Những cái kết bi thảm vì cả tin 'đạo lý giang hồ'

(PLVN) - Lấy được đi số tài sản kếch xù trong vụ cướp được cho lớn nhất trong lịch sử nước Anh nhưng cuộc sống của những kẻ gây ra vụ việc cũng thay đổi hoàn toàn kể từ đó theo hướng tồi tệ.
Nhóm cướp đã lấy đi ba tấn vàng cùng nhiều kim cương trong vụ cướp lịch sử.
Nhóm cướp đã lấy đi ba tấn vàng cùng nhiều kim cương trong vụ cướp lịch sử.

Vụ cướp ba tấn vàng thỏi

Khoảng 6h40 ngày 26/11/1983, sáu người đàn ông có vũ trang, đội những chiếc mũ che kín mặt bước vào một nhà kho tại Sân bay Heathrow ở London, Anh. Nhà kho này vốn thuộc sở hữu của công ty an ninh Brink’s-Mat và những tên cướp có mặt tại đó vì chúng biết được rằng tại thời điểm ấy trong nhà kho này đang có chứa đến ba triệu bảng Anh tiền mặt.

Điều này do “tay trong” của chúng, là một nhân viên bảo vệ của công ty Brink’s-Mat tên Anthony Black, tiết lộ. Khi nhóm cướp có mặt nhà kho, chính Black là người đã dùng chìa khóa của hắn để mở cửa cho cả nhóm vào. 

Khi đã vào được bên trong nhà kho, nhóm cướp do anh vợ của Black là Brian Robinson và một đồng bọn là Micky McAvoy dẫn đầu đã nhanh chóng bao vây các nhân viên bảo vệ. Chúng trói những người này lại, đổ xăng lên người họ kèm lời đe dọa sẽ phóng hỏa nếu họ không hợp tác với chúng.

Cũng nhờ thông tin mà Black đưa ra từ trước đó, nhóm cướp đã nhanh chóng biết được hai người giữ chìa khóa và các con số kết hợp để mở cửa căn phòng có chứa ba két sắt đựng đầy tiền. 

Mọi việc diễn ra hoàn toàn theo dự định của những tên cướp, cho đến khi chúng vào được bên trong căn phòng chứa tiền. Bất ngờ đã xảy ra khi nhóm cướp phát hiện ra rằng trong căn phòng không chỉ có tiền mà đang chứa đến gần 70 thùng vàng thỏi có tổng khối lượng lên đến hơn ba tấn. Ngoài ra, trong nhà kho cũng có rất nhiều kim cương, cả đã cắt thành viên nhỏ lẫn kim cương thô chưa cắt. Số kim loại quý này đang được chất trong nhà kho để chuẩn bị đưa đi nơi khác.

Chỉ sau vài giây suy nghĩ, nhóm cướp quyết định đổi mục tiêu, thay vì cướp tiền mặt, chúng quyết định sẽ lấy đi toàn bộ số vàng, kim cương có trong nhà kho. Cũng chính vì sự thay đổi này mà âm mưu tiến hành vụ cướp trong chỉ khoảng ít phút của chúng đã kéo dài đến gần hai tiếng. Trong quãng thời gian đó, chúng đã dùng xe nâng trong nhà kho để chất những hộp vàng và kim cương lên xe tải. 

Mãi đến 8h15, toán cướp mới rời đi và còn phấn khích đến mức gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến những nhân viên bảo vệ ở nhà kho. Đến 8h30, các nhân viên bảo vệ mới có thể kích hoạt hệ thống báo động và gọi cảnh sát trình báo vụ việc. Toàn bộ khối lượng tài sản bị lấy đi khi đó có giá trị lên đến 26 triệu bảng Anh (tính theo thời giá bây giờ lên đến khoảng 80 triệu bảng), đưa đây trở thành vụ cướp lớn nhất trong lịch sử nước Anh tính đến thời điểm đó.

Tên cướp tin vào “tình bạn”

Ngay từ khi bắt đầu việc điều tra, với tình tiết những tên trộm biết được sự hiện diện của khối tài sản khổng lồ trong nhà kho, có thể xâm nhập vào đó dễ dàng và biết được các nhân viên bảo vệ nắm mã số mở khóa phòng chứa tiền mặt cũng cách thức hành động vô cùng tự tin của chúng, cảnh sát London xác định nhóm cướp có “tay trong” là người của Brink’s-Mat. Qua sàng lọc, họ nhanh chóng xác định Black chính là người này.

Chỉ ít lâu sau vụ cướp, Black đã bị bắt giữ. Cũng gần như rất nhanh sau đó, tên này đã khai ra kẻ đứng sau vụ việc chính là Robinson và McAvoy. Thực ra, từ trước đó, dựa trên cách thức vụ cướp được thực hiện, cảnh sát cũng đã nghi ngờ Robinson, kẻ có biệt danh là “Đại tá”, một đối tượng đã “nhẵn mặt” với cảnh sát London; và McAvoy, được xem là một trong những tên cướp có vũ trang khét tiếng nhất ở khu vực phía Nam London, liên quan đến vụ việc. 

Chỉ trong vòng vài tuần sau vụ cướp, cả hai đối tượng đều có những biểu hiện bất thường. Ví dụ, dù đều là những tội phạm “có số có má” nhưng trước vụ việc cả hai đều sống trong những ngôi nhà rất giản dị ở phía Nam London, và chỉ ít ngày sau vụ cướp, cả hai đều mua những ngôi nhà đẹp đẽ ở trung tâm thành phố. McAvoy bỏ ra một số tiền lớn để mua hai chú chó Rottweiler để bảo vệ ngôi nhà mới, đặt tên cho hai chú chó là “Brinks” và “Mat”.

