Cuộc đấu sinh tử giữa hai cơ quan tình báo hàng đầu thế giới

(PLO) - Một điệp viên của KGB phản bội đã khai ra tên của hàng chục điệp viên khác ở Mỹ. Tuy nhiên, để có được bằng chứng nhằm vạch mặt những người này không phải là điều đơn giản…
Elizabeth Bentley ra điều trần trước Quốc hội Mỹ
Elizabeth Bentley ra điều trần trước Quốc hội Mỹ

Cuộc gặp định mệnh

Elizabeth Bentley sinh năm 1908 trong một gia đình có cha bán hàng xén ở chợ còn mẹ là một giáo viên. Là con một nên ngay từ nhỏ, Bentley được giáo dục khá nghiêm khắc. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bà nhận được học bổng của trường đại học Vassar ngành tiếng Anh. 

Ngoài chuyên ngành chính, Bentley còn tranh thủ học thêm các môn tiếng Pháp và tiếng Ý. Trong thời gian này, mẹ của Bentley đột ngột qua đời và bà được hưởng một khoản tiền thừa kế nhỏ. Tốt nghiệp đại học, với mong muốn được khám phá thế giới, bà dành số tiền thừa kế thực hiện chuyến du lịch vòng quanh châu Âu.

Trở về Mỹ sau chuyến đi, Bentley xin vào dạy tại trường tiểu học nữ Foxcroft ở bang Virginia. Năm 1932, bà quyết định tạm dừng việc giảng dạy để học lên cao tại trường Đại học Columbia. Với thành tích xuất sắc, bà được trường Đại học Florence ở Ý cấp một suất học bổng. 

Trong lúc Bentley còn lưỡng lự thì cha bà cũng rời bỏ thế giới. Vốn là con một lại sống khá khép kín nên việc trở thành một người mồ côi cả cha lẫn mẹ dù đã ngoài 20 tuổi vẫn là một cú sốc khá lớn với Bentley. 

Tại Italia, bà bị trầm cảm đến mức phải tìm đến rượu để quên sầu. Thói xấu này không những khiến bà phải lâm vào cảnh nợ nần mà còn không hoàn thành được học tập và 2 lần bị đình chỉ học. 

Mùa hè năm 1934, Bentley về lại Mỹ và đăng ký một khóa học kinh doanh ở trường Columbia. Tại đây, bà thuê nhà của một phụ nữ tên Lee Fuhr – một Đảng viên Đảng cộng sản Mỹ. Chính Fuhr đã thường xuyên mời Bentley tới dự các cuộc họp của đảng Cộng sản. 

Trong thời kỳ Suy thoái lúc bấy giờ, việc làm trở nên khan hiếm nên Bentley không thể tìm được bất cứ công việc nào. Bối cảnh lúc bấy giờ cũng khiến các nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản trở nên hấp dẫn hơn so với chủ nghĩa tư bản. Và Bentley cuối cùng cũng đã thay đổi quan điểm chính trị của mình. 

Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ, bà thường xuyên tham gia các hoạt động của tổ chức và giữ một số vị trí quan trọng. Năm 1938, bà tình cờ gặp một người tên “Timmy” – chủ một công ty du lịch nhưng thực chất là điệp viên của Liên Xô chuyên cung cấp hộ chiếu Mỹ và các giấy tờ khác cho các đồng nghiệp khác. 

Phải sau 6 tháng quen biết, Bentley mới biết Timmy thực chất là Jacob Golos, một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Mỹ, nắm trong tay một lưới điệp viên rộng khắp thế giới chuyên cung cấp thông tin cho Liên Xô. Cũng chính Timmy là người đã tuyển mộ Bentley làm điệp viên và dạy cho bà các kỹ năng cần thiết như sử dụng điện thoại, cất giấu tài liệu quan trọng, cách nhận biết nơi ở bị xâm nhập…

Năm 1941, sau khi bị đột quỵ, Timmy may mắn giữ được tính mạng nhưng sức khỏe trở nên yếu đi. Bên cạnh đó, ông ta cũng bị FBI đưa vào tầm ngắm nên không tiện hoạt động. Bentley vì thế được chọn trở thành người kế nhiệm. Công ty Dịch vụ và vận chuyển hàng hải (USSS) - một công ty vỏ bọc mới được thành lập và Bentley trở thành phó Chủ tịch của công ty. 

Vỏ bọc hoàn hảo

Với mật danh được Liên Xô đặt cho là “umnitsa”, có nghĩa là cô gái thông minh, Bentley tiếp quản luôn mạng lưới gián điệp của Timmy. Bà trở thành người quản lý của nhiều điệp viên quan trọng, trong đó có mạng lưới gián điệp lớn nhất ở Mỹ Silvermaster vốn có thành viên là những nhân vật quan trọng trong các bộ như Nông nghiệp, Tư pháp, Tài chính của Mỹ, trong đó Thứ trưởng Bộ tài chính Harry White được xem là nhân vật ảnh hưởng nhất.

Trên cương vị người quản lý, Bentley chính là người tiếp nhận toàn bộ thông tin liên quan đến hoạt động tư pháp, ngoại giao và quốc phòng của Mỹ do các thành viên trong mạng lưới Silvermaster cung cấp rồi chuyển cho tình báo Liên Xô thông qua Bentley. 

