Nữ sinh gốc Việt bị sát hại ngay trước ngày cưới

(PLO) - Chỉ còn đúng 5 ngày nữa là đến lễ cưới, Annie Le (SN 1985, trú tại San Jose, bang California, Mỹ) đột ngột mất tích. Đau đớn hơn, thi thể cô gái trẻ được tìm thấy vào đúng ngày mà đáng ra cô sẽ được khoác lên mình bộ váy cưới lộng lẫy...
Nữ sinh tài năng
Annie sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều là người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, cô đã sống cùng với chú và dì ở thị trấn nhỏ Placerville cũng thuộc bang California. Annie luôn là người có kết quả học tập xuất sắc. Những người bạn học cùng lớp với cô ở trường Trung học Union Mine ở El Dorado thậm chí đã đặt cho cô biệt danh “Einstein tiếp theo”. Năm 2003, Annie tốt nghiệp phổ thông với thành tích thủ khoa. 
Với thành tích đáng nể của mình, Annnie đã được nhận học bổng toàn phần của trường Đại học Rochester ở New York, chuyên ngành tế bào sinh học. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Annie đã sử dụng những kiến thức mà mình lĩnh hội được để giúp đỡ những người khác trong các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cô cũng là một tình nguyện viên tích cực của phòng thí nghiệm bệnh lý tại trung tâm y khoa Marshall thuộc thị trấn Placerville. 
Về tính cách, những người quen biết Annie đều nhận xét cô là một cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng và quyến rũ, một cô gái hài hước, luôn là người gợi mở những trò đùa tếu táo. Có thể nói, cả về mặt học thức lẫn nhân cách, Annie đều được cho là một cô gái trẻ đáng ngưỡng mộ.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc và hoạt động cộng đồng tích cực, sau khi tốt nghiệp đại học, Annie được nhận vào học chương trình sau đại học của trường Đại học Y khoa danh giá thuộc trường Đại học Yale. Trong thời gian theo học tại đây, Annie đã gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với một người bạn cùng trường tên Jonathan Widawsky. Giữa năm 2009, họ quyết định tổ chức lễ đính hôn và dự định sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 13/9/2009. 
Annie và chồng chưa cưới
Annie và chồng chưa cưới 
Phát hiện đau lòng
Nào ngờ, thảm kịch ập xuống, khiến Annie mãi mãi không có cơ hội được khoác lên mình chiếc váy cô dâu. 21h ngày 8/9/2009, đúng 5 ngày trước khi cô dự định sẽ tổ chức hôn lễ, cảnh sát nhận được tin báo về việc Annie mất tích. Theo những hình ảnh được camera giám sát ghi lại, Annie rời khỏi nhà sáng 8/9/2009 và tới Tòa nhà Sterling của trường Đại học Yale. 
Khoảng 10h cùng ngày, cô đã đi bộ từ Tòa nhà Sterling tới tòa nhà phòng thí nghiệm cũng ở trong khuôn viên của trường Yale. Toàn bộ ví tiền, điện thoại di động, thẻ tín dụng và tiền mặt đều được Annie để lại văn phòng của ở Tòa nhà Sterling. Hình ảnh từ camera cho thấy Annie đã vào tòa nhà phòng thí nghiệm ít phút sau 10h. Tuy nhiên, cả camera an ninh lẫn ghi chép về những người ra vào đều cho thấy Annie chưa từng rời khỏi tòa nhà thí nghiệm. 
Vì không phát hiện bằng chứng cho thấy Annie đã rời tòa nhà phòng thí nghiệm nên cảnh sát đã đóng cửa toàn bộ tòa nhà để điều tra. Cảnh sát cũng tiến hành kiểm tra ở bãi rác Hartford, nơi rác thải của trường Yale được xử lý hòng tìm kiếm các manh mối về tung tích của Annie. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), cảnh sát New Haven và Sở cảnh sát Connecticut đều đã tham gia cuộc tìm kiếm. 
Đến ngày 13/9/2009, đúng ngày cưới đã được ấn định của Annie, cảnh sát đã phát hiện thi thể của cô gái xấu số trong khe tường ở tầng hầm tòa nhà phòng thí nghiệm động vật của trường Đại học Yale, nơi cô vẫn thường xuyên lui tới để thực hiện công việc nghiên cứu của mình. 
Trước đó 1 ngày, họ đã tìm thấy một bộ quần áo đẫm máu trên tầng thượng của tòa nhà nhưng đó không phải là chiếc váy mà xám và áo phông màu xanh mà Annie đã mặc khi bước vào tòa nhà thí nghiệm trước đó 5 ngày. Nguyên nhân tử vong của cô gái trẻ được xác định là do bị siết cổ, dẫn đến nghẹt thở.
Truy tìm thủ phạm
Tòa nhà thí nghiệm của trường Yale có độ an toàn tương đối cao, với 75 camera theo dõi được gắn xung quanh tòa nhà và khu vực kế cận. Không những thế, cửa ra vào tòa nhà và các phòng bên trong tòa nhà đều phải có thẻ chứng minh thư của trường mới mở. Tầng hầm nơi thi thể Annie được tìm thấy là nơi nuôi nhốt những con chuột để phục vụ nghiên cứu. 