Nhận thấy “trò chơi” do mình sắp đặt sắp kết thúc, McAvoy quyết định chuyển phần vàng được chia sau vụ cướp cho những người mà đối tượng nghĩ là bạn, với niềm tin những tên này sẽ giữ “đạo lý của những tên cướp” và cứu hắn khi cần thiết. Trong số những tên được trao vàng có đối tượng tên Brian Perry.

Quả thực, với những bằng chứng rất rõ ràng, tháng 12/1984, cả McAvoy và Robinson đều bị buộc tội đứng sau vụ cướp chấn động và bị kết án 25 năm tù. Trong khi đó, Black với vai trò tay trong phải nhận bản án sáu năm tù giam. Có điều, khi McAvoy tìm cách lấy lại tài sản thì toàn bộ số vàng cũng như tiền mặt của hắn đều đã biến mất.

Giết chóc lẫn nhau hòng tranh giành tài sản 

Bán được vàng có từ vụ cướp mới là thách thức khó nhằn. Để làm được điều này, những tên cướp cần phải nung chảy những thỏi vàng loại bỏ số seri trên thỏi vàng, vốn là dấu hiệu để nhà chức trách có thể lần ra nguồn gốc những thanh kim loại quý.

Trong trường hợp toán cướp trên, để có thể bán được vàng, những tên cướp chưa bị tóm quyết định nhờ đến một kẻ chuyên luyện vàng tên Kenneth Noye và bạn của hắn là Brian Reader. Chính Noye là người đã nghĩ ra chiêu cho thêm đồng vào vàng nguyên chất trong quá trình nung chảy để giảm độ tinh khiết của vàng, khiến thành phẩm khi hoàn thiện có vẻ ngoài giống như vàng phế liệu. 

Nhà kho Brink’s-Mat, nơi xảy ra vụ cướp chấn động.
Nhà kho Brink’s-Mat, nơi xảy ra vụ cướp chấn động.

Theo kế này, trong một thời gian dài, những tên cướp thường mang vàng cướp được tới xưởng luyện kim của Noye ở Bristol. Một phần số vàng cướp được đã được nhóm cướp chuyển thành vàng có thể tiêu thụ dễ dàng trên thị trường theo cách thức đó. Thế nhưng việc những thành viên trong nhóm cướp bỗng dưng được chuyển rất nhiều tiền thông qua một ngân hàng ở địa phương vẫn khiến cảnh sát sinh nghi. 

Một nhóm điều tra viên sau đó đã được điều động đi tìm hiểu sự tình, trong đó có thám tử John Fordham. Song, tháng 1/1985, thám tử Fordham đã bị Noye đâm chết khi tên này phát hiện ông đang do thám trong vườn nhà hắn. Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 12/1985, Noye được tuyên trắng án với lý do “tự vệ”.

Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Noye đã tiếp tục phải ra hầu tòa. Lần này, hắn bị buộc tội liên quan đến vụ cướp sau khi cảnh sát tìm được 11 thỏi vàng trị giá khoảng 100.000 bảng Anh trong nhà hắn. Noye nhận tội đã giúp toán cướp xử lý vàng cướp được và bị kết án 14 năm tù giam. 

Năm 1994, sau khi thụ án được bảy năm, Noye được tha tù trước thời hạn. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, hắn bất ngờ bị một kẻ lái mô tô đâm chết trên đường cao tốc. Vụ việc này được cho là có liên quan đến vụ cướp vàng của Brink’s-Mat.

Dù chỉ có hai tên trực tiếp bước vào nhà kho bị kết án vì vụ cướp, nhưng thực tế cho thấy những tên còn lại liên quan đến vụ việc thậm chí đã phải nhận “bản án “còn khắc nghiệt hơn là bị giam sau song sắt nhà tù. Ước tính, đã có hơn 20 người có liên quan đến vụ cướp đã bị sát hại, chủ yếu là do chính các thành viên trong “thế giới ngầm” tội phạm ra tay. 

Trong đó, Brian Perry đã bị bắn chết ở phía Đông London ngay sau khi thi hành xong bản án tù chín năm vì đã tham gia xử lý vàng cướp được. Một người khác là George Francis cũng bị sát hại.

Solly Nahome, một chủ cửa hàng trang sức ở London, người đã giúp những tên cướp tiêu thụ tài sản bất hợp pháp, bị giết chết ngay trước cửa nhà riêng vào năm 1998. Ngay cả những đối tượng ở nước ngoài nhưng tham gia vào việc tẩu tán vàng cướp được như Charlie Wilson cũng bị sát hại, khiến vụ việc càng trở nên phức tạp hơn.

Cho đến nay, khoảng 70% số tài sản bị lấy đi trong vụ việc vẫn chưa được tìm thấy và những tên tội phạm trong thế giới ngầm được cho là vẫn đang giết chóc lẫn nhau hòng tranh giành tài sản. Hồi tháng 7/2015, John Palmer, biệt danh “Ngón tay vàng”, được xác định là người đã tham gia nấu vàng trộm cắp được, cũng đã bị sát hại tại nhà riêng ở Essex.

Cảnh sát cho biết, ban đầu Palmer được xác định đã tử vong vì bệnh tim nhưng kết quả khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy nạn nhân đã thiệt mạng vì bị bắn nhiều viên đạn vào vùng ngực.

Đọc thêm