻ giám sát người Nhật không hề nhận ra. 

Iva Toguri gia nhập nhóm phát thanh viên của Cousens vào năm 1943 với tên Ann mồ côi – từ được người Úc dùng để miêu tả những lực lượng bị chia rẽ khỏi những đồng minh của mình, tức những lính chiến người Mỹ xa quê hương. Bằng nhiều cách khác nhau, trong các bài đọc, Iva đã cảnh báo người nghe rằng chương trình Không giờ là một chương trình tuyên truyền nguy hiểm và xấu xa để họ biết chọn lọc thông tin khi nghe. 

Trong suốt 20 phút lên sóng, Iva cũng khéo léo truyền tải tới lính Mỹ những thông tin ở quê nhà, cho họ nghe những bản nhạc đậm chất quê hương và cả những phút giải trí sau những giờ chiến đầu qua giọng đọc truyền cảm, đầy hài hước.

Chính vì thế nên lính Mỹ khi đó rất hào hứng chờ đón chương trình Không giờ và thay vì bị nhụt nhuệ khí chiến đấu, tinh thần của họ lại càng được đẩy lên cao hơn. Về phía người Nhật, họ không hề hay biết điều đó và vẫn nghĩ rằng Iva làm việc rất hiệu quả nên trả lương cho bà hậu hĩnh và thậm chí nhiều lần tìm cách giữ bà lại khi bà muốn nghỉ việc.

Đích thân tổng thống Mỹ xin lỗi

Chiến tranh kết thúc, Iva tìm cách trở về Mỹ và đã ngây thơ nghĩ rằng biệt danh Bông hồng Tokyo sẽ có ích cho nỗ lực của mình. Vì thế nên bà đã nhận lời ký hợp đồng với tên Bông hồng Tokyo với phóng viên của tờ Cosmopolitan như đã nói ở phần đầu. Nhưng ngay sau khi bài phỏng vấn được công bố, tháng 10/1945, Iva bị quân đội Mỹ bắt giữ và giam giữ tại nhà tù ở Tokyo vì cáo buộc ủng hộ chính phủ Nhật chống lại nước Mỹ. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng buộc tội nên sau đó bà được thả ra. 

Năm 1948, bà lại bị bắt lại và bị đưa về Mỹ. 1 năm sau đó, bà ra hầu tòa về cáo buộc phản quốc. Cuối cùng, bà bị buộc tội phản quốc vì đã nói “vào micro về việc mất những con tàu” trong một bản tin phát năm 1944. Phiên tòa xét xử bà được mô tả là kéo dài và tốn kém nhất tính đến thời điểm đó với tổng chi phí lên đến 750.000 USD (tương đương khoảng 9 triệu USD theo thời giá hiện nay) cho 13 tuần xét xử. Bà là người thứ 7 trong lịch sử nước Mỹ bị buộc tội phản quốc. Cùng với việc bị buộc tội, bà bị kết án 10 năm tù, phạt 10.000 USD và bị tước quyền công dân Mỹ.

Sau 6 năm ngồi tù, Iva được thả ra vì cải tạo tốt. Sau một thời gian dài sống lặng lẽ, năm 1977, người ta lại một lần nữa rầm rộ nhắc về Iva khi bà được minh oan với lý do các nhân chứng đã cung cấp thông tin giả trong phiên tòa. Không những thế bà còn được đích thân Tổng thống Gerald Ford xin lỗi dù cho đến nay vai trò gián điệp của bà trong cuộc chiến vẫn là chủ đề gây tranh cãi.../.

Đọc thêm