Chủ nhân “những lá thư hủy diệt” 78 tuổi chờ lên ghế điện

(PLO) - Bao thư trên tay Robert Vance bất ngờ phát nổ khi ông xé mở nó trong căn bếp nhà mình ở ngoại ô Alabama hôm 16/12/1989. Quả bom thư chứa nhiều mảnh kim loại nhỏ li ti đã cướp đi sinh mạng của vị thẩm phán toà phúc thẩm liên bang khu vực 11, và vợ ông bị thương nặng.
Chủ nhân “những lá thư hủy diệt” 78 tuổi chờ lên ghế điện

Những vụ bom thư bí ẩn

Hai ngày sau lại diễn ra theo cùng một kịch bản, một quả bom thư khác đã phát nổ, nạn nhân lần này Robert Robertson, một luật sư Atlanta hoạt động vì người quyền của người da đen.
Chưa hết, thêm 2 vụ bom thư bí ẩn nữa. Chiếc phong bì thứ ba được gửi tới văn phòng toà án liên bang tại Atlanta nhưng đã bị phát hiện kịp thời và bị vô hiệu hóa. Phong bì thứ tư được phát hiện trên đường đi tới văn phòng Jacksonville của Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu. Nước Mỹ chấn động và người Mỹ tự hỏi : Kẻ nào nào thủ phạm ?
Một cuộc truy lùng lớn được các cơ quan an ninh Mỹ tổ chức kéo dài suốt 11 tháng với tổng cộng 140.000 giờ làm việc. Với sự giúp sức của cơ quan bưu điện, cảnh sát thu những mảnh còn sót lại từ các vụ nổ và đưa tới  phòng xét nghiệm  và đồng thời lên một danh sách dài những nghi can.
Bất ngờ, một chuyên gia Cơ Quan kiểm soát Rượu, Thuốc lá và Vũ khí (ATF) nhận ra rằng những dấu vết này khá quen thuộc với một vụ tương tự xảy ra 17 năm trước. Kẻ đó đó là Walter Leroy Moody. Hắn là ai ?
Con người lạ lùng
Roy Moody sinh năm 1934, hồi nhỏ hắn tỏ ra thông minh nhưng không thích kỷ luật. Ngược lại, cha mẹ của Moddy là những người nghiêm khắc và đòi hỏi con cái. Khi Moody học lớp 1, mẹ hắn đặt con lên đùi ngồi dạy con đọc, tuy nhiên khi Moody đọc sai, hắn bị mẹ tát.
Năm Moody 7 tuổi, cha mẹ hắn gửi con lại cho bà để đi làm xa. Cảm giác bơ vơ khiến hắn học sa sút phải ở lại lớp 2 thêm một năm nữa. Sau chíến tranh, cha của Moody mở gara xe hơi riêng, hắn sống khá đầy đủ nhưng khép kín, không có nhiều bạn trai vì ghen tị với đám con nhà giàu.
Hắn chơi với các cô gái nhỏ tuổi hơn và lợi dụng họ, chẳng hạn như nhờ họ đọc và làm bàì tập hộ rồi kể lại để hắn trả bài. Hắn có thai với một cô gái và đưa cô ta đi phá thai lậu.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân dịch trở về, Moody ấp ủ nhiều ước mơ nhưng bản tính lười nhác khiến hắn không làm được việc gì cho ra hồn. Hắn ghi danh học ở một trường cao đẳng với ý định trở thành nhà phẫu thuật thần kinh nhưng hắn đổ tội cho cha mình không chiụ chu cấp tiền cho con ăn học, để hắn phải đi làm quá nhiều khiến kết quả học tập rất kém.
Moddy không có nghề ổn định, hắn “bơi” từ việc này qua việc khác và tiếp tục lợi dụng phụ nữ. Hắn không cưới bất cứ ai trong 4 phụ nữ đã sinh con cho hắn.
Trò ác hại chính người thân
Năm 1972, Moody từng bị kết án tù vì tội tàng trữ một quả bom hình ống.Thực ra quả bom này do hắn tự chế, định gửi tới một tay buôn xe hơi cũ mà trước đó đã lấy lại chiếc xe hơi của hắn. Thế nhưng trước khi được gửi đi, vợ hắn đã mở phong bì chứa quả bom làm nó phát nổ. Vợ của Moody bị thương ở mặt, đùi và vai, hai bàn tay bị xé rách, mắt bị trúng các mảnh thép nhỏ, tổng cộng chị ta phải qua 6 lần phẫu thuật. Sau vụ nổ này, Moody và vợ ly dị.
Trước tòa, Moody khẳng định một gã thanh niên mà hắn gặp ở trường đã mang quả bom tới nhà hắn. Câu chuyện nghe thuyết phục đến nỗi Moody thoát tội chế tạo bom mà chỉ  bị án 5 năm tù về tội chứa chấp bom.
Kẻ mang mối hận với cả hệ thống tòa án Mỹ
Ở tù hơn 3 năm Moody đã được ân xá. Hắn lấy vợ mới, tìm được việc làm, tuy nhiên giấc mơ hành nghề luật sư đã vĩnh viễn xa vời. Đến cuối những năm 1970, Moody lập ra cái gọi là Liên đoàn văn bút Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu đào tạo những người muốn trở thành nhà văn.
Quan toà Robert Vance
 Quan toà Robert Vance
Tổ chức này còn nhận tiền để in những tác phẩm của những người tham gia ở 48 bang, có ngày có đến 150 yêu cầu như vậy nhưng cũng có nhiều người than phiền là nộp tiền mà tác phẩm không được in.
Năm 1983, cơ quan bưu điện Mỹ đề nghị truy tố Moody về tội lừa đảo nhưng cơ quan công tố bỏ qua. Sau đó, họ đề nghị đóng cửa cơ sở làm ăn của Moody nhưng cũng không thành.
Các nhà điều tra Mỹ từng đau đầu với câu hỏi: Vì lý do gì Moody gửi bom thư sát hại thẩm phán Robert Vance ?  
Ra tù, từ năm 1985 Moody khởi động một kế hoạch nhằm “minh oan” cho hắn trong vụ án năm 1972. Để được chứng minh là mình vô tội, hắn tìm cách hối hộ một người quen là Julie Linn-West để cô ta khai rằng mình biết tận gốc kẻ đưa bom vào nhà Moody hồi năm 1972.
Năm 1986, Moody nộp đơn xin tái thẩm tại toà án Georgia nhưng cả hai lần đều bị từ chối vào các năm 1988 và 1989. Đầu năm 1990, Moody phát hiện mối quan hệ giữa hắn và Linn- West đang bị điều tra và hắn liên lạc với hai mẹ con cô ta để đảm bảo rằng họ vẫn hợp tác với hắn.
Moody trả thêm cho Linn- West 400 USD và hứa sẽ cho thêm nếu mẹ cô ta phải ra tòa khai lần nữa nhưng kèm một lời đe dọa rằng tính mạng của bà sẽ nguy hiểm nếu hợp tác với chính quyền. Tuy vậy, Linn-West đã ghi âm được các cuộc gặp với Moody.
Công tố viên Louis  Freeh (người sau này trở thành Giám đốc FBI) được giao phụ trách điều tra vụ ám sát quan tòa Robert Vanve cho rằng động cơ của Moody là trả thù, không chỉ cá nhân Robert Vance mà cả hệ thống tòa án Mỹ. Thực ra, quan tòa Robert Vance không trực tiếp xét xử các vụ kiện của Moody nhưng hắn đã có lần gặp ông trong quá trình làm việc tại Toà Phúc thẩm khu vực 11.
Ngoài việc ra tay sát hại thẩm phán Robert Vance, Moody còn gửi thư đe dọa tới 16 vị quan toà cấp liên bang khác. Các nhà điều tra phát hiện rằng các nhãn dán trên bì thư gửi tới Robert Vanve và 16 vị quan tòa khác đều được đánh trên cùng một máy chữ. Người thực hiện công việc đánh máy này chính là vợ của Moody, cô ta còn nhận việc ra bưu điện gửi các phong bì đó đi theo địa chỉ chồng giao.
Tự tin vào chỉ số IQ 130, Moody đã gạt các luật sư của mình qua một bên và giành quyền tự bào chữa. Hắn thao thao bất tuyệt trong suốt 4 ngày trước bồi thẩm đoàn.
Kết cục đáng đến đã đến, một núi bản án để xuống đầu hắn: 7 án chung thân không giảm án và một bản án tử hình được tuyên vào năm 1997. Cho đến nay, ở tuổi 78, Roy Moody là tử tù lớn tuổi nhất của bang Alabam đang chờ lên ghế điện. Moody vẫn liên tục gửi đơn xin xét lại bản án nhưng lần nào cũng bị Toà án tối cao bang Alabama từ chối.

Đọc thêm