Mất mạng vì là vợ của bác sỹ tử thần hám gái

(PLO) - Hôm 25/5/2005, mừng rỡ vì được chồng nhận lời ở nhà trông hai đứa con nhỏ, Rosemarie Essa hẹn cùng em gái đi xem phim. Tuy nhiên, cô đã không tới được nơi hẹn. Dù chạy khá chậm nhưng chẳng hiểu sao chiếc xe của cô loạng choạng, đụng ngay vào một xe phía trước và ngoặt sang bên đường rồi mới dừng lại. Rosemarie được đưa tới bệnh viên, nhưng các bác sĩ đã không cứu nổi cô. 
Vợ chồng Rosemarie và Yazeed Essa
Vợ chồng Rosemarie và Yazeed Essa
Sự quan tâm chết người
Tuy nhiên, gia đình và bạn bè của Rosemarie đã nghi ngờ về cái chết của cô. Một số nhân chứng cho biết khi tai nạn xảy ra họ không nhìn thấy Rosemarie ngồi sau tay lái. Thì ra cô đã nằm gục trên ghế khi xe vẫn còn đang lăn bánh. Khi mở cửa xe, người ta thấy cô đã ói mửa và bất động, gần như không còn thở được. 
Chưa hết, trước thời điểm xảy ra tai nạn Eva McGregor - một cô bạn của Rosemarie Essa – đã nhận được một cuộc điện thoại trong đó Rosemarie đang lái xe nói với bạn rằng cô cảm thấy khó ở và rằng trước khi cô lái xe rời nhà ra đi, chồng cô- bác sĩ Yazeed Essa, có cho cô uống vài viên canxi. 
Eva McGregor kể rằng Rosemarie không muốn uống thuốc vì cô đang vội nhưng vì chồng cô nhắc lần nữa nên cô  đành chiều. Rosemarie nói với Eva rằng “Tớ không biết có phải vì chúng không mà tớ thấy khó chịu”. 
Bác sĩ Yazeed Essa
 Bác sĩ Yazeed Essa
Cuộc điện đàm giữa giữa hai người bạn gái diễn ra khoảng 10 phút sau khi Rosemarie lái xe rời nhà mình. Nghe điện của Rosemarie xong, Eva McGregor vội gọi cho Yazeed Essa ông ta không nghe máy. 
Cái chết của Rosemarie khiến các bác sĩ cũng như những người thân trong gia đình cô sững sờ. Các vết thương của cô do tai nạn đụng xe không đủ để giết chết cô. Em trai của Rosemasie khi gọi điện thoại cho  Eva McGregor để thông báo việc chị mình bị tai nạn đã vô tình được nghe kể về tình trạnh bất thường của Rosemarie trước khi bị đụng xe cũng như việc cô uống thuốc do chồng đưa trước khi lái xe rời nhà. 
Nghi án giết vợ
Trong khi hai người em trai của Rosemarie còn bán tin bán nghi về sự can dự của người anh rể vào cái chết của chị gái thì xảy ra một sự kiện bất ngờ khác. Eva McGregor đã kể lại cuộc nói chuyện điện thoại cuối cùng của mình với Rosemarie cho một người hàng xóm của mình là Christine DiCillo - nữ y tá làm việc với cả hai vợ chồng Rosemarie. Christine hiểu ngay câu chuyện và gọi điện thông báo liền cho cảnh sát về những nghi ngờ của mình. 
Yazeed Essa là con trai của một chủ tiệm tạp hóa gốc Palestin. Gia đình Essa thuộc hàng trung lưu nhờ lao động cần cù và tiết kiệm. Ngay từ khi còn là sinh viên y khoa, năm 1996 Yazeed đã cùng với người em trai mở một công ty nhắn tin làm ăn cũng khá thành công. Thậm chí còn được một tờ nhật báo ở Cleveland nhắc tới với doanh thu 2 triệu USD/năm vào thời đó. 
Tuy nhiên, Yazeed là tay cờ bạc rượu chè và từng bị dương tính trong một cuộc kiểm tra ma túy bắt buộc đối với nhân viên bệnh viện vào năm 2004. Vì vụ này, ông ta từng bị treo giấy phép hành nghề một thời gian.  
Là một người đàn ông đẹp trai, Yazeed Essa là mục tiêu đeo đuổi của nhiều nữ y tá trong bệnh viện nơi ông ta làm việc. Ông ta sống buông thả, lôi gái tới căn hộ của em trai . Sau này Eva McGregor khai rằng Rosemarie từng than phiền với cô về việc bị chồng truyền bệnh hoa liễu. 
Sau khi vợ chết, Yazeed Essa thuê hai nữ y tá – sau này được biết là tình nhân của ông ta – tới chăm sóc hai đứa con mồ côi mẹ. Một cô trông con ban ngày, một cô chăm sóc lũ trẻ ban đêm.  Ông ta còn hứa với Michelle Madeline – một trong hai cô y tá – là sẽ cưới cô ta sau khi mọi chuyện ồn ào đã qua. 
