Oan án gần 20 năm vẫn chưa khép lại

(PLO) -“Vợ chồng tôi rơi vào lao lý, cha mẹ tôi ở ngoài uất ức, không biết kêu cứu phương nào, không biết tin ai bởi 7 cán bộ của cả Công an, VKS, Tòa án cùng tìm cách kết án tôi. Vợ chồng ở tù, mấy đứa con còn nhỏ. Để rồi 3 đứa con trai tôi không ai nuôi dạy lao vào ma túy, tệ nạn rồi bị bắt, bị đi tù, 2 đứa gục chết trong tù. Con trai út cũng lao vào ma túy, nghiện ngập. Con gái thì thất học. Họ đã làm tan nát cả ba thế hệ gia đình của tôi thì bao nhiêu tiền mới đủ đây”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng: “Có gia đình nào cả vợ lẫn chồng đều bị dính án oan nghiệt ngã như gia đình tôi hay không”
Ông Hưng: “Có gia đình nào cả vợ lẫn chồng đều bị dính án oan nghiệt ngã như gia đình tôi hay không”

Gần 20 năm qua, ông Chu Quang Hưng (SN 1947, ngụ 31 Kim Biên, phường 13, quận 5, TP HCM) vẫn miệt mài gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng để yêu cầu bồi thường trong vụ án oan của mình, nhưng chưa có kết quả. Trong vụ án oan của ông Hưng có tới 7 cán bộ thuộc 3 ngành tố tụng của TP HCM bị kỷ luật.

Hy hữu vợ chồng cùng “dính” án oan

Ông Hưng là thương binh hạng 3/4, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966. Sau năm 1975, ông được nhà nước cấp cho căn nhà số 31 đường Kim Biên để sinh sống.

Nhà gần chợ, vợ chồng ông buôn bán kiếm sống. Năm 1992, bà Lê Thị Lan Hương (vợ ông Hưng) tham gia chơi hụi và vay tiền, vàng, ngoại tệ của một số người cùng buôn bán.

Đầu năm 1994, bà Hương bị một số người dân tố cáo chiếm đoạt tài sản. Tháng 4/1994, CQĐT Công an TP HCM khởi tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và bắt tạm giam bà Hương.

Sau đó, bà bị VKS TP HCM truy tố 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Vợ bị giam, tôi rất lo lắng. Nhiều người đến nhà đòi tiền, tôi mới quyết định bán căn nhà số 31 đường Kim Biên là nơi sinh sống của cả gia đình. Lúc này, ông Lê Tuấn Nam (SN 1955)  và ông Nguyễn Lâm (lúc đó là thẩm phán tòa án TP HCM, cậu của ông Nam) đến đòi mua căn nhà với giá 100 lượng vàng. Ông Lâm còn hứa sẽ lo cho vợ tôi khỏi phải tù.

Ông Nam và tôi lập hợp đồng mua bán ngày 6/9/21994. Dù ông Nam chỉ đưa được khoảng 40 lượng vàng nhưng tôi vẫn chấp nhận giao toàn bộ hồ sơ nhà đất cho họ làm thủ tục sang tên vì mình ở thế thua”, ông Hưng kể.

Theo ông Hưng, số vàng còn lại, ông Nam không chịu trả. Hợp đồng quy định trong 35 ngày hai bên phải thanh toán và giao nhà. Tuy nhiên, đến 5/1995, ông Nam vẫn không giao đủ nên ông Hưng khởi kiện ra tòa án quận 5.

TAND quận 5 đưa ra xét xử 2 lần nhưng đều phải hoãn do ông Nam vắng mặt. Đến ngày 21/11/1995, ông Hưng bị CQĐT công an và VKS TP. HCM đến nhà mời lên phường, đọc lệnh và bắt tạm giam về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông bị tạm giam gần 13 tháng, đến tháng 12/1996 được trả tự do, tháng 7/1998 nhận quyết định đình chỉ điều tra. Đến năm 2005, VKS TP HCM mới có quyết định  đình chỉ vụ án đối với bị can Chu Quang Hưng.

VKS TP.HCM xác định hành vi của ông Hưng là không cấu thành tội phạm, các giao dịch của ông với những người khác chỉ là quan hệ dân sự.

Về vợ ông Hưng, bà Hương bị tạm giam 4 năm 9 tháng, đến năm 1999 được VKS TP. HCM ra quyết định đình chỉ điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Nhưng một tuần sau, cũng với hành vi nêu trên, VKS TP. HCM lại ra quyết định truy tố bà về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Lần này, bà Hương không bị bắt tạm giam. Đến năm 2004, VKS TP. HCM lại ra quyết định đình chỉ tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bà Hương. VKS TP. HCM cho rằng áp dụng BLHS mới năm 1999, bà Hương được miễn trách nhiệm hình sự, vì thế bà Hương không được xin lỗi, bồi thường.

7 cán bộ của 3 ngành bị kỷ luật

Trong vụ án oan của ông Hưng có 7 cán bộ thuộc 3 ngành từ Công an, VKS, Tòa án TP. HCM bị kỷ luật. Đặc biệt phía tòa án, mặc dù vụ án ông Hưng chưa đưa ra xét xử nhưng một thẩm phán là ông Nguyễn Lâm bị kỷ luật khiển trách, không tái bổ nhiệm làm thẩm phán TAND TP HCM. 