Elizabeth Bentley
Elizabeth Bentley

Nhờ hoạt động tích cực của đường dây Silvermaster và cả của Bentley mà tình báo Liên Xô nắm bắt được các thông tin quan trọng về sức mạnh quân sự của Đức Quốc xã và phát xít Nhật; tình hình sản xuất vũ khí, khí tài của Mỹ hay thông tin về kế hoạch mở các mặt trận mới trên chiến trường châu Âu, châu Á của Anh, Mỹ…

Năm 1943, Timmy qua đời. Bentley trở thành nhân vật quan trọng thứ hai trong hệ thống tình báo của Đảng Cộng sản Mỹ làm việc cho Liên Xô. Cùng với Silvermaster, bà còn được giao phụ trách thêm một mạng lưới tình báo khác. 

Tuy nhiên, thời gian này, bà vẫn chưa vượt qua được cú sốc Timmy qua đời nên đau buồn tìm đến rượu để giải sầu. Sau một thời gian quan sát, tình báo Liên Xô đã quyết định tước quyền kiểm soát các mạng lưới điệp viên của Bentley. Thay vào đó, bà được yêu cầu cung cấp thông tin cho Thư ký thứ nhất của đại sứ quán Liên Xô tại Washington Anatoly Gorsky, người phụ trách các hoạt động của KGB tại Mỹ.

Năm 1945, Gorsky yêu cầu Bentley bàn giao lại tất cả các đầu mối tình báo và rời khỏi công ty bình phong. Ban đầu, Bentley thực hiện đúng yêu cầu nhưng do người tiếp quản vị trí của bà làm việc vô cùng tệ trong khi bản thân bà cũng cần việc làm nên Bentley quyết định trở lại. 

Mâu thuẫn giữa bà với Gorsky chính thức bùng nổ. Bentley ngày càng có xu hướng chống đối Gorsky còn ông này thì luôn muốn đẩy nữ cộng sự tới Moscow. Bentley khi đó từ chối tới Nga nếu không có giấy tờ pháp lý phù hợp bởi bà biết rõ nếu không có giấy tờ, bà sẽ không thể quay trở về. Cuối cùng, Gorsky đề nghị Bentley nghỉ phép và cấp cho bà 2.000 USD. 

Với Bentley, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, những nỗ lực làm việc cho Liên Xô của bà dường như không được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Bên cạnh đó, Bentley cũng phát hiện FBI dường như đã bắt đầu điều tra USSS. Sau nhiều ngày cân nhắc, Bentley đồng ý xin nghỉ phép một thời gian.

Công hay tội?

Tháng 8/1945, Bentley bước vào văn phòng FBI ở Connecticut với lý do đến sửa nước. Trở về New York, đến tháng 10, bà lại tiếp tục vào văn phòng FBI. Thế nhưng, phải sau vài lần tiếp xúc với các nhân viên của FBI, Bentley mới tiết lộ câu chuyện làm gián điệp của mình cũng như các đầu mối liên hệ của bà ta. 

Trong suốt tháng 11 năm đó, ban ngày bà ta làm việc tại USSS còn đến tối lại khai báo với FBI. Tổng cộng, bà ta đã tiết lộ tên của 87 công dân Mỹ và Nga đang làm gián điệp ở Mỹ. Tuy nhiên, bằng chứng duy nhất mà Bentley có là 2.000 USD mà Gorsky đã đưa cho bà ta nên FBI cho rằng đó chỉ là động thái nhằm giảm tội của bà ta. 

Dù vậy, phía Mỹ vẫn cho nghỉ việc 24/27 nhân viên liên bang mà Bentley khai làm gián điệp cho Liên Xô. FBI cũng đặt cho Bentley mật danh Gregory và yêu cầu bà ta tái thâm nhập vào mạng lưới tình báo của Liên Xô để thu thập thông tin và chỉ điểm. 

Bên cạnh đó, Cục điều tra liên bang Mỹ cũng huy động các điệp viên đặc biệt để đeo bám, theo dõi hoạt động của các điệp viên nội gián hòng bắt giữ họ. 

Tuy nhiên, KGB đã phát hiện được sự phản bội của Bentley. Để giảm thiểu những thiệt hại mà bà ta có thể gây ra cho các đường dây gián điệp của mình, Liên Xô dừng ngay lập tức mọi hoạt động do thám đồng thời triệu hồi toàn bộ các điệp viên người Nga về nước. Cũng có tin nói rằng Gorsky đã đề xuất đầu độc để loại bỏ Bentley nhưng KGB đã không đồng ý phương án này.

2 năm sau đó, nhờ dự án giải mật Venona, giới chức Mỹ đã giải mật được các thư từ của Liên Xô, trong đó có nêu chi tiết về hoạt động gián điệp của Moscow tại Mỹ. Khi những cái tên được nêu trong các bức điện được mang ra đối chiếu với các khai báo của Bentley. 

Tháng 10/1953, Tòa án tối cao Mỹ đã chấp thuận cho FBI bắt giữ 37 nhân viên chính phủ được cho là làm việc cho tình báo Liên Xô, trong đó có nhiều người là quan chức cấp cao.

Về phía Bentley, sau các phiên tòa, bà ta tiếp tục làm việc cho FBI đến năm 1960 thì xin nghỉ vì bệnh tật nhưng được bảo vệ như một nhân vật quan trọng. Năm 1963, bà ta qua đời vì bệnh ung thư sau khi trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của dư luận về công và tội của bà ta với nước Mỹ.

Đọc thêm