Ly kỳ vụ cướp ngân hàng thế kỷ

(PLO) - Được mệnh danh là vụ cướp thế kỷ do số tiền 2,7 triệu USD bị cuỗm đi từ ngân hàng Brink ở thành phố Boston, bang Massachusetts là con số chưa có trong lịch sử các vụ cướp ngân hàng Mỹ. Phải mất 6 năm trời FBI mới tìm ra thủ phạm nhưng không phải do tài cán của các thám tử, mà do nội bộ bọn cướp chia chắc nhau không đều.
Cảnh sát và FBI tại hiện trường vụ cướp
Cảnh sát và FBI tại hiện trường vụ cướp

Vụ cướp không tung tích

Theo lời khai của các nhân chứng, có khoảng 5 hay 7 tên cướp che mặt, mang găng tay, đội mũ lưỡi trai xông vào ngân hàng. Chúng lặng lẽ hành động rất chính xác, dùng súng khống chế, bắt cả 5 nhân viên trói hai tay ra sau lưng, nằm úp mặt xuống đất, miệng bị dán băng keo. Chúng vơ sạch số tiền mặt 1.218.000 USD cùng khoảng 1,5 triệu USD séc, ngân phiếu, cổ phiếu chứng khoán rồi biến mất. Tại hiện trường chỉ còn lại mấy đoạn dây và băng dính mà bọn tội phạm dùng để trói và bịt miệng các nhân chứng cùng một chiếc mũ lưỡi trai hiệu Chauffeur. Mãi hai tháng sau, người ta mới phát hiện ra nhiều mảnh vụn của một chiếc xe giống như chiếc xe Ford màu xanh đỗ gần cổng lớn của Ngân hàng Brink khi xảy ra vụ cướp tại bãi rác ở Stoughton, bang Massachusetts. Cạnh đó, người ta tìm thấy một chiếc búa tạ dùng để cắt và phá chiếc xe và những bao tải chứa mảnh vụn. Trong lúc đó, ngân hàng treo thưởng trị giá 100.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt và truy tố tội phạm. Nghi phạm đáng chú ý đầu tiên là Anthony Pino nhưng hắn cho biết đã ở nhà riêng tại khu Roxury ở Boston tới 19 giờ, sau đó đến quán rượu của Joseph McGinnis ở Roxbury. Tại đây, anh ta nói chuyện với McGinnis và một nhân viên cảnh sát. Viên cảnh sát này xác nhận đang nói chuyện với McGinnis thì Pino mới xuất hiện. Xét rằng quãng đường từ quán rượu tới ngân hàng Brink chỉ mất 15 phút đi bộ, cảnh sát ngờ rằng có thể đã tham gia vụ cướp rồi mới tới quán rượu gặp McGinnis. Về phần mình McGinnis cũng khai hắn rời nhà lúc 7 giờ tối. Pino và MCGinnis đều là những tay bất hảo. Trong danh sách tình nghi có Joseph James biệt danh O"Keefe và Stanley Gusciora, là những kẻ cùng vào tù do từng “hợp tác làm ăn” và vào thời điểm xảy ra vụ án chúng cũng có mặt gần đó. Dù thiếu chứng cứ nhưng cảnh sát vẫn nghi ngờ O"Keefe cầm đầu vụ cướp. Lần lượt Henry Baker, Vincent Costa - anh vợ của Pino - James Faherty bị cảnh sát để ý vì những thành tích bất hảo thế nhưng tên nào cũng có bằng chứng ngoại phạm vào lúc từ 19 giờ đến 19 giờ 30 tối xảy ra vụ cướp ngân hàng Brink. Điều đáng chú ý là trong khi những người bị tình nghi khác không khai báo rành mạch về việc làm của họ vào tối hôm 17/1/1950 thì Baker, Costa, Faherty, O"Keefe và Pino “không khảo mà khai” luôn nhắc tới thời điểm 19 giờ. Trong lúc công cuộc điều tra của FBI tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì bất ngờ xảy ra một loạt vụ ám sát nhắm vào O"Keefe. Sáng sớm 5/6/1954 một chiếc ôtô bất ngờ bắn tạt sườn xe của O"Keefe khi y đang đi ở Dorchester, bang Massachusetts, tuy nhiên nhờ kịp cúi xuống nên hắn may mắn thoát loạt đạn thấu qua kính xe. Hơn một tuần sau, xảy ra một cuộc đấu súng giữa hắn với Baker nhưng không ai hề hấn gì. Một tháng sau, O"Keefe bị một kẻ lạ mặt bắn hơn 30 phát nhưng hắn chỉ bị thương ở cổ tay và ngực. Tháng 8/1954, O"Keefe lại bị bắt tại Leicester (bang Massachusetts) và bị tuyên phạt 27 tháng tù vì tội sử dụng súng trái phép. Từ những vụ O"Keefe bị ám sát hụt, FBI đoán rằng có lẽ hắn đang oán hận đồng bọn về việc ăn chia không đều sau vụ cướp.
Lộ tẩy nhờ ăn chia không đều
Nhờ mật báo viên trong nhà giam, cảnh sát biết O"Keefe dù đang thụ án đã viết nhiều thư cho các thành viên của nhóm cướp và kiên trì đòi tiền nhưng vô ích. Lúc này O"Keefe nhận ra y sẽ phải ngồi tù trong khi các “chiến hữu” chia nhau tiền, và nếu hắn được ra tù thì tính mạng cũng không đảm bảo.