Trong biên bản làm việc với ông Hưng, Chánh án TAND TP. HCM nêu rõ ông Lâm có những sai sót, can thiệp việc mua bán nhà không đúng, gây ảnh hưởng đến gia đình ông Hưng.

Còn ông Lâm giải trình do sốt ruột với việc người cháu là ông Nam (người tranh chấp việc mua bán nhà với ông Hưng) bị mất tiền nên đã can thiệp.

Ngoài ra, 3 ngành tố tụng cũng đã xin lỗi “kín” đối với ông Hưng tại trụ sở từng cơ quan. Lãnh đạo Công an TP HCM cho rằng trong quá trình điều tra không kiểm tra hết nên không phát hiện sai trái do cấp dưới làm; xin lỗi và mong ông Hưng thông cảm.

Còn VKSND TP HCM thì cho rằng việc xử lý kỷ luật 7 cán bộ của 3 ngành là một sự nhìn nhận nghiêm túc và mất mát lớn, mong ông Hưng chấp thuận, coi việc kỷ luật này là một sự đền bù thiệt hại cho ông.

Tuy nhiên, ông Hưng không đồng ý với việc kỷ luật 7 cán bộ sai phạm nói trên, yêu cầu phải khởi tố hình sự. Ông đã gửi nhiều đơn tố cáo đến các cấp Trung ương yêu cầu phải xử lý hình sự những người gây oan cho mình. 

Ông Hưng kể: “Những cán bộ sai phạm có tên bị tố cáo đã nhờ một người đến tận nhà “tặng” tôi 2 lượng vàng và gần 250 triệu đồng để rút đơn, viết giấy bãi nại. Tôi đã thu thập chứng cứ và tố cáo ngay sự việc trên cho cơ quan chức năng nhưng không ai dám tiếp nhận”.

Về căn nhà số 31 đường Kim Biên, Tòa sau đó xử yêu cầu ông Hưng trả cho ông Nam hơn 400 triệu đồng. Ông Hưng tiếp tục tố cáo ông Nam thì ông Nam đến tận nhà xin thương lượng nhận lại tiền đặt cọc và hủy bỏ hợp đồng mua bán.

“Căn nhà này về mặt pháp lý thì chưa xong nhưng ông Nam đã hủy hợp đồng mua bán. Vì thế, bản án có được tuyên từ năm 2000 đến nay vẫn chưa thấy ai đến thi hành”, ông Hưng nói.

“Tan nát cả 3 thế hệ gia đình”

Suốt 20 năm qua, ông Hưng hết kêu oan đến đòi bồi thường, đòi công khai xin lỗi nhưng chưa được. Ông cho biết, trước đây, lãnh đạo VKS TP. HCM từng có lần làm việc và cho rằng cố gắng hết sức thì chỉ bồi thường cho ông Hưng tối đa 30 triệu đồng. Ông Hưng không chấp nhận. 

Thời điểm đó, ông Hưng đòi 1 đồng tổn thất tinh thần, 16 tỷ đồng thiệt hại vật chất. Đến nay, ông Hưng lại đòi bồi thường 1 đồng tinh thần, 99 tỷ đồng thiệt hại vật chất mà ông và gia đình phải gánh chịu suốt hàng chục năm qua.

Ông gửi đơn đến TAND Tối cao yêu cầu thực hiện việc bồi thường oan. Tháng 10/2015, TAND Tối cao đã chuyển đơn của ông đến VKS Tối cao vì “đơn có nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của VKS Tối cao”.

Ông lại hỏi VKS Tối cao. Tháng 11/2015, cơ quan này đã ra thông báo trả lại đơn cho ông với lý do “đơn của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS Tối cao”. Cơ quan này đề nghị ông gửi đơn đến TAND TP.HCM để được xem xét, giải quyết. Tiếp tục, TAND TP. HCM lại cho rằng VKS TP. HCM là nơi ông Hưng cần gửi đơn đòi bồi thường.

“Tôi làm đơn đòi bồi thường từ năm 2005 nhưng ban đầu họ im lặng. Đến năm 2015, họ trả lời thì tất cả các cơ quan đều đùn đẩy, không chịu bồi thường cho tôi. Đã 20 năm bị oan sai, có gia đình nào cả vợ lẫn chồng đều bị dính án oan nghiệt ngã như gia đình tôi hay không?”, ông Hưng nói.

Ông tiếp: “Tôi bị giam 13 tháng, vợ tôi 4 năm 9 tháng và cả hai phải mang thân phận bị can trong suốt 10 năm mới được chính thức thành công dân vô tội. Hồi ấy, họ xin lỗi trong phòng kín, tôi đã không đồng ý.

Gây oan sai như vậy, liệu một lời xin lỗi tại cơ quan của họ thì ai biết, có thỏa đáng hay không. Tôi yêu cầu phải công khai, phải cho toàn dân biết tôi bị oan và được xin lỗi… Họ đã làm tan nát cả ba thế hệ gia đình của tôi thì bao nhiêu tiền mới đủ đây”.

Đọc thêm