Với việc tòa nhà có độ bảo an cao như vậy, các điều tra viên đều nhất trí cho rằng, bất kỳ ai đều khó có thể vào tòa nhà thí nghiệm ở tầng hầm nơi phát hiện thi thể Annie mà không có chứng minh  thư của trường Yale. Từ nhận định này, họ bắt đầu tập trung cuộc điều tra vào các nhân viên và sinh viên của trường Yale.
Ban đầu, các điều tra viên đã tiến hành thẩm vấn một giáo sư sau khi phát hiện vào đúng ngày Annie biến mất vị giáo sư đã đột ngột hủy lớp học mà Annie cũng ghi danh theo học. Song, giáo sư này đã trình bày được bằng chứng ngoại phạm rõ ràng. 
Bên cạnh đó, cảnh sát cũng chú ý tới vị hôn phu của Annie là Jonathan. Nghi vấn này cũng nhanh chóng được xóa tan với việc Jonathan đưa ra được các chứng cứ chứng minh anh không liên quan đến cái chết của vợ chưa cưới. Đến lúc này, cảnh sát cho rằng thủ phạm có thể đã đi lang thang trong tầng hầm ở phòng thí nghiệm và phát hiện Annie ở đó 1 mình nên đã tấn công cô. 
Trong lúc này, cảnh sát phát hiện một nghi phạm mới, là Raymond Clark (SN 1983), là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, làm việc tại tòa nhà mà Annie đã biến mất. Cô Jessica Del Rocco, bạn gái cũ của Raymon cho biết anh ta là một kẻ bạo lực và thích kiểm soát người khác. Anh ta kiểm soát chặt chẽ mọi mối quan hệ của cô, thậm chí còn can thiệp vào để ra lệnh cô được phép mặc quần áo nào, làm gì... Jessica cũng cáo buộc Raymon đã cưỡng bức cô. Cô thậm chí đã phải nhờ đến cảnh sát mới có thể cắt đứt quan hệ với Raymon. 
Theo các dữ liệu điện tử, Raymond là người cuối cùng ở trong cùng tòa nhà với Annie. Những dữ liệu cũng cho thấy anh ta đã ở trong một căn phòng trong gần 1 giờ đồng hồ sau thời điểm Annie được xác định đã tử vong. Sau đó, anh ta đã di chuyển từ phòng này sang phòng khác nhiều lần, trong đó có cả những phòng mà mình thường anh ta không có lý do gì để đến đó.
Trong những ngày sau khi Annie biến mất, cảnh sát và những người quen biết với Raymond đã chú ý đến việc anh ta có nhiều vết bầm tím và vết cứa trên tay, ngực, tai và cả trên mặt của anh ta. Với nghi vấn này, ngày 15/9, cảnh sát đã nhận được lệnh lấy mẫu ADN của Raymond để đối chiếu với hồ sơ di truyền tìm được tại hiện trường. 
Các điều tra viên sớm phát hiện ra rằng mẫu ADN của Raymond hoàn toàn trùng khớp với ADN tìm thấy trên quần áo và thi thể Annie. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện vết máu của Annie trên một đôi giầy có ghi tên Raymond. Một sợi tóc của nạn nhân cũng được tìm thấy trên quần áo của đối tượng này. Với các bằng chứng như vậy, ngày 17/9/2009, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ Raymond Clark và khởi tố hắn ta về tội giết người.
Raymond Clark (áo sọc) khi bị bắt
Raymond Clark (áo sọc) khi bị bắt 
Đền tội
Sau khi bị bắt, Raymond Clark đã bị giam giữ tại trại tạm giam MacDougall-Walker, nhà tù có hệ thống an ninh nghiêm ngặt nhất tại Suffield, Connecticut. Ngày 26/1/2010, phiên điều trần đầu tiên về vụ việc đã được mở ra, song đối tượng này vẫn một mực phủ nhận hành vi phạm tội của mình.
Mãi đến tháng 3/2011, đối tượng này mới chịu thừa nhận các tội danh chống lại mình để đổi lấy việc không bị kết án tử hình. Ngày 3/6/2011, đối tượng đã chính thức bị kết án 44 năm tù giam. Trước tòa, kẻ sát nhân cúi gằm mặt mỗi khi những người thân trong gia đình Annie đứng lên phát biểu. 
Khi được nói lời cuối cùng, Raymond nói: “Tôi thực sự xin lỗi vì đã cướp Annie khỏi gia đình, bạn bè và nhất là chồng chưa cưới của cô ấy. Tôi đã cướp đi 1 mạng người và đã tiếp tục nói dối về việc này trong khi bạn bè, gia đình và chồng chưa cưới của cô ấy đang nóng lòng chờ đợi. Annie đã và sẽ luôn là một người tuyệt vời, một người tốt hơn tôi rất nhiều. Tôi xin lỗi...”. 
Tuy nhiên, hắn đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về động cơ cũng như quá trình gây án. Điều này đồng nghĩa với việc công lý đã được thực thi trong vụ sát hại Annie nhưng nguyên nhân dẫn đến cái chết oan khuất của cô gái này khi ngày cưới đã cận kề sẽ mãi là một bí ẩn mà chỉ có nạn nhân đã khuất và hung thủ biết được.

Đọc thêm