Đầu năm 1956, được các nhân viên FBI “động viên”, O"Keefe đã khai ra những kẻ cùng y thực hiện vụ cướp bí ẩn tại ngân hàng Brink nhưng tiền ở đâu thì y không rõ.

Theo lời khai của O"Keefe, sáu trong số 11 thành viên của nhóm trộm gồm có Baker, Costa, Geagan, Maffie, McGinnis và Pino bị nhân viên FBI bắt giữ nhưng được tại ngoại sau khi mỗi tên nộp hơn 100.000 USD bảo lãnh. Ngoài O"Keefe và Gusciora đang ngồi tù vì các vụ án khác, Banfield bệnh nặng, Faherty và Richardson Fled đã kịp đào tẩu trước khi bị bắt vào giữa tháng 5/1956.

Lúc này, “Tiền đâu?” là câu hỏi hắc búa đối với FBI. Đầu tháng 6/1956, cảnh sát Maryland bắt được một gã lưu manh mang theo 1.000 USD bốc mùi mốc. Gã khai tình cờ phát hiện số tiền tại phòng khách sạn. Tại đây, giới chức thu được thêm 3.780 USD. Kiểm tra số sêri cho thấy phần lớn là tiền bị cướp trong vụ án Ngân hàng Brink.

Cảnh sát truy tiếp theo lời khai thì tìm ra một người đàn ông ở Boston, có biệt danh John "béo" đang giấu 57.000 USD trong đó có đến hơn 50.000 là tiền trong vụ cướp trong văn phòng của hắn. Tuy nhiên số tiền mặt và giấy tờ có giá trị tương đương tiền khác vẫn biệt tăm.

Tháng 7/1956, đã xảy ra một sự kiện khiến O"Keefe đầu hàng cảnh sát hoàn toàn. Stanley Gusciora – bạn thân của O"Keefe – bất ngờ chết trong tù, ngay trước mắt một mục sư tới thăm y. Kết quả khám nghiệm cho biết y bị u và phù não cấp tính. Lo ngại cho tính mạng của mình, O"Keefe quyết định khai tất cả.

Âm mưu tấn công Ngân hàng Brink của bọn cướp bắt đầu được hình thành từ năm 1947. Ban đầu chúng định xông vào Ngân hàng Brink và cướp một chiếc xe chở tiền trong đó, nhưng kế hoạch này bị bãi bỏ vì nguy hiểm.
James Faherty bị nhân viên FBI áp giải
James Faherty bị nhân viên FBI áp giải 
Kịch bản hoàn hảo

Thì ra O'Keefe và Gusciora đã từng bí mật tìm cách lọt vào ngân hàng để nghiên cứu các ổ khoá để sau đó làm chìa khoá giả. Chúng đã tuyển mộ thêm 7 tên khác. Trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để ra tay, Pino nghiên cứu lịch làm việc của các nhân viên, O'Keefe và Gusciora bí mật đột nhập vào trụ sở của một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ ở Boston ăn cắp các kế hoạch bảo vệ tại Brink. McGinnis đã cử một người tới cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ ở Washington D.C để nghiên cứu về hệ thống báo động được sử dụng trong Ngân hàng Brink.

Bọn cướp từng lọt vào ngân hàng để “thực tập” sau giờ làm việc khi nhân viên ra về hết.  Để lọt vào ngân hàng chúng phải tháo tất cả ổ khóa 5 cửa ra vào, và ổ khóa của cổng lớn dẫn ra phố. Costa được giao nhiệm vụ quan sát ngân hàng từ một toà nhà đối diện. Bọn cướp đã bỏ ra 2 năm để lên kế hoạch và “tập tành” chuẩn bị.

Vào lúc 18h55 phút tối 17/1/1950 trong khi Pino và tài xế Banfield gồi trên xe chờ trước cửa, 7 tên xông vào ngân hàng. Dùng chìa khoá giả, chúng lọt lên tầng 2 và chỉ trong 30 phút khua khắng sạch mọi thứ quý giá nhất trừ thùng đựng bạc giấy trả lương của hãng General Electric.

Ban đầu, khi chia tiền chúng thỏa thuận với nhau là sẽ chỉ đụng đến phần lớn số tiền cướp được sau 6 năm nữa, khi thời hiệu tố tụng cho vụ cướp qua đi.

Sở dĩ O'Keefe oán hận đồng bọn vì khi đòi số tiền được chia thì  y nhận được một chiếc vali ở trong chỉ có 98.000 USD. Như vậy, khoản 100.000 USD được chia của y đã bị lấy đi 2.000 USD. Vì không có nơi để cất giấu số tiền lớn như vậy nên hắn nhờ Maffie cất hộ và chỉ giữ lại 5.000 USD . Tuy nhiên, từ đó về sau, y không bao giờ được nhìn lại số tiền này nữa.

Vụ án kết thúc khi 8 thành viên của nhóm cướp gồm Pino, Costa, Maffie, Geagan, Faherty, Richardson và Baker phải hầu tòa. May cho FBI là phiên xét xử những kẻ cướp ngân hàng Brink được mở ra hôm  12/1/1956, tức là chỉ 5 ngày trước khi thời hiệu này chấm dứt. Chúng bị tuyên án chung thân vào ngày 9/10/1956. McGinnis tuy không có mặt tại hiện trường nhưng vẫn bị phạt tù chung thân vì tội đồng lõa. Tám tên cướp đã được ân xá vào năm 1971, trừ McGinnis chết vì bệnh.

Đọc thêm