Tuy nhiên, kế hoạch của Yazeed Essa không thành. Vài tuần sau cái chết của Rosemarie Essa, hôm 17/3/2005 cảnh sát gọi Yazeed tới làm việc sau khi các khám nghiệm cho biết Rosemarie chết vì ngộ độc xianuya.
Khi bị cảnh sát vặn hỏi về những viên canxi đưa cho vợ uống, ông ta bình tĩnh giải thích rằng vì Rosemarie đã 38 tuổi nên cô cần bổ sung canxi. Yazeed Essa dẫn thám tử Gary McKee về nhà  để đưa lại lọ thuốc canxi, ở đây vị thám tử gặp được cả Marguerita Montanez, cô y tá trông con cho Yazeed. 
Cảm thấy bất an, Yazeed Essa bỏ trốn sau khi dựng lên một màn kịch đâm xe nữa. lần này “nạn nhân” là một người bạn của ông ta. Dựng cô em vợ Deanna dậy bằng một cuộc điện thoại vào lúc 4 giờ sáng, Yazeed nhờ cô trông hộ hai đứa con vì ông ta muốn tới thăm anh của người bạn của mình bị đụng xe ở bắc Carolina. 
Deanna trông cháu được một ngày, qua ngày hôm sau không ai có thể gọi được điện thoại cho Yazeed. Cô gọi điện thoại cho người bạn mà anh rể nhắc tới và tá hỏa khi được trả lời rằng chẳng có tai nạn nào xảy ra với người thân của anh ta. 
Lưới trời
Cuộc điều tra sau đó cho thấy Yazeed không đi về phía nam và lại ngược lên phía bắc về phía Detroi. Ở đây anh ta gặp em trai Firas của mình và vài người khác. Máu cờ bạc nổi lên, cả bọn tiêu sạch 50.000 USD trong cuộc chia tay với Yazeed tại sòng bài MGM Grand Detroit. Sau hôm đó, Yazeed biến mất tăm. 
Vợ chồng Essa và hai con
Vợ chồng Essa và hai con 
Bỏ trốn ra nước ngoài, Yazeed Essa mang tên giả Maurice Khalife. Nhờ mối quan hệ của cậu em trai,  hắn kiếm được một căn hộ ở Beirut và liên lạc thông qua “anh trai” mới Jamal Khalife. Sau này, Jamal Khalife đã khai với tòa những điều Yazeed “tâm sự” với ông ta về việc đầu độc vợ và cuộc trốn chạy.
Trong những  năm trốn ra nước ngoài, Yazeed Essa sống ở ba châu lục: Đầu tiên hắn tới đảo Sip, sau chuyển qua Lebanon,  tới Hy Lạp, dọn sang Syria, quay về Miami rồi tìm đường về lại Sip. Ở đâu hắn cũng khoác vỏ bọc một bác sĩ điển trai  rủng rỉnh tiền trong túi du ngoạn, lu bù tiệc tùng, hộp đêm và đàn bà. 
Ba tháng sau khi xảy ra vụ án mạng, FBI và Cơ quan Mật vụ Mỹ tóm được dấu vết của Yazeed Essa ở Lebanon, thậm chí lần được chỗ ở của hắn nhưng giữa Mỹ với quốc gia này không có hiệp ước dẫn dộ tội phạm nên đành bó tay. 
Tháng 10/2006 thám tử Phil Torsney nghĩ mình gặp may khi biết Yazeed Essa lên máy bay sang Sip  và quốc gia này cho phép trục xuất các tội phạm về Mỹ. Yazeed Essa bị bắt tại  phi trường nhưng lúc này người ta mới vỡ lẽ là không thể đưa hắn về Mỹ vì luật của Sip không cho phép trục xuất tội phạm về quốc gia nơi hắn có thể bị án tử hình. 
Cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 3 năm buộc phía Mỹ phải  “xuống nước”, không truy tố Yazeed về tội giết người cấp độ 1 vốn có thể dẫn tới án tử hình. Tháng 6/2007, một tòa án Sip tuyên bố Yazeed Essa có thể bị dẫn độ về Mỹ, tuy vậy đơn chống án của hắn đã kéo dài thời gian cho đến tháng 1/2009 hắn mới bị đưa về nước sau gần 4 năm trốn chạy. 
Trong thời gian này, em trai và em gái của Yazeed Essa lần lượt bị truy tố về tội giúp đỡ anh trai bỏ trốn. Em trai Firas đã mua vé máy bay cho anh tới Beirut và mua sim điện thoại trả trước để cho hai người liên lạc. Cô em gái thì nói dối cơ quan điều tra. Cả hai đã chu cấp cho Yazeed 2,4 triệu USD để hắn sống như ông hoàng trong mấy năm lẩn tránh. 
Ngày 5/3/2010 Yazeed Essa bị tuyên án chung thân bất chấp những lời quanh co chối tội rằng thủ phạm không phải là hắn mà là một các người tình của hắn, cô Marguerita Montanez. Kết luận của bồi thẩm đoàn rất đơn giản : Người vô tội chẳng việc gì phải bỏ con thơ để bỏ trốn qua ba châu lục sau khi vợ chết.  

Đọc thêm