Chiếc dao khắc tố cáo tên tội phạm nguy hiểm

(PLO) - Một buổi sáng tháng 6/2005, người đứng đầu phòng đọc công cộng của Thư viện Beinecke thuộc Đại học Yale danh tiếng vô tình phát hiện một con dao khắc hiệu X-Acto nằm trên sàn. Con dao có lưỡi sắc lém như dao cạo đã góp phần tố cáo một tên tội phạm đang ẩn nấp. 
Luật sư Richard Reeve và Edward Smiley
Luật sư Richard Reeve và Edward Smiley
Kẻ cắp chuyên ăn trộm bản đồ 
Sự kiện này khiến bà lo ngại vì con dao nằm ngay trong phòng tư liệu quý hiếm của thư viện. Bà đảo mắt nhìn quanh và thấy một người đàn ông đang cắm cúi bên chồng sách. Mở sổ đăng ký, bà biết tên ông ta là Edward Forbes Smiley III. Chỉ cần bấm chuột vài cái, bà tìm ra ông ta là một người buôn bản đồ cổ. Ngay lập tức, bộ phận an ninh nhận được một cú điện thoại yêu cầu kiểm tra băng hình do máy quay ghi lại. 
Smiley bị bắt quả tang khi rời thư viện với 7 tấm bản đồ cổ nằm trong cặp, trong đó có một tấm có tuổi đời 500 năm và được định giá khoảng 150.000 USD. Các nhân viên thư viện báo với FBI rằng họ nghi ngờ Smiley có thể đã trộm bản đồ cổ ở các thư viện khác và đã bán một số “chiến lợi phẩm” quý báu ra nước ngoài. 
Trong vòng một năm trời, FBI vào cuộc và Smiley thừa nhận là trong gần 8 năm ông ta đã đánh cắp 97 tấm bản đồ cổ được bảo quản tại các kho lưu trữ không chỉ ở Mỹ. Tổng trị giá của kho báu này lên tới 3 triệu USD tính theo thời giá năm 2005. 
Bắt được Smiley rồi nhưng mối quan tâm hàng đầu của các nhà điều tra cổ vật không phải là chứng minh tội và bỏ tù ông ta – một công việc không quá khó. Câu hỏi khiến họ ưu tư nhất  là làm sao thu hồi được toàn bộ cổ vật ? Smiley có thể chỉ cho FBI biết ông đã bán các tấm bản đồ cho ai nhưng lấy được chúng để trả cho thư viện thì khó hơn rất nhiều.
Một tấm bản đồ bị Smiley đánh cắp
Một tấm bản đồ bị Smiley đánh cắp 
“Những tấm bản đồ này không giống như những chiếc xe hơi có gắn biển số”, điều tra viên Stephen Kelleher- người phụ trách cuộc điều tra của cảnh sát New Haven nói. Trong phần lớn trường hợp, chúng bị cắt xén đến độ chẳng ai còn nhận ra là chúng được lấy ra từ những cuốn sách, chưa kể nhiều tờ bản đồ in bằng tiếng Latin với những tựa khác nhau và có đến vài bản sao từ cùng một cuốn sách. 
Còn một điều ngỡ ngàng nữa là nhiều thư viện không hề biết họ bị mất trộm bởi vì họ không kiểm kê thường xuyên. Để xác định xem một tấm bản đồ được trả lại có đúng là đồ thật hay không, cần đến sự giúp sức giám định của các chuyên gia, các nhà buôn cổ vật, những nhà sưu tập từng mua đồ ăn cắp.
Ám ảnh về ánh nhìn phản bội
Chính vì thế, luật sư Richard Reeve người biện hộ cho Smiley đã quyết định chọn chiến lược “thành khẩn hợp tác” thay vì chỉ “phòng ngự thông thường”. 
Nhờ sự hợp tác của Smiley, trong vòng một năm đã có 86 trong số 97 tấm bản đồ bị đánh cắp tấm được thu hồi về, 6 tấm bị các chủ mua lại từ chối trả và 5 tấm coi như “tuyệt tích”. 
Trong số bị mất tích này có một tấm vẽ các khu vực phía tây và đông New Jersey do John Thornton lập đầu thế kỷ 18, một tấm bản đồ Pennsylvania vẽ năm 1770, một tấm bản đồ Chesappeak nằm trong một cuốn sách của Dudley Charts, một tấm bản đồ không rõ ngày lập vẽ bang Carolina và một phần Georgia và sau cùng là tấm bản đồ thế giới do Hittich/Fine vẽ năm 1532. 
Trước tòa, đứng bên cạnh ba thùng giấy đựng những tấm bản đồ đã thu hồi, ông già 50 tuổi Smiley thú nhận rằng “vô cùng xấu hổ” về những hành vi của mình. Ông cảm nhận được ánh mắt bị phản bội của những người thủ thư – những người đã tin tưởng mà giúp ông tìm ra những tấm bản đồ quý nhất được lưu trong thư viện – nhìn ông. 
Một số người buôn cổ vật mua bản đồ của ông đã phải bỏ tiền túi để bồi hoàn cho khách hàng của họ khi phải trả lại những tấm  bản đồ lỡ mua. “Tôi đã làm tổn thương nhiều người”, Smiley nói.
Giảm án vì "bằng chứng mỉa mai"
Luật sư Richard Reeve cũng nêu lên những khiếm khuyết về an ninh tại các thư viện và ý kiến này được quan tòa Janet Bond Arterton hưởng ứng một cách ý nhị. Khi được nghe các giám định viên khai rằng các lỗ mọt trên những tấm bản đồ phát hiện tại nhà Smiley trùng khớp với các lỗ mọt trong các cuốn sách lưu trên giá của thư viện Trường Yale là từ đó các tấm bản đồ bị xé ra, quan tòa Arteton mỉa mai rằng đó là những “bằng chứng thú vị nhất” cho hệ thống bảo quản của thư viện. 
Edward Forbes Smiley
 Edward Forbes Smiley 
Mặc dầu đại diện của các thư viện bị mất của đều cố gắng vận động hành lang để tòa án tuyên phạt Smiley ở mức án cao nhất là 10 năm cho khung hình phạt, nhưng do ông ta đã nhận tội và hợp tác với FBI để thu hồi các tấm bản đồ, đồng thời bán nhà để bồi thường 2,5 triệu USD nên ông ta tuyên bố sẵn sàng nhận án phạt 5 năm tù.
Luật sư của Smiley chỉ ra rằng nếu không có sự hỗ trợ của Smiley, cơ quan điều tra chỉ có thể phát hiện được 18 tấm bản đồ bị mất, 79 trường hợp khác là do chính ông ta chủ động khai báo trước. 
Tất nhiên, bản án không làm giới thư viện hài lòng, họ lên án luật sư Richard A. Reeve đã giúp Smiley “chạy tội”. “Sự hợp tác chỉ xảy ra sau khi ông ta đã bị bắt nên chẳng có nghĩa lý gì”, giáo sư Frank Turner thay mặt cho Đại học Yale tuyên bố. 
Khi còn học Đại học Hampshire, Smiley theo đuổi ngành nghiên cứu lịch sử nhà thờ, sau khi tốt nghiệp ông ta học ở trường dòng Princeton một năm.

Đọc thêm