Chủ quầy thịt heo “tự phong” quyền quản lý chợ

(PLO) -Bán thịt lợn tại chợ tạm Tân Mỹ nhưng Lưu Thị Kim Giang (SN 1970, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tự cho mình quyền sắp xếp chỗ ngồi cũng như thu phí mỗi hộ bán hàng 200 ngàn đồng/tháng. Khoảng ba năm, Giang đã thu lợi bất chính của hàng chục tiểu thương số tiền 103 triệu đồng. 
Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Không chịu được sự đe nẹt của nữ “quản lý chợ” này, một tiểu thương dũng cảm làm đơn tố cáo. Khi CQĐT vào cuộc, Giang bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản và trả giá bằng bản án 6 năm tù giam.

“Luật ngầm” chợ tạm

Chợ tạm Tân Mỹ thuộc phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm có hàng chục gian hàng lớn nhỏ, hàng ngày có hàng trăm người dân mua bán. Giang bán thịt lợn ở chợ lâu năm, sống đơn thân nuôi ba con nhỏ. 

Kinh doanh “sống lâu lên lão làng”, Giang lợi dụng việc chợ tạm hoạt động không có sự quản lý của chính quyền nên đã tự đứng ra thu tiền “lệ phí hoạt động”. Mỗi tháng đến ngày cố định, Giang đến từng quầy yêu cầu các chủ quầy phải nộp 200 ngàn đồng/tháng.

Lúc đầu nhiều tiểu thương bức xúc phàn nàn liền bị Giang đe dọa, nói rằng mình được “người của chính quyền” nhờ thu tiền hộ. Thu được tiền, nữ chủ quán thịt “tự phong” cho mình quyền quản lý chợ, tự sắp xếp vị trí quầy hàng. Thậm chí ai muốn vào chợ bán hàng đều phải được Giang đồng ý.

Những tiểu thương ở chợ tuy biết việc thu phí hoặc quản lý chợ của nữ chủ quầy thịt lợn là trái quy định pháp luật nhưng đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” để kiếm sống qua ngày. Ban đầu số tiền thu phí chỉ 200 ngàn đồng/tháng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng một số tình tiết trong vụ án chưa được làm sáng tỏ. Chẳng hạn lời khai của bị cáo Giang nói rằng được người khác nhờ đứng ra thu tiền.

Theo nữ luật sư, một mình bị cáo Giang không thể tổ chức thu tiền như thế. CQĐT cần điều tra làm rõ. 

Nhiều người dự tòa cũng thắc mắc tại sao chợ tạm hoạt động suốt thời gian dài, các tiểu thương bị ép buộc nộp tiền ngay giữa ban ngày nhưng chính quyền không vào cuộc giải quyết.

Đến tháng 8/2014, Giang cho rằng “bão giá” đã tự ý nâng lên thành 500 ngàn đồng/tháng. Với những người muốn vào kinh doanh ở chợ, Giang buộc họ phải đóng tiền “xây dựng chợ” từ 2 đến 6 triệu đồng tùy mặt hàng.

Để “dằn mặt” những người chống đối, Giang sẵn sàng chửi bới đe dọa đuổi khỏi chợ, cho đàn em đến xử lý, gây sự hất đổ hàng hóa, thậm chí lấy hàng nhưng không trả tiền hoặc kê kệ hàng mới chen lấn cửa hàng người chống đối.

Bởi vậy không ai dám lên tiếng tố cáo việc làm phi pháp của nữ “quản lý” trên. Theo đó cứ ngày 15 hàng tháng, tiểu thương ở chợ tạm Tân Mỹ phải đóng tiền “làm luật” cho “đàn chị” này. 

Bảo kê 15 gian hàng lớn nhỏ, số tiền hàng tháng Giang thu được gần chục triệu đồng. Những người “buôn thúng bán mẹt” đành chấp nhận chịu sự quản lý của Giang nếu không muốn bị đánh thẳng tay. 

Nhưng “con giun xéo mãi cũng quằn”, trong đó có chị Trần Thị Hồng là người bán rau ở chợ tạm Tân Mỹ từ năm 2011. Đến tháng 6/2014, Giang yêu cầu chị này nộp tiền “luật” 300 ngàn đồng/tháng nếu không phải chuyển đi nơi khác. Vì sợ bị đuổi nên chị Hồng phải đóng tiền cho “bảo kê” trong vòng 3 tháng. Đến tháng 10/2014, số tiền chị phải đóng “đội giá” lên thành 500 ngàn đồng. 

Bốn tháng đóng các khoản phí vô lý, vợ chồng chị Hồng chẳng dám kêu than. Đến tháng 2/2015, vì hàng rau ế ẩm, chị xin giảm tiền “luật” xuống còn 300 ngàn đồng. Giang yêu cầu đóng 400 ngàn đồng nhưng chủ hàng rau xin bớt xuống 100 ngàn.

Ném tiền vào mặt chị Hồng, Giang dằn mặt sẽ cho người “xử lý” nếu không đưa đủ. Tưởng đó chỉ là câu nói dọa dẫm của Giang, chủ hàng rau không để ý. 

Ba ngày sau, khi vợ chồng chị Hồng đang dọn hàng, Giang đến gây sự hất đổ hàng hóa, đồng thời kê bàn bán thịt vào và tuyên bố sẽ cho người khác bán thay. Tức giận, chị Hồng đẩy bàn của Giang ra thì bị “đàn chị” đánh tối tăm mặt mày.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Huệ bán bún cũng phải đóng tiền “luật” hàng tháng cho Giang. Khi tiểu thương phàn nàn về khoản phí cao thì bị Giang dọa nạt “Không thích thì đi chỗ khác, hay thích đàn em của tao đến xử lý”.

Vì lo sợ bị đuổi đánh nên chị Huệ cắn răng nộp tiền. Năm 2015, đã hai lần chủ quán bán bún nêu nguyện vọng giảm tiền “bảo kê” nhưng không được chấp nhận, thậm chí còn bị Giang hất đổ bún xuống đất.

Lời biện minh trước tòa

Bị đe nẹt quá trớn, chị Hồng bán rau là người đầu tiên dám tố cáo Giang đến các cơ quan chức năng. Sau đó CQĐT mới vào cuộc, quá trình điều tra xác định, từ năm 2013 đến tháng 3/2016, Giang đã cưỡng đoạt của 15 tiểu thương với số tiền 103 triệu đồng. Nữ chủ quầy thịt lợn bị TAND quận Nam Từ Liêm tuyên phạt Giang 6 năm tù, ngoài ra phải bồi thường cho các bị hại số tiền trên.

Cho rằng mức án quá nặng, bị cáo Giang làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 29/11/2016 vừa qua, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Giang. Các bị hại không kháng cáo, phiên tòa chỉ có người thân của bị cáo.

Bắt đầu phiên tòa, nữ bị cáo khóc nức nở cho biết thu tiền của tiểu thương trong chợ nhưng không phải sử dụng vào mục đích cá nhân. Bị cáo cho rằng được “người của chính quyền” “giao nhiệm vụ” thu tiền của những tiểu thương bên trong chợ. Số tiền này, bị cáo đã “nộp” lại cho “người khác”. 

Đối với chị Hồng, bị cáo cho rằng không có việc chửi bới đe nẹt. “Hôm đó, bị cáo bán hàng thì xếp nhờ bàn vào chỗ chị ấy. Chị không đồng ý, hai người giằng co, cãi nhau. Bị cáo có túm tát, chị ấy cũng đánh trả bị cáo”, Giang khai.

Tuy nhiên, khi chủ tọa truy vấn số tiền thu lợi bất chính trên đã nộp cho ai, có giấy tờ sổ sách gì để chứng minh không thì bị cáo không trả lời được. “Bị cáo thu tiền của tiểu thương hàng tháng, khác gì bến bãi thu tiền bảo kê”, vị chủ tọa chất vấn. Đáp lại, bị cáo trả lời bản thân được nhờ thu tiền giúp chứ không phải để sử dụng cho cá nhân. Nhưng lời bào chữa của bị cáo không được chấp nhận.

Trình bày hoàn cảnh gia đình, bị cáo khóc nức nở cho biết vợ chồng đã ly hôn từ năm 2014, một mình nuôi ba con nhỏ. Bố bị cáo là thương binh, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ khi bị cáo bị bắt, các con không người chăm sóc nên mong muốn được giảm hình phạt để sớm trở về đoàn tụ nuôi các con khôn lớn. 

Luật sư bào chữa cho bị cáo Giang cho rằng đến thời điểm mở phiên tòa, các bị hại đều không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thậm chí một số tiểu thương còn xác nhận họ tự nguyện, không bị ép buộc nộp tiền. 

“Đúng là bị cáo có thu tiền của tiểu thương, nhưng có cưỡng đoạt hay không, cưỡng đoạt như thế nào thì cần xem xét lại”, luật sư nêu quan điểm. Sau khi nghị án, nhận thấy mức hình phạt đối với bị cáo có phần nghiêm khắc nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Giang mức án 4 năm tù giam.

Tên các bị hại đã được thay đổi

Bắt đầu phiên tòa, nữ bị cáo khóc nức nở cho biết thu tiền của tiểu thương trong chợ nhưng không phải sử dụng vào mục đích cá nhân. Bị cáo cho rằng được “người của chính quyền” “giao nhiệm vụ” thu tiền của những tiểu thương bên trong chợ. Số tiền này, bị cáo đã “nộp” lại cho “người khác”. 

Tuy nhiên, khi chủ tọa truy vấn số tiền thu lợi bất chính trên đã nộp cho ai, có giấy tờ sổ sách gì để chứng minh không thì bị cáo không trả lời được. “Bị cáo thu tiền của tiểu thương hàng tháng, khác gì bến bãi thu tiền bảo kê”, vị chủ tọa chất vấn.

Đáp lại, bị cáo trả lời bản thân được nhờ thu tiền giúp chứ không phải để sử dụng cho cá nhân. Nhưng lời bào chữa của bị cáo không được chấp nhận.

Đọc